Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời hôm qua, 9.9, ở tuổi 92 để lại thương tiếc cho nhiều độc giả. Sự ra đi của nhà văn có nhiều trích đoạn trong sách tập đọc tiểu học cũng khiến bao người ngẩn ngơ. Người ta vẫn còn nhìn thấy đâu đây cây gạo với màu hoa đỏ rực như một tháp đèn khổng lồ, hay giàn mướp với màu vàng tươi như những đốm nắng nở sáng trưng trên một giàn lá xanh mươn mướt…
Đi đâu cũng tìm bóng hình cây gạo
|
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, 23 tuổi, tác giả viết sách, người viết blog, trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ chỉ cần đọc lại đâu đó những dòng văn "Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh” cô đã thấy cả trời kỷ niệm.
“Ngày đó học bài Cây gạo tôi ấn tượng vì tôi cứ tẩn ngẩn mãi về một cái cây màu đỏ rực. Hồi đó ở Bà Rịa-Vũng Tàu không có cây gạo, tôi cứ đọc đi đọc lại rồi hỏi: “Biết bao giờ mới được thấy cây này đây”. Câu bác Vũ Tú Nam miêu tả với tháp đèn khổng lồ ấy, ngày bé tôi cứ tưởng tượng là những ngọn nến đèn dầu nhiều chi chít trên thân cây, lung linh như thế ư? Sau này, khi đi nhiều nơi rồi, nhất là khi vào rừng gặp rất nhiều cái cây màu đỏ rực như bài này, tôi vẫn cứ nhớ mãi. Nhưng mà vẫn chỉ gặp cây thân leo trong rừng bám lên thân gỗ rồi Đỗ Quyên, chứ vẫn chưa thấy được cây gạo”.
“Hồi tiểu học, tụi tôi còn được học miêu tả cây, mà mấy đứa cứ nức nở vì mình viết sao cũng không hay bằng bác Vũ Tú Nam viết về cây gạo. Có nhiều đứa còn thích quá miêu tả cây nào cũng lấy tứ của cây gạo, nên cô giáo cười quá trời bảo không phải cây đó”, cô bộc bạch.
Anh Lê Hải Đoàn, 30 tuổi người sáng lập trang Sách đẹp thì kể, hình ảnh minh họa trong trang sách tập đọc lớp 3 về bài Cây gạo đẹp quá, ấn tượng quá với bất kể đứa trẻ nào ngày đó. Hình ảnh cây hoa nở đỏ rực bên bờ sông, những cánh chim bay đi bay lại ríu rít, kế đó là con đò, bóng một người mẹ tảo tần với quang gánh bước đi dưới bóng cây quá sinh động để bọn trẻ cùng tưởng tượng, hoàn thành bài mỹ thuật của mình.
Chị Nguyễn Thị Thu, 29 tuổi, cử nhân sư phạm ngữ văn, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, bồi hồi mãi: “Những cảm xúc rất khó gọi tên. Bây giờ khi dạy học cho con, thấy đâu đó bài Cây gạo hay những bài tập đọc xưa đều bâng khuâng cả trời thương nhớ. Tự nhiên, hình ảnh cây gạo đỏ rực hoa bên một bến sông cứ trở đi trở lại trong mình, bình yên quá đỗi”.
Cô giáo Phạm Thị Vân An, giáo viên Trường tiểu học Ngãi Giao, thị trấn Ngãi Giao, H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu, chia sẻ: “Tôi thích bài Cây gạo lắm. Bài văn gợi ra cảnh thanh bình của làng quê, cảnh ấm êm cho cuộc sống chim chóc, tình cảm của những người con xa xứ với quê hương. Năm nào dạy, tôi cũng mở rộng cho học sinh về làng quê yên bình xưa, dưới gốc cây có bà cụ bán nước chè xanh”.
“Các em học sinh cũng rất thích bài văn Cây gạo của Vũ Tú Nam. Các em còn hồn nhiên nói “cô ơi bài này có nhiều hình ảnh nhân hóa hay quá cô. Không biết bây giờ chim chóc còn bay về đậu nơi đó nữa không cô?”, cô Vân An kể.
Tuổi thơ trong veo qua trang sách giáo khoa
Không chỉ có bài văn Cây gạo trong sách giáo khoa được nhiều thế hệ giáo viên, học sinh yêu mến, nhà văn Vũ Tú Nam còn có các trích đoạn Giàn mướp, Sau cơn mưa trong sách tập đọc lớp 1 nhiều năm về trước.
|
Trang sách giáo khoa xưa in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ học sinh 8X, 9X với hình vẽ giản dị mà sinh động, gieo bao tình yêu thương quê hương, thiên nhiên trong trẻo. “Thật là tuyệt! Mấy bông hoa vàng tươi như những đốm nắng đã nở sáng trưng trên giàn mướp xanh mát. Cái giàn trên mặt ao soi bóng xuống làn nước lấp lánh hoa vàng, khiến mấy chú cá rô cứ lội quanh lội quẩn ở đó chẳng muốn đi đâu. Cứ thế, hoa nở tiếp hoa. Rồi quả thi nhau chồi ra… bằng ngón tay… bằng con chuột. Rồi bằng con cá chuối to. Có hôm hai chị em tôi hái không xuể. Nhà ăn không hết, bà tôi sai mang biếu cô tôi, dì tôi, cậu tôi, chú tôi, bác tôi, mỗi người một quả”, đó là bài Giàn mướp của Vũ Tú Nam.
“Sau khi đọc bài Giàn mướp, tôi còn nhớ về bắt mẹ phải trồng mướp, làm đúng một giàn như của nhà văn viết và vẽ minh họa trong sách. Cũng từ bài văn ngày đó, tôi mới biết cá chuối là cá quả hay còn gọi là cá lóc”, anh Nguyễn Minh Khiêm, bây giờ đã 31 tuổi, nhân viên kinh doanh một hãng xe hơi tại TP Hạ Long kể.
|
Hay bài “Sau cơn mưa”, nhà văn Vũ Tú Nam viết: “Sau trận mưa rào, mọi vật đều sáng và tươi. Những đóa râm bụt thêm đỏ chói. Bầu trời sạch bóng như vừa được gội rửa. Mấy đám mây bông trôi nhởn nhơ, sáng rực lên trong ánh mặt trời. Mẹ gà mừng rỡ “tục, tục” dắt bầy con quây quanh vũng nước đọng trong vườn”.
Đặng Thị Kim Hằng, 21 tuổi, sinh viên năm 4 khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ dù đã học những bài tập đọc trên từ rất lâu, nhưng bây giờ xem lại hình ảnh minh họa bài Cây gạo, Giàn mướp hay Sau cơn mưa của Vũ Tú Nam vẫn thấy một cảm giác bình yên. Những ấn tượng thật khó gọi được tên, những dòng văn giản dị ấy sau mấy chục năm đã qua còn cho bao người sự trong trẻo trong tâm hồn, nuôi dưỡng một trời kỷ niệm tuổi thơ thật đáng quý biết bao.
Vĩnh biệt Văn Ngan tướng công
Nhắc đến nhà văn Vũ Tú Nam, ngoài các trích đoạn Cây gạo, Giàn mướp… trong sách giáo khoa, không thể không nhắc tới cuốn sách Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công, cuốn sách nhiều năm qua luôn trong danh mục sách bán chạy của nhà xuất bản Kim Đồng.
Cũng từ cuốn sách này, nhà văn Vũ Tú Nam có biệt danh “Văn Ngan tướng công”. Từ cuộc phiêu lưu thú vị của chú ngan trong một hành trình vui, buồn chú đã đi qua, câu chuyện dí dỏm, đậm chất nhân văn đều là những bài học thú vị về tình yêu, lối sống, cách hành xử… trong các em thiếu nhi.
|
Bình luận (0)