Nhìn hoàn cảnh của anh Đặng Hữu Nghị (ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) ai nấy đều xót xa. Một mình anh hàng ngày vừa chăm sóc, vừa bầu bạn với hai đứa trẻ mãi "không lớn".
Đất trời sụp đổ
Chúng tôi tìm đến gặp anh Nghị vào một buổi chiều âm u. Căn nhà nhỏ ba bức bằng tôn, duy nhất có một bức bằng gạch nhưng cũng chưa được trát vữa anh Nghị luôn tất bật với việc chăm sóc và chơi cùng hai con trai.
Anh Nghị kể, năm 2004 khi cả nhà đang vui mừng chào đón đứa con trai đầu lòng ở ngoài phòng sinh thì bác sĩ bế con ra, đó là một đứa bé đầu nhỏ hơn những đứa trẻ bình thường. “Cả nhà như hiểu chuyện, không ai nói với ai tiếng nào. Còn tôi thì ẵm con trên tay mà rớt nước mắt khi nghe bác sĩ động viên cứ về chăm sóc rồi bé sẽ lớn bình thường thôi”, anh Nghị nghẹn ngào.
VIDEO: Nỗi đau người cha bị "đổ oan" là mướn trẻ tàn tật để mưu sinh kiếm tiền - Thực hiện: Vũ Phượng
|
Hàng ngày, anh Nghị bón từng muỗng cơm cho hai đứa con. Việc cho hai đứa trẻ bị teo não, mất nhận thức về hành vi là không hề đơn giản....
|
Thế nhưng, cả tháng trôi qua, đứa con chỉ nhích được vài lạng, đầu thì vẫn nhỏ như vậy. Vợ chồng anh dùng tất cả tình yêu thương của mình để bù đắp cho những thiệt thòi của con.
Ba năm sau, khi quyết định sinh thêm đứa thứ hai, vợ chồng anh đã đi tư vấn nhiều nơi để con được bình thường như bao người. Tuy nhiên, khi đứa con trai thứ hai cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc cả bầu trời phía trước mặt anh tối sập – đứa thứ hai cũng bị teo não.
Không thể cùng nhau qua cơn hoạn nạn, năm 2012, người vợ nói lời chia tay rồi nhận nuôi đứa con trai út. Nhưng cũng vì thiếu thốn nên một năm sau, người vợ giao luôn lại đứa con út cho anh. Cuộc sống của anh bắt đầu những chuỗi ngày đau đớn tận cùng.
Cả hai đứa con trai của anh, đứa nào cái đầu cũng bé xíu như bàn tay
|
|
|
|
Không ai muốn bắt con đi làm cùng mình, ra đường nắng nóng khói bụi tôi cũng xót xa lắm nhưng giờ để chúng ở nhà thì ai chăm… Chỉ mong mọi người để cho cha con tôi được kiếm miếng cơm, manh áo.
|
|
|
anh Đặng Hữu Nghị
|
|
|
Vừa bón từng muỗng cơm cho hai đứa con trai, anh Nghị tâm sự: “9 tuổi với 12 tuổi rồi mà cái đầu của hai đứa chỉ nhỏ xíu bằng bàn tay, sức đề kháng lại yếu, bệnh tật liên miên. Nhiều khi mệt mỏi quá tôi nghĩ quẩn rằng sẽ gửi hai con vào trung tâm chăm sóc trẻ em khuyết tật nào đó, nhưng rồi đêm ngủ lại mơ thấy hai con tìm về mình, máu mê bê bết vì bị người ta đánh. Thế là lại không đành, hai đứa đã thiếu mẹ rồi, còn mỗi mình mình không thương thì ai thương”.
Nói rồi anh Nghị lấy tay quệt nước mắt. Với mọi người, chăm sóc một đứa con bình thường đã đủ mệt mỏi, vậy mà một mình anh Nghị chăm tới hai đứa, mà cả hai đều không nhận thức được.
Mong con đủ sức khỏe
Anh Nghị kể, nhiều khi bất lực anh chỉ biết mở nhạc thật to, rồi la hét mà chảy nước mắt lúc nào không biết. “Nhưng mình phải tự động viên mình thôi, mình phải khỏe để còn chăm sóc hai con nữa”, anh luôn tự an ủi mình như vậy.
Cảnh "gà trống nuôi con" của anh Nghị khiến nhiều người nể phục. Bằng tình yêu thương con vô bờ bến, anh đã vượt qua được tất cả
|
Sống cảnh “gà trống nuôi con” nên tất cả các công việc, từ cho con ăn, tắm giặt đến lau dọn nhà cửa, đều một tay anh làm hết. Hàng ngày, từ 16 giờ chiều, anh đặt hai con lên chiếc xe lăn cũ chế lại để kéo chúng đi bán kẹo mưu sinh cùng mình. Đây là nguồn thu nhập của cả ba cha con, nhưng hai con thường đau bệnh nên không thể đi bán thường xuyên. Những ngày ấy, may nhờ có sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng mà ba cha con vẫn ấm bụng.
Có lẽ vì cuộc sống này quá nhiều lọc lừa nên nhiều khi ba cha con anh Nghị đang bán kẹo lại bị mời về phường vì người dân tố cáo lừa đảo. Anh Nghị sụt sùi: “Không ai muốn bắt con đi làm cùng mình, ra đường nắng nóng khói bụi tôi cũng xót xa lắm nhưng giờ để chúng ở nhà thì ai chăm…”, anh Nghị tiếp: “Chỉ mong mọi người để cho cha con tôi được kiếm miếng cơm, manh áo”.
Những khoảnh khắc nhìn đứa con cười tươi là những lúc anh Nghị dâng trào niềm hạnh phúc
|
Luôn bên cạnh hai đứa con suốt 24 tiếng trong một ngày, nhưng mỗi lần hai con nổi giận, tự tát vào mặt mình hoặc tự nghiến răng cắn tay mình là tâm can anh Nghị lại như bị vò xé.
Cuộc sống của ba cha con cứ vậy ngày qua ngày, quấn quýt bầu bạn cùng nhau. Không nói chuyện được với nhau nhưng tình cảm cha con như sợi dây vô hình gắn kết ba con người.
“Nhong nhong nhong cha làm con ngựa, để cho con lên cưỡi trên lưng
Nhong nhong nhong cha làm con ngựa, để cho con nương tựa suốt đời...”
Bình luận (0)