Câu chuyện của nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê ở tỉnh Lâm Đồng) đang làm việc tại khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM khiến cho trái tim họa sĩ Lê Sa Long se thắt. Anh cho biết: "Trên Facebook, chị ấy viết: Mẹ của bé đi chợ tiếp xúc với F0 hồi nào không hay rồi nhiễm bệnh, lây luôn cho chồng và hai đứa con. Người mẹ suy hô hấp nặng đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Còn bố và hai đứa con nhỏ được chuyển sang Bệnh viện Trưng Vương điều trị. Nhìn vào ai cũng xót thương nên đồng nghiệp sắp xếp chỗ tốt nhất trong khoa cho ba bố con nằm chung. Riêng bé gái 7 tháng tuổi vẫn còn bú sữa mẹ dù đã được tập bú sữa công thức khi vào viện nhưng vẫn chưa quen nên đói khóc. Nhận thấy bé gái gần bằng với tuổi con mình đã phải xa mẹ, cứ sau ca trực khi trở về chỗ nghỉ tôi lại vắt sẵn sữa của mình cho vào tủ lạnh. Mỗi ngày đến bệnh viện, tôi đều mang theo sữa của mình để dành riêng cho bệnh nhi Covid -19".
Đọc đến đây, họa sĩ Lê Sa Long đã quyết định đến ngay bên giá vẽ để hoàn thiện bức tranh đầy cảm xúc. Anh cho biết: “Khi vẽ mặt và chân tay của bé để thấy rõ là cô bé hiếu động, nhìn thấy cưng gì đâu". Và bức tranh vẽ bằng bằng chất liệu pastel và than trên giấy Canson của Lê Sa Long trong một khoảnh khắc đã thực sự "đốn tim" người xem.
|
Họa sĩ Lê Sa Long kể tiếp: “Khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đưa video clip xúc động về một bệnh nhi Covid-19 mới 5 tuổi được đưa đi điều trị, khi ba của bé gái cũng bị nhiễm Covid-19, mẹ bé là F1 đi cách ly tập trung, tôi thấy thương vô cùng. Bé sống với bà ngoại và dì thì người bà cũng mắc Covid-19. Đoạn clip quay lại hình ảnh cô bé một mình lên xe cấp cứu để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị Covid-19, với hình dáng nhỏ bé trong trang phục phòng hộ cá nhân rộng thùng thình, một mình leo lên chiếc xe cấp cứu..., không thể không rớt nước mắt".
Nói thêm về hoàn cảnh ra đời bức ảnh Một thiên thần trong mùa dịch, Lê Sa Long tiết lộ: “Từ bên kia bờ Thái Bình Dương xa xôi, ông bạn tôi khi xem video clip xong, hôm qua có gọi điện về hỏi thăm tình hình Sài Gòn sao, rồi “đặt hàng” Long vẽ hình ảnh cháu bé lúc xoay người chuẩn bị lên xe đi cách ly. Ông vẽ sớm gửi qua để tôi treo về trận dịch bệnh kinh hoàng đầu thiên niên kỷ …. Tôi bảo, khỏi cần nói cũng đã vẽ xong, bạn không tin thì mình đưa lên Facebook sớm cho bạn xem nhé.”
Và cứ thế từng ngày, từng ngày, họa sĩ Lê Sa Long cứ lặng lẽ hoàn thành các bức tranh xúc động về Sài Gòn - TP.HCM trong những ngày giãn cách, như để trả nghĩa cho thành phố đã mang lại cho anh nhiều cảm xúc và để gửi cho những người bạn xa cách nửa vòng trái đất cùng hoài niệm về quê nhà. Đó là hình ảnh những gian hàng, những quán cơm trưa 0 đồng, những cây ATM gạo... xuất hiện khắp nơi, góp phần hỗ trợ người lao động nghèo, bị mất thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh.
|
|
|
|
|
|
Họa sĩ Lê Sa Long "bật mí" thêm về người bạn tâm giao xa xứ của mình: “Hôm qua anh ấy “lai trim” (livestream - PV), ảnh cầm đàn hát ca khúc bài này khi anh em ngồi quán nhỏ khu Miếu Nổi ảnh hay hát. Giọng ảnh nghe vốn rất hay nay nghe sao tình cảm và da diết quá:
…Đêm nhớ về Sài Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa
Ai sầu trong quán úa
Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông .
Gợi bao nhiêu cho cùng ….
Kết cuộc gọi, ảnh còn dặn: Long ơi. Vẽ Sài Gòn phố, nhớ nghen…”.
|
Và không chỉ có họa sĩ Lê Sa Long mà mọi người ai cũng đều rưng rưng cảm xúc về Sài Gòn - TP.HCM khi xem những bức tranh vẽ lúc phố xá lặng im trong những ngày giãn cách, khi mọi người đang cùng nắm tay nhau, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn giữa cơn đại dịch Covid - 19 đầy mệt mỏi.
Bình luận (0)