Rừng thiêng xứ mây ngàn

01/02/2017 13:09 GMT+7

Khi chinh phục đỉnh Arung quanh năm mây phủ ở vùng cao Tây Giang (Quảng Nam), người Cơ Tu phát hiện ra những cánh rừng pơ mu, rừng lim xanh, rừng đỗ quyên... từ hàng trăm đến ngàn năm tuổi.

Nói đến đỉnh Arung, người Cơ Tu nào sinh ra ở huyện vùng cao Tây Giang cũng biết. Thế nhưng để chinh phục “nóc nhà” cao 2.005 m này thì không phải ai cũng làm được vì địa hình trắc trở và cũng lắm hiểm nguy. Để đặt chân đến “cổng trời”, chính quyền Tây Giang phải lên kế hoạch cả tháng và thành lập đoàn gồm 40 thành viên do ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, làm trưởng đoàn.
Bất ngờ trên “cổng trời”


Trong “vương quốc” này không chỉ có 725 cây mà có đến hàng ngàn cây đủ
điều kiện là Cây di sản Việt Nam. Sắp tới chúng tôi sẽ làm hồ sơ tiếp tục công nhận cho chẵn 1.000 cây,
để hình thành rừng di sản

Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tây Giang

Một ngày nắng đẹp giữa tháng 8.2016, dưới sự dẫn đường của vài người dân bản địa, đoàn trực chỉ phía núi.
Sau hai ngày cắt rừng, vượt qua hàng chục con suối, ghềnh đồi, đoàn đã đặt chân đến đỉnh ở độ cao 2.005 m. Đỉnh Arung trong mây phủ, thâm u với rừng lá kim đặc hữu của vùng khí hậu nhiệt độ không quá 15 độ C.
Nhưng điều làm mọi người trong đoàn vỡ òa hạnh phúc không phải là cảm giác được đặt chân đến “nóc nhà” Tây Giang, mà đó là một phát hiện bất ngờ.
“Từ đỉnh cao phóng tầm mắt ra xa, một khu rừng đỗ quyên hiện ra bạt ngàn. Không ai nghĩ ở Tây Giang lại có một khu rừng đỗ quyên rộng lớn thế này”, anh Nguyễn Đình Hiệp, thành viên đoàn, cho biết.
Cả khu rừng như đang chìm trong giấc ngủ dài hàng trăm năm khi không hề có dấu hiệu tác động của con người. Các thành viên có chuyên môn lâm nghiệp nhanh chóng xác định rừng đỗ quyên chiếm đến 50% của bình nguyên rộng 100 ha, có cây tuổi đời hàng trăm năm. Nhiều cây đỗ quyên cao từ 10 - 20 m, gốc xù xì, rộng đến 2 người ôm.
Trong chuyến khảo sát, ngoài phát hiện “lịch sử” về khu rừng đỗ quyên tuyệt đẹp, chuyên gia Trần Ngọc Toàn (Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh) còn ghi nhận sự có mặt của cây thông 5 lá cùng các loại cây rất quý hiếm tại Việt Nam như lan gấm, lan kim tuyến, dạ cẩm, ngọc cẩu...
Một gốc đỗ quyên với rêu xanh phủ đầy Ảnh: Nguyễn Hiệp

Pơ mu 13 thế kỷ
Với độ cao trung bình từ 800 - 1.000 m so với mực nước biển, ở Tây Giang không hiếm những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Trong đó có những cánh rừng cả ngàn năm tuổi như rừng lim xanh quý hiếm rộng 3.500 ha đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trước khi tìm thấy khu rừng đỗ quyên hàng trăm năm tuổi vào tháng 8.2016, một khu rừng ngàn năm tuổi khác là pơ mu tại đỉnh Zi’liêng (cao 1.400 m) đã được người dân bản địa phát hiện vào năm 2011. “Vương quốc pơ mu” này rộng đến 4.500 ha nằm ngay biên giới Việt - Lào. Riêng vùng lõi rộng chừng 450 ha, trong đó có 725 cây pơ mu được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào tháng 5.2016.
Hoa đỗ quyên nở trên “đỉnh trời” Tây Giang Ảnh: Nguyễn Hiệp
Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tây Giang, cho biết khu rừng có khoảng 2.000 cây pơ mu đường kính thân từ 2 - 3 m với những hình thù kỳ lạ mà người Cơ Tu gọi tên là pơ mu voi, sư tử...
Đặc biệt, trong rừng có cây pơ mu “cha” khoảng 7 người ôm, độ tuổi 1.328 năm. “Trong “vương quốc” này không chỉ có 725 cây mà có đến hàng ngàn cây đủ điều kiện là Cây di sản Việt Nam. Sắp tới chúng tôi sẽ làm hồ sơ tiếp tục công nhận cho chẵn 1.000 cây, để hình thành rừng di sản”, ông Linh cho biết.
Giữa năm 2016, Tây Giang đón nhận Cây di sản Việt Nam cho 2 cây đa sộp. Đến cuối năm, huyện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận cho một cây đa cổ thụ ở xã Tr’Hy, tại một cánh rừng có độ cao khoảng 1.200 m. Đây là cây đa được cho là lớn nhất huyện với đường kính thân gần 5 m, tán rộng 80 m.
Khu du lịch sinh thái của người Cơ Tu giữa rừng pơ mu Ảnh: Hoàng Sơn
Huyền bí và linh thiêng
Trong bối cảnh không ít rừng nguyên sinh ở nhiều nơi bị tàn phá nặng nề, bí quyết nào để Tây Giang vẫn giữ được những cánh rừng ngàn năm? Qua những buổi trò chuyện, những lần đến thực địa nơi đây, chúng tôi cho rằng câu trả lời chỉ có thể là tập tục giữ rừng vừa độc đáo vừa nhuốm màu tâm linh của người Cơ Tu.
Đồng bào Cơ Tu bao đời nay sống giữa Trường Sơn quan niệm rằng những khu rừng già luôn chất chứa sự huyền bí, linh thiêng. Để “thăm rừng” hay muốn chặt hạ một cây nhỏ cũng phải làm lễ cúng thần, nếu ngang nhiên đốn thì sẽ mang họa vào thân.
Chẳng hạn với cây pơ mu, người Cơ Tu quan niệm đây là loài cây trú ngụ của thần linh và linh hồn người đã khuất. Già làng Riáh Danh (trú xã Tr’Hy) cho biết rừng đỗ quyên cổ thụ ít ai biết đến và quá kỳ bí nên giữ được vẻ nguyên sơ là do người dân vừa sợ vừa tin vào thần linh. Bởi đó là khu rừng Abui (rừng ma) mà hiếm người dám vào ra. Người Cơ Tu giữ rừng trên nền tảng của văn hóa dân tộc mình.
Còn phía chính quyền Tây Giang, với tôn chỉ “rừng mất, Tây Giang suy vong”, lãnh đạo huyện đã thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng thôn, bản để tuần tra từ nhiều năm qua. Những già làng uy tín, có sức ảnh hưởng với cộng đồng cũng thường xuyên nói chuyện, vận động người dân, do vậy đã tác động mạnh mẽ đến ý thức giữ rừng của mỗi người Cơ Tu...

tin liên quan

Cận cảnh vương quốc 725 cây Pơ mu vài trăm năm tuổi
UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với UBND H.Tây Giang tổ chức lễ công bố và gắn biển công nhận rừng cây Pơ mu (có tên khoa học Fokienia hodginsii) tại xã Axan và Tr’hy là rừng Cây Di sản Việt Nam.

Những gốc cổ thụ ngàn năm tuổi với nhiều hình thù lạ mắt, độc đáo Ảnh: Hoàng Sơn
Người Cơ Tu làm du lịch
Sau khi làm lễ đón nhận danh hiệu Cây di sản cho 725 cây pơ mu, huyện Tây Giang cũng đưa vào vận hành khu lưu trú khoảng 10 nóc nhà sàn truyền thống của người Cơ Tu ngay tại khu vực sát lõi của khu rừng. Với thời tiết mát lạnh dễ chịu, mùa hè nhiệt độ cao nhất khoảng trên dưới 30 độ C cùng với việc thiên nhiên ban tặng cho nhiều cánh rừng ngàn tuổi, nhiều cây đa cổ thụ tuyệt đẹp, Tây Giang đang hướng đến phát triển du lịch sinh thái.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.