Rước họa vì thịt lạ: Rùng rợn chuột con đỏ hỏn, vảy tê tê đầy vi khuẩn

17/02/2020 19:23 GMT+7

Từ dơi, rùa, chuột con tới cá nóc và nhiều món thịt lạ… trở thành món khoái khẩu của không ít người. Nhiều người trẻ thốt lên 'Tại sao phải chọn thịt lạ và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình?'.

Những món thịt lạ khiến người trẻ nổi gai ốc

Cách đây ít ngày, khi chúng tôi đăng bài viết về một phụ nữ ngang nhiên xẻ thịt rùa xanh ở chợ Pháo Đài, TP.Hà Tiên, Kiên Giang, nhiều bạn đọc gửi về các bình luận cho biết, “thật khủng khiếp, nhìn nội tạng con rùa thấy nổi da gà, sao người ta ăn”’.
Hay đằng sau một video clip thời gian gần đây về những người trong một bàn nhậu mang chuột con còn đỏ hỏn đi chấm mắm, nhai tươi nuốt sống, nhiều người trẻ cho biết “không gì man rợ hơn”.

Nhộn nhịp chợ chuột miền Tây mùa nước nổi

Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, 23 tuổi, blogger trang Mình là Hũ, bạn trẻ quan tâm các vấn đề về môi trường, bảo vệ động vật tại TP.HCM, cho biết cô thừa nhận hiện có một bộ phận người có thói quen ăn thịt động vật hoang dã mà thiếu sự hiểu biết về nó, đó là nguồn gốc của nhiều vấn đề (cả sức khỏe và hành vi phạm tội,..). “Tôi ủng hộ việc yêu cầu địa phương và chính phủ có các quyết định về đóng cửa các cơ sở buôn bán động vật hoang dã. Hiện tại nhiều động vật hoang dã không được bảo vệ hoặc không được để ý lắm thì việc mua bán vẫn diễn ra bình thường”.

Thit rùa bị bày bán ngay ở chợ Kiên Giang

Ảnh anh Phùng Mỹ Trung cung cấp

Chị Nguyễn Thanh Ngọc Hân, Trưởng dự án mảng động vật hoang dã của Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE), cho hay chị cũng như các bạn trẻ khi vào làm tại đây đều nhận thức cao về việc không tiêu thụ các sản phẩm từ thịt rừng, vì hơn ai hết chính mình là người hiểu rõ tiêu thụ thịt rừng có hại nhiều hơn lợi. Các món ăn như thịt tê tê, thịt dơi, rùa, chuột non và các loại thịt "lạ" khác chắc chắn sẽ không là sự lựa chọn trong bất kỳ bữa ăn nào của mọi người.
“Tiêu thụ thịt rừng, thịt động vật hoang dã quý hiếm là một tệ nạn 'ít được quan tâm' ở Việt Nam do những mối nguy hại ngầm mà mọi người thường bỏ qua. Đa số người dân quan niệm thịt rừng nấu chín nấu kỹ sẽ không còn vi khuẩn hay virus, đây là một nhận thức chưa đúng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm vì có rất nhiều virus vi khuẩn đã lây lan trong quá trình chế biến hoặc thậm chí vẫn còn sống ở điều kiện nhiệt độ cao khi nấu nướng. Ngay cả vảy tê tê thường được sử dụng mù quáng để làm thuốc cũng mang nhiều mầm mống vi khuẩn và ký sinh trùng trong đó”, chị Hân nói.

Bật ngửa vì vảy tê tê: Thứ vô dụng, thường bị làm giả bằng móng heo

Tê tê bị vận chuyển lậu qua địa bàn tỉnh Quảng Trị

Ảnh Nguyễn Phúc

Đừng vì miếng ăn mà rước họa

Theo chị Nguyễn Thanh Ngọc Hân, một bộ phận người dân thường quên mất rằng việc đặt ra các tiêu chuẩn và xét nghiệm trong chăn nuôi là để bảo vệ sức khỏe của con người chứ không phải tự nhiên mà có. Những tiêu chuẩn đánh giá này được đúc kết qua nhiều nghiên cứu và sau nhiều thời kỳ khó khăn với các dịch bệnh từ sản phẩm thịt, vậy có lý do gì “nhiều người lại chọn các loại thịt 'lạ' và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình?”.
"Chúng tôi đang hợp tác với các tổ chức bảo vệ động vật khác để kiến nghị lên Chính phủ kiên quyết ngăn chặn việc buôn bán thịt rừng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và áp dụng triệt để luật pháp đối với các hành vi vi phạm để tăng tính răn đe...", chị Hân thông tin.

Nhà báo Trác Thúy Miêu trong 1 sự kiện của CHANGE về bảo vệ động vật hoang dã, mua 1 tặng 15 năm tù

Ảnh Thúy Hằng

Trong khi đó, anh Đoàn Minh Chí (32 tuổi), quản trị viên Diễn đàn phi lợi nhuận NPO, chia sẻ anh may mắn có kiến thức về động vật hoang dã và được làm việc với nhiều tổ chức, chương trình liên quan, nên anh luôn nói không với tiêu thụ, mua bán động vật hoang dã. “Từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ ăn thịt gà, vịt, bò, lợn, lớn lên ăn được con ếch, có làm gì thường chế biến thực vật nhiều hơn. Trong nhà tôi tuyệt đối không trưng bày hay ngâm rượu những con thú rừng, động vật hoang dã”, anh Chí nói.
Tuy nhiên, theo anh Chí, nhiều người ăn thịt động vật hoang dã, thịt những con thú lạ, có thể vì chính họ chưa hiểu biết. “Chỉ mong muốn qua đợt dịch vì Covid-19 này, mọi người sẽ biết trước tiên hãy ăn những gì là an toàn với tính mạng mình. Làm nhiều dự án cộng đồng, tôi hiểu rằng mọi người nên truyền thông từ những gì đơn giản, gần gũi nhất để số đông có thể hiểu và dần thay đổi”, anh Chí nói.
Theo blogger Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, bản thân chị dù chưa ăn chay hoàn toàn nhưng đương nhiên vẫn hướng mọi người là nên ăn chay, hoặc bổ sung các nguồn dinh dưỡng từ động vật thịt, cá được kiếm chứng, được sản xuất để làm thức ăn và được sản xuất có trách nhiệm với môi trường, nói không với các loại thịt động vật hoang dã, thịt lạ. “Thông qua những hoạt động như viết blog của cá nhân, các dự án giáo dục môi trường cho trẻ em, tôi mong muốn sẽ dần dần nâng cao nhận thức cho trẻ em về vấn đề này”, Quỳnh Hương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.