Lặng lẽ ngồi tráng mì Quảng ở một góc nhỏ trong Không gian nhà VN tại H.Điện Bàn (Quảng Nam), bà Lương Thị Thi giờ được biết đến với danh hiệu “nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề” mà Hiệp hội Làng nghề VN vừa công nhận hồi tháng 11.2014.
Nghệ nhân Lương Thị Thi sau 40 năm gánh mì Quảng bán dạo đã tìm được chốn “dừng chân” - Ảnh: H.X.H
|
Cách đó không xa, có người đàn ông cần mẫn xay bột bên chiếc cối xay đá quen thuộc. Một khung cảnh thanh bình mở ra không gian riêng biệt cho mì Quảng, một trong 12 món ăn VN được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á.
Ít ai biết người phụ nữ 67 tuổi này từng trải qua quãng thời gian ngót 40 năm gánh mì Quảng đi bán rong khắp các ngõ quê, thậm chí đón xe đò ra Đà Nẵng để bán dạo. Dù mì Phú Chiêm (xã Điện Phương, H.Điện Bàn) mà gia đình bà Thi lưu giữ, truyền nghề qua 2 đời đã quá nổi tiếng, nhưng sẽ rất khó “nhận diện” khi bà vẫn cứ bán dạo ngoài đường chứ không phải trình diễn kỹ thuật trong không gian đặc trưng như bây giờ.
Công ty CP nhà VN (Vinahouse) vừa vinh danh tổng cộng 13 nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề Quảng Nam hồi đầu tháng 12.2014. Họ đến từ các làng nghề mộc danh tiếng Văn Hà, Phú Ninh; Kim Bồng, Hội An hoặc nổi tiếng trên lĩnh vực ẩm thực như bê thui cầu Mống, mì Quảng… do chính Vinahouse tuyển mộ, sử dụng, lập hồ sơ đệ trình và được Hiệp hội Làng nghề VN xét duyệt hồ sơ cùng đợt. Vinahouse quy tụ nhiều kíp thợ như đội thợ làng Mỹ Xuyên (Huế), Thạch Thất (Hà Tây)… và đương nhiên không thể thiếu các nghệ nhân xứ Quảng. Họ trở thành điểm nhấn, làm sinh động cho Bảo tàng Kiến trúc nhà cổ VN nằm trong lòng Không gian nhà VN: vừa trực tiếp sản xuất, đào tạo nghề, vừa phục vụ loại hình tham quan trải nghiệm.
Lê Văn Vĩnh, ông chủ trẻ 34 tuổi của Vinahouse, đã tìm mọi cách để rủ rê và “rước” các nghệ nhân về với bảo tàng. “Tôi cam kết với một chị 45 tuổi tài giỏi trên lĩnh vực ẩm thực là sẽ được công ty hợp tác đến năm… 80 tuổi. Khi già yếu thì làm cố vấn kỹ thuật cho các nghệ nhân trẻ, không phải lo. Có thể chúng tôi trả lương không nhiều, nhưng ổn định, lại đảm bảo các chế độ chính sách và cam kết sử dụng kinh nghiệm khi về già”, Lê Văn Vĩnh nói. Lão nghệ nhân Đinh Thẩm, người duy nhất nắm giữ bí quyết làm bàn xoay ma thuật của làng mộc Văn Hà, cũng nhận lời cố vấn cho Bảo tàng Kiến trúc nhà cổ VN.
Nhìn các nghệ nhân Phạm Thị Nở, Hà Thị Ngọc Bích… thoải mái ngồi tráng mì hay các nghệ nhân Trần Thị Thu Phong, Lê Thị Hoa đứng trong lồng kính chế biến món bê thui Cầu Mống, có thể hình dung được sự khác biệt với những ngày họ chưa được ghi nhận tài năng khi chỉ loanh quanh ở nhà, sáng bán mì, trưa phơi lúa, chiều tất tả ra đồng. Nhóm nghệ nhân điêu khắc, phục chế nhà cổ xứ Quảng cũng không phải lang thang theo các công trình thi công tản mác. Số lượng nghệ nhân được Vinahouse “chiêu mộ” sẽ còn tăng thêm khoảng 30 người cho các dự án khu phố Việt, khu làng nghề truyền thống đang thực hiện tại xã Điện Dương (H.Điện Bàn).
Bình luận (0)