Rượu bia và xử phạt

05/01/2020 07:21 GMT+7

Chưa có con số thống kê cụ thể, trong 4 ngày qua đã có bao nhiêu trường hợp bị xử phạt do uống rượu bia mà vẫn chạy xe.

Chỉ biết rằng, các quán ở hầu khắp cả nước, người ăn nhậu vẫn vào ra tấp nập, uống rượu bia xong vẫn phóng xe bạt mạng trên đường. Có phải do người dân ỷ y vào chuyện vẫn thường xảy ra lâu nay là “nói vậy mà không phải vậy”?
Cần phải khẳng định rằng, thông điệp “đã uống rượu bia thì không lái xe” không chỉ là khẩu hiệu để đọc cho… vui, mà nó đã được luật hóa. Nghĩa là, hễ uống rượu bia mà lái xe, kể cả xe đạp thì cũng sẽ bị phạt rất nặng. Chưa thấy có luật nào mà “gắt” như luật này (luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019). Vì vậy, phản ứng từ người dân trước một luật như thế là điều khó tránh khỏi.
Còn nhớ hôm biểu quyết luật này ở Quốc hội, tỷ lệ ủng hộ và không ủng hộ chỉ chênh nhau hai phiếu (214/212). Ở một nơi vẫn được xem như những tinh hoa của đất nước mà sự đồng thuận vẫn còn “gập ghềnh” như thế, huống chi là ngoài xã hội. Tuy nhiên, hai phiếu ủng hộ luật này đã khiến cho “cán cân” về chuyện ăn nhậu nghiêng hẳn về phía những người dị ứng với rượu bia. Dù vẫn còn đôi điều trong luật có thể gây khó khăn cho người chấp hành, nhưng sự đồng thuận của đại đa số người dân là điều không thể phủ nhận.
Có người “góp ý” là nên quy định tỷ lệ cồn khi đo để đưa ra mức phạt với người tham gia giao thông chứ “cào bằng” như hiện nay thì sẽ có người bị oan. Chẳng hạn như người uống sinh tố lên men cũng sẽ có cồn khi đo nồng độ trong hơi thở. Khi đó thì họ sẽ bị phạt oan nếu áp dụng “đúng luật”. Đây là một phản biện mà những nhà làm luật nên tham khảo nhưng không thể coi đó như một tấm khiên để bào chữa cho hành vi nhậu nhẹt quá đà của các “ma men”. Cần rạch ròi điều này vì không một anh cảnh sát giao thông nào mà ngây thơ để không phân biệt đâu là một gã say rượu chạy xe trên đường với một người uống nước trái cây có cồn cả!
Có người lo xa, liệu có xảy ra cảnh “đầu voi đuôi chuột” không? Rồi những người thực thi pháp luật, cụ thể là cảnh sát giao thông liệu có biến luật này thành mảnh đất màu mỡ để cho tiêu cực sinh sôi không… Lo xa như vậy không phải là thừa, song không thể viện ra bất cứ lý do gì để luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bị “chết yểu” cả.
Theo số liệu thống kê, năm 2019 trung bình mỗi ngày cả nước có 21 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó hơn 80% các vụ tai nạn là từ rượu bia. Hãy nghĩ đến con số kinh hoàng đó để thấy quy định nghiêm khắc của luật này cần được ủng hộ như thế nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.