Rượu làm hư chỏm xương đùi

03/04/2009 11:35 GMT+7

Những ngày gần đây Bệnh viện Đại học Y dược tiếp nhận nhiều nam trung niên đau khớp háng, đi lại khó khăn, teo cơ đùi. Họ từng uống nhiều rượu, được chẩn đoán là hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi mức độ nặng, phải thay chỏm xương đùi nhân tạo.

Các cuộc điều tra xã hội ở nước ta gần đây cho thấy số lượng người uống rượu ngày càng tăng ở cả hai giới. Tác hại của việc uống rượu có rất nhiều, từ việc uống nhiều dẫn đến không kiểm soát được bản thân gây ra tai nạn giao thông, giết người... đến các hậu quả của việc uống rượu lâu ngày dẫn đến xơ gan, suy giảm trí nhớ, tăng huyết áp... Trong đó có một tác hại của rượu nhưng ít được đề cập là hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.

Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng chết ở xương do thiếu máu nuôi mà tiến triển của bệnh ngày càng nặng dần lên và không bao giờ giảm. Hậu quả là mất chức năng khớp háng với điều trị cuối cùng là thay khớp háng nhân tạo chi phí tốn kém (chiếm 1/5 trường hợp thay khớp háng ở Mỹ).

Ngoài nhóm nguyên nhân chấn thương còn có các nguyên nhân khác như uống nhiều bia rượu, dùng corticoid liều cao, bệnh khí ép (thợ lặn, công nhân hầm mỏ), bệnh hồng cầu liềm… trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là do rượu. Các nghiên cứu cho thấy nếu trung bình mỗi tuần uống trên 40ml rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên gấp 11 lần so với người không uống rượu.

"Mỗi tuần uống trên 40ml rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoại tử chỏm xương đùi gấp 11 lần so với người không uống rượu"
 
Triệu chứng chính của bệnh là dấu hiệu đau vùng háng, đau tăng khi đi lại hoặc đứng lâu, giảm khi nghỉ ngơi, đau lan từ bẹn xuống đến mặt trong đùi. Một số trường hợp bệnh nhân có biểu hiện đau vùng gối gây nhầm lẫn cho việc chẩn đoán. Khám lâm sàng tại chỗ sẽ không thấy dấu hiệu sưng, nóng, đỏ hay hạch bẹn. Về sau bệnh nhân sẽ có thêm biểu hiện đau cả khi nằm nghỉ, giới hạn vận động khớp háng, teo cơ vùng đùi. Để có chẩn đoán chính xác, hiện nay thầy thuốc chủ yếu dựa vào kết quả CT-scan hoặc MRI khớp háng.

Thay khớp háng

Việc điều trị nội khoa cho bệnh nhân bao gồm hạn chế yếu tố nguy cơ như giảm và tiến tới bỏ rượu. Nếu bệnh nhân chịu được đau khớp háng khi hoạt động thì giảm trọng lượng tì đè lên khớp háng bằng cách dùng nạng khi đi lại và dùng thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid.

Đối với những trường hợp chưa biến dạng chỏm xương đùi, khớp háng còn duy trì được chức năng, phẫu thuật khoan giải áp chỏm xương đùi bằng cách tạo ra các đường hầm dọc theo cổ xương đùi, điều đó sẽ làm giảm tình trạng tắc nghẽn các mạch máu. Phẫu thuật khoan giải áp kết hợp với ghép xương là một vi phẫu phức tạp được chỉ định cho những trường hợp chỏm xương đùi đã bị tiêu xương dưới sụn, chỏm bắt đầu biến dạng.

Chỉ định thay khớp háng bán phần hay toàn phần được thực hiện khi chỏm xương đùi biến dạng nhiều, khớp háng không còn chức năng. Điều này sẽ giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng và không đau. Tuy nhiên do đây chỉ là khớp háng nhân tạo nên dễ bị trật khớp háng hơn, dễ bị nhiễm trùng tại chỗ do vi khuẩn từ nơi khác di chuyển đến, thời gian sử dụng cũng chỉ 10-15 năm. Do đó việc điều trị sớm là cần thiết giúp kéo dài thời gian sử dụng chỏm xương đùi thật càng lâu càng tốt cho đến biện pháp cuối cùng là thay chỏm.

ThS. BS Lê Ngọc Thanh / Tuổi Trẻ
(ĐH Y dược TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.