“Rượu quê” vẫn ung dung

18/01/2013 14:00 GMT+7

Đa số các lò nấu rượu quê vẫn điềm nhiên sản xuất “quốc lủi” bất chấp Nghị định 94/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1.2013.

Trong vai một chủ quán nhậu từ Hà Nội về Đại Lâm (xã Tam Đa, H.Yên Phong, Bắc Ninh) tìm nguồn hàng để kinh doanh, tôi được chủ một cơ sở chế biến “quốc lủi” cho biết có thể cung cấp với số lượng lên tới cả nghìn lít rượu mỗi ngày với giá 9.000 đồng/lít.

Khi tôi tỏ ý lo lắng về việc bị xử phạt theo Nghị định 94 (không có dãn nhãn, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không đảm bảo), thì ông này khẳng định: “Đã hơn tuần nay, sau khi nghe nói về Nghị định 94, ngày nào xe tải chẳng đưa các thùng phuy rượu của nhà đi ngoại tỉnh rao hàng mà đâu có thấy bị xử phạt”.

Với quãng đường vài trăm mét dẫn tới trụ UBND xã Tam Đa, chúng tôi cũng đếm được cả chục hộ gia đình sản xuất “rượu quê” theo lối pha chế như cơ sở kể trên.

Rượu cồn pha nước lã đựng trong thùng phuy tại xã Tam Đa
Rượu cồn pha nước lã đựng trong thùng phuy tại xã Tam Đa - Ảnh: Hà An

Cách Tam Đa con sông Cầu, người dân làng Vân thuộc xã Vân Hà (H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nổi tiếng từ bao đời nay với nghề nấu rượu truyền thống có lo lắng chút ít.

Ông Nguyễn Đức Hạnh (ở xóm 3 làng Vân), cho hay: “Sợ bị cấm nấu rượu vì không đi làm thủ tục đăng ký, nên tôi đã nhiều lần qua gặp chính quyền xã, nhưng ở xã lại bảo cứ về, đợi sắp tới sẽ triển khai”.

Theo ông Hạnh, nếu được đăng ký tại chính quyền địa phương để biết gia đình nấu rượu, đồng thời chính quyền địa phương cũng nên có biện pháp quản lý sao cho thật hữu hiệu, phù hợp, thì người dân làng Vân sẽ còn giữ được nghề. Còn nếu phải làm thêm nhiều thủ tục giấy tờ theo Nghị định 94, ông Hạnh tin chắc, cũng như ông, nhiều người phải bỏ nghề vì lãi từ nấu rượu chẳng đáng là bao.

Nghị định 94 ghi rõ, các hộ sản xuất rượu phải có đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm, rượu đem ra bán phải có nhãn mác, chở rượu ngoài đường phải có hợp đồng bán rượu của cơ sở sản xuất hợp pháp… Điều này cũng đồng nghĩa với việc, rượu giả, rượu kém chất lượng sẽ hết cửa sống. 

Ông Vũ Đình Minh, Phó chủ tịch xã Tam Đa, cho hay, hiện trên toàn xã có trên 300 hộ sản xuất rượu. Và do chạy theo lợi nhuận nên trong số này có nhiều hộ, cơ sở kinh doanh rượu theo kiểu pha chế cồn và nước lã.

Ông Minh cũng khẳng định, rượu được chế từ cồn, nước lã không đạt chất lượng và mỗi ngày có hàng nghìn lít rượu kiểu này được tung ra thị trường. Xã đã nhiều lần ra quân nhưng tới nay vẫn chưa thể dẹp được tình trạng sản xuất rượu kém chất lượng này.

Khi được hỏi về Nghị định 94 đã có hiệu lực, ông Minh thừa nhận: “Chính quyền xã chúng tôi mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, chứ chưa triển khai thực hiện nghị định”.

Cũng theo ông Minh, hiện xã vẫn đang đợi thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 94 để có thể mạnh tay xử lý các hộ chế biến cũng như kinh doanh loại rượu kém chất lượng.

Dọc con đường đê qua thôn Đại Lâm không khó để bắt gặp hàng loạt những chiếc thùng phuy nhựa màu xanh loại 200 lít có chứa rượu. Loại rượu có thành phần chính là cồn và nước lã. Sau khi đấu dây bơm nước giếng cho gần đầy thùng phuy, người chế biến thường bỏ thêm vào khoảng 15 - 20 lít rượu sắn cùng một lượng cồn hoa quả hoặc cồn công nghiệp vốn phổ biến trên thị trường, rồi khuấy đều để tạo ra thứ rượu quê có hương vị không khác gì rượu gạo nấu bằng men.

Hà An

>> Ngộ độc rượu giả, 19 người chết
>> Ứng dụng cho thấy tác hại của rượu
>> Cha uống rượu, bia - con chịu khổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.