Rút đề xuất lấy ngày thương binh liệt sĩ 27.7 làm ngày nghỉ lễ

12/06/2019 17:31 GMT+7

Không đồng ý lấy ngày thương binh liệt sĩ 27.7 là ngày nghỉ, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, đây là ngày để đền ơn đáp nghĩa, không phải là lúc nghỉ tự do, nô đùa, thậm chí sung sướng.

Thảo luận góp ý về bộ luật Lao động sửa đổi chiều 12.6, một trong những nội dung tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội là đề xuất bổ sung ngày thương binh liệt sĩ 27.7 vào ngày nghỉ lễ, tết trong năm.

Nghe qua có vẻ rất hay nhưng nghĩ lại thì không ổn

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) tuy đồng tình việc bổ sung ngày thương binh liệt sĩ (27.7) hàng năm là ngày nghỉ để người lao động có thêm 1 ngày thực hiện các hoạt động thiết thực, tri ân những người có công với đất nước, nhưng cho rằng nên gọi tên ngày nghỉ này là ngày tri ân người có công với nước.
Chính thức rút đề xuất lấy ngày thương binh liệt sĩ 27.7 làm ngày nghỉ
Giải trình cuối phiên thảo luật, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mặc dù phương án bổ sung ngày thương binh liệt sĩ (27.7), Chính phủ đã giải trình đầy đủ về nội dung, ý nghĩa, tính nhân văn của phương án này. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ chính thức xin rút đề xuất này khỏi dự thảo luật.
Tranh luận trước các ý kiến đồng tình, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, ngày 27.7 là ngày tri ân các anh hùng liệt sĩ và người có công đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nếu lấy đó là ngày nghỉ thì cần cân nhắc kỹ.
“Nếu nghỉ 27.7 để tổ chức các hoạt động tri ân trong bối cảnh ấy thì có nên không? Có tác động gì đến tư tưởng, tình cảm của người dân và khối đại đoàn kết dân tộc hay không?”, đại biểu Thưởng nêu vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì nhìn nhận, đề xuất lấy ngày 27.7 là ngày nghỉ và gọi là ngày tri ân “nghe qua có vẻ rất hay nhưng nghĩ lại thì không ổn”.
Ông Trí lập luận, ngày 27.7 đã in sâu trong ký ức, trí nhớ của người dân Việt Nam là ngày thương binh liệt sĩ nên nếu đổi tên là ngày tri ân chung chung thì sẽ ảnh hưởng tới việc tri ân cụ thể, thiết thực đối với các thương binh liệt sĩ, dễ dẫn đến tri ân sai đối tượng.
Đối với phương án đề nghị gọi ngày này là ngày tri ân người có công, đại biểu Trí cũng cho rằng chưa ổn, vì bố mẹ thầy cô cũng là người có công và nếu gọi là ngày tri ân người có công thì việc tri ân thương binh liệt sĩ sẽ trở nên nhạt nhòa, không sâu sắc, thậm chí có thể bị người xấu lợi dụng để tổ chức hoạt động tri ân không phù hợp.
“Ở đất nước tốn rất nhiều xương máu mới có độc lập tự do như chúng ta, xin để ngày 27.7 là ngày thương binh liệt sĩ”, đại biểu Trí nói.

Đề xuất lấy ngày quốc tế thiếu nhi 1.6 làm ngày nghỉ

Cùng quan điểm này, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương), Chủ tịch T.Ư Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, cho rằng ngày 27.7 rất thiêng liêng, ngày uống nước nhớ nguồn, làm mọi việc để đền đáp công ơn của các anh hùng liệt sĩ, cho nên chúng ta thường nhắc nhau "biến đau thương thành hành động có ý nghĩa".
“Tại sao chúng ta lại phải nghỉ tự do, vui chơi, nô đùa, thậm chí là sung sướng. Tôi nghĩ không nên”, đại biểu Kim nói.
Theo ông Kim, đất nước chúng ta đã trải qua nhiều năm chiến tranh tàn phá, con người, của cải, mất mát rất nhiều.
“Có những người được công nhận anh hùng liệt sĩ nhưng nhiều người dân chúng ta cũng mất mát trong chiến tranh. Chúng ta không nên nhắc lại những gì đau thương trong gia đình, kể cả những người ở bên kia chiến tuyến”, đại biểu Kim nói và cho rằng, theo tinh thần đó thì không nên nhắc lại những gì đau thương ở những con người, gia đình mất mát đau thương.
Từ đó, đại biểu này đề nghị nếu cần thiết phải bổ sung thêm ngày nghỉ để phù hợp xu thế thế giới thì nên lấy ngày quốc tế thiếu nhi 1.6 làm ngày nghỉ. “Tất cả những gì tốt đẹp nhất cần dành cho thiếu nhi”, đại biểu Kim nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) không đồng tình lấy 27.7 là ngày nghỉ lễ, đề nghị lấy ngày gia đình Việt Nam (28.6) làm ngày nghỉ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.