S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia lên BB+: Việt Nam được lợi gì?

30/05/2022 18:47 GMT+7

Việc nâng hạng xếp hạng tín nhiệm lên BB+ của S&P Global Ratings (“S&P”) cho thấy kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau dịch, vị thế tăng cao và đặc biệt giúp “nâng trần” xếp hạng đối với tất cả các doanh nghiệp .

Chiều 30.5, Công ty CP FiinGroup - một công ty chuyên về dịch vụ thông tin phân tích tài chính và định mức tính nhiệm đã công bố báo cáo đánh giá về việc nâng hạng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam của S&P Global Ratings.

Cụ thể, phân tích của Khối Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm FiinRatings (thuộc Fiin Group) cho biết, trước đó, ngày 26.5, S&P Global Ratings (Standard & Poor's là một trong 3 cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới) đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng “Ổn định”.

"Việc Việt Nam được một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới nâng hạng cho thấy góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế", FiinRatings nhận định.

Việc nâng hạng lên BB+ sẽ giúp các doanh nghiệp huy động trái phiếu quốc tế với lãi suất rẻ hơn
tn

Trước đó, theo FiinRatings, ngày 21.5.2021, S&P cũng đã công bố duy trì mức BB nhưng nâng triển vọng xếp hạng từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Theo phương pháp luận của S&P và thông lệ ngành xếp hạng tín nhiệm, khi triển vọng xếp hạng “Tích cực” tức là có khả năng cao kết quả xếp hạng sẽ được nâng hạng trong vòng 12 - 24 tháng sau đó.

Nhìn lại lịch sử, Việt Nam trước đó đã được nâng điểm xếp hạng tín nhiệm từ mức BB- lên BB bởi S&P vào tháng 4.2019 - đó là lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ tháng 12.2010) giữ nguyên mức xếp hạng BB- trong một thời gian dài. Việt Nam lần đầu tham gia hoạt động xếp hạng tín nhiệm từ những năm 1990 bởi Moody’s.

Vì sao Việt Nam được nâng hạng lên BB+?

FiinRatings cho biết, theo công bố của S&P, ngoài việc ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, cũng như tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài FDI, yếu tố quan trọng được S&P đề cập đó là những cải thiện mạnh mẽ về các quy trình thủ tục hành chính của Chính phủ về quy trình thực hiện nghĩa vụ nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh.

Bên cạnh các điểm mạnh, S&P cũng ghi nhận những điểm cần cải thiện bao gồm tăng trưởng GDP chưa như dự báo của S&P, giải ngân đầu tư công chậm và một số điểm yếu của hệ thống ngân hàng - tài chính Việt Nam.

Mức BB+ là mức xếp hạng cao nhất trong nhóm BB, nhóm điểm được định nghĩa là “khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ thấp, chịu tác động lớn từ các sự kiện tiêu cực từ môi trường kinh doanh, kinh tế và tài chính”. Mức BB+ vẫn được cộng đồng tài chính và đầu tư quốc tế xem là “có tính đầu cơ” trong các quyết định đầu tư liên quan đến Việt Nam.

Tuy nhiên, FiinRatings lưu ý đây là mức điểm tiệm cận với nhóm BBB-, nhóm xếp hạng được định nghĩa là “mức đầu tư” của S&P. Khi đó, các nhà đầu tư quốc tế sẽ xem xét Việt Nam ở mức rủi ro thấp hơn và kỳ vọng một mức lợi nhuận (ví dụ qua lãi suất cho vay hoặc trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp Việt Nam) ở mức thấp hơn.

So với một số nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện có mức xếp hạng thấp hơn Malaysia (A-), Indonesia (BBB), Philippines (BBB+), Thái Lan (BBB+). Riêng Singapore có mức xếp hạng tương đương với các thị trường tài chính đã phát triển cao (AAA), trong khi Lào và Campuchia chưa tham gia xếp hạng tín nhiệm bởi S&P. Trung Quốc hiện cũng được xếp hạng ở mức A+.

Để đưa ra được điểm xếp hạng, theo FiinRatings, S&P áp dụng 5 nhóm tiêu chí chính cho việc xếp hạng quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: thể chế và chính sách; chất lượng tăng trưởng kinh tế; sức mạnh cán cân thanh toán, bao gồm dự trữ ngoại hối và thặng dư cán cân thanh toán; cân đối tài khóa bao gồm thu chi ngân sách, đầu tư công và nợ công; và thị trường tiền tệ - tín dụng.

Vị thế của Việt Nam đang tăng lên khi kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19
tn

Lợi ích nào cho quốc gia và doanh nghiệp?

FiinRatings cho rằng, lần đánh giá này là một bước tiến quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam. Bởi, nâng hạng tín nhiệm quốc gia trong thời điểm kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn cho thấy sự công nhận về vị thế của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực.

Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là nước duy nhất trong 8 nước khối ASEAN được nâng hạng năm 2022, trong khi phần lớn các nước giữ nguyên, riêng Malaysia và Lào được Fitch Ratings hạ 1 bậc xuống lần lượt là BBB+ và CCC.

Bên cạnh đó, mức điểm BB+ đã tiệm cận với nhóm điểm mức "Đầu tư" của S&P, tức là nếu lên đến điểm BBB-, Việt Nam sẽ lọt vào tiêu chí đầu tư của nhiều định chế tài chính trên thế giới. Mức BBB- sẽ giúp đưa Việt Nam lên chỉ còn thấp hơn Indonesia 1 bậc và thấp hơn Thái Lan, Philippines và Malaysia 2 bậc.

Ngoài ra, nâng hạng tín nhiệm giúp giảm chi phí huy động vốn không chỉ cho trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế mà còn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường nợ quốc tế.

Mặc dù không có thống kê về chênh lệch lãi suất giữa BB và BB+, theo FiinRatings, thông lệ quốc tế cho thấy nếu vươn lên mức xếp hạng BBB, chênh lệch trung bình của các khoản vay sẽ là 150 đến 300 điểm phần trăm về lãi suất.

Điều này đồng nghĩa với chi phí huy động của doanh nghiệp sẽ giảm đi đáng kể, đơn cử như lô trái phiếu quốc tế 525 triệu USD của VinGroup, theo tính toán của chúng tôi, chi phí vốn hàng năm có thể giảm được từ 8 - 16 triệu USD nếu như lãi suất vay được xác định dựa trên mức xếp hạng ở mức BBB của Việt Nam. Dĩ nhiên, điều này còn phụ thuộc vào mức xếp hạng của chính doanh nghiệp tổ chức phát hành.

Việc nâng hạng cũng giúp “nâng trần” xếp hạng đối với tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam bởi S&P. Tuy nhiên, FiinRatings cũng lưu ý, mức trần xếp hạng tín nhiệm này đã làm giảm đáng kể mức độ phân hóa về điểm xếp hạng tín nhiệm giữa các đơn vị phát hành công cụ nợ trên thị trường vốn quốc tế.

Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư gặp khó khăn trong phân loại và đánh giá giữa các hồ sơ tín nhiệm của đơn vị phát hành công cụ nợ, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, xếp hạng theo các tổ chức quốc tế chỉ có tác dụng lớn đối với thị trường vốn quốc tế và không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường vốn nội địa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.