Những lời chửi mắng nhân danh đạo đức sáng ngời, nhưng rồi sau đó cộng đồng mạng tưng hửng nhận ra sự thật không phải như họ nghĩ. Sau đó may lắm thì những người đã tham gia chửi sẽ tặc lưỡi thanh minh: chỉ là một sự hiểu lầm.
Thật ra bạn chẳng có gì sai cả khi thể hiện quan điểm cá nhân của mình trước một vụ việc đáng phê phán. Nếu bạn nghĩ mình góp phần làm cuộc sống thay đổi tốt đẹp hơn khi phê phán, chỉ trích cái sai thì cũng chẳng phải chuyện gì khó hiểu.
Nhưng nếu bạn thực thi những sứ mệnh đạo đức tự giác ấy theo kiểu phản ứng tức thời ngay khi tiếp nhận thông tin về vụ việc liên quan thì có thể nói mười phần đã hết chín phần bạn lâm cảnh hồ đồ.
Hồ đồ là vì, bạn chưa kịp cho phép mình tìm thêm nguồn thông tin để kiểm chứng độ tin cậy của những gì đã nghe được về vụ việc, nhất là chỉ qua mạng xã hội.
Nữa là vì, bạn có thể quan tâm đến một vụ việc nổi cộm nào đó, nhưng trước khi buông lời chửi người liên quan thì nên nhắc mình dừng lại một nhịp. Để chờ thêm thông tin liên quan, biết đâu có điều uẩn khúc đầy oan uổng, biết đâu lại có sự hiểu lầm đáng tiếc nào đó. Dừng một nhịp để cảm xúc giận dữ lắng xuống, vì thường trong lúc giận dữ, tác động của adrenalin (một hormone có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, cái làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm) có thể xui khiến bạn hành xử lệch chuẩn.
Biết dừng một nhịp trong những chuyện như thế, thì bạn sẽ khó rơi vào cạm bẫy thông tin giăng sẵn của ai đó khiến bạn có thể trở thành tay sai đắc lực cho kẻ gieo rắc cái xấu, cái ác đầy rẫy trên mạng hiện nay.
Liệu có một lần nào đó, sau khi nhỡ hồ đồ chửi oan người khác trên mạng, bạn có đủ can đảm viết ra lời xin lỗi công khai trên mạng không? Hay cùng lắm chỉ là một cái tặc lưỡi cho riêng mình? Còn người bị chửi oan thì đã phải chịu đựng những tổn thương đến khốn khổ như thể định mệnh đen đủi đổ xuống đầu mình. Hỏi như thế để bạn tự thấy sự bất công mà mình đã gây ra cho người bị chửi.
Không phải tự dưng chuyện chửi mắng của đám đông trên mạng được gọi bằng một cái tên liên quan đến hình phạt tử hình man rợ thời cổ đại: “ném đá”. Nhưng hình phạt “ném đá” thời cổ đại dẫu sao cũng dựa trên một nguyên tắc pháp luật: người bị ném đá phải là người có hành vi sai trái nghiêm trọng.
Nhưng giờ thì người bị ném đá có thể là bất cứ ai, kể cả bạn. Và người tham gia ném đá cũng có thể là chính bạn. Lý do cho cả hai đều chỉ có một: hồ đồ trong tiếp cận thông tin trên mạng, không cân nhắc chỉ dẫn quan trọng để tránh sa bẫy thông tin: đừng vội tin ngay những thông tin nóng hổi trên mạng, hãy kiên nhẫn chờ thông tin kiểm chứng từ báo chí chuyên nghiệp nếu bạn không thể tự kiểm chứng.
Chửi “chậm” một chút cũng chẳng làm bạn mất giá trị đâu. Nhưng chửi vội chửi vàng thì dễ trở thành kẻ hồ đồ trong ứng xử.
Bình luận (0)