Đã họp lấy ý kiến dân rồi, ít lâu nữa thôi, khi thị trấn huyện lỵ Đức Phổ được công nhận là thị xã, Phổ Thạnh sẽ “lên” phường. Thường thì phường trong thị xã, liên cư liên địa với thị xã. Riêng P.Phổ Thạnh cách TX.Đức Phổ hơi xa, phải đi qua hai xã Phổ Khánh và Phổ Cường mới tới. Hơi lạ! Nhưng cũng chẳng chết ai. Người Sa Huỳnh hiểu nôm na: Phường là... em của phố!
Mà sao phải nói đến thì tương lai với “sắp, sẽ” chi cho rườm rà, mắc công chờ đợi. Sa Huỳnh giờ đã phố lắm rồi.
Mạng lưới đường bê tông bò khắp nơi, dẫn đến từng khu dân cư, chợ búa, bến cảng. Đất mặt tiền dù bạc tỉ cũng có người mua. Nhà cửa san sát, buôn bán nhộn nhịp. Sa Huỳnh tuy nhỏ nhưng vẫn có đường tránh to rộng như ai. Có điều xe cộ thưa thớt vì các bác tài chê vắng, buồn và cũng vì cung đường này có mấy cái cua “lạnh gáy”. Do vậy, đường số 1 qua Sa Huỳnh ngày đêm ầm ầm tiếng xe, chát chúa tiếng còi.
Có câu chuyện trên bàn trà: Phố thì phải đông đúc, sầm uất, ồn ào. Mấy năm đầu giải phóng, ông nói cái xứ gì mà đìu hiu, mặt trời mới sụp đã nghe bản đồng ca của dế giun ếch nhái. Giờ “tập sự” làm phường, âm thanh cuộc sống… vút lên, ông lại càu nhàu, càm ràm, ôm đầu la ồn là sao?
Sa Huỳnh có dáng vẻ “đô thị” lắm rồi. Hơn 26.000 dân, trên 10.000 xe máy đủ loại. Teen tóc vàng, tóc nâu rú ga chạy như bị ma rượt. Nông dân trúng mùa, chơi ngay Exciter. Con trai khởi động giùm. Bố ngồi lên, vừa nắm tay ga đã ngã “oạch”: Xe gì mà như… máy bay! Người già, em bé đi bộ rất sợ nên phải có người chở. Đường làng vì thế khá bất an. Nhưng phố mà! Phải vậy thôi.
Ngư dân mượn tiền chủ tàu mua xe tay ga. Đi được vài cây số rồi trùm mền, xuống biển. Mấy tháng sau về, đề máy rồi đâm thẳng vô… hàng rào vì không nhớ cái thắng nằm đâu. Mặt nạ xe méo mó, mặt chủ xe trớt quớt.
Ngồi tính sơ sơ, xe con chạy dịch vụ ở Sa Huỳnh trên trăm chiếc. Phần lớn là xe sang tên. Đi cà phê, đám cưới chỉ vài cây số vẫn a lô ô tô dịch vụ. Nghĩ coi, váy ngắn váy dài, ví đầm, kính mát, giày cao gót… ai lại ngồi xe máy. Quê chết! Tới nơi, nàng nào cũng quyến luyến, chưa muốn rời. “Bà chụp tui cái, lấy luôn cái xe nghen”. “Tui đứng dựa thành xe, ông bấm tui cái”. Xúm lại coi hình, ai cũng xuýt xoa: “Đẹp lắm, sang quá”.
Ông bảo vệ đi ngang cười cười, chụp với xe bảy, tám trăm triệu biểu hổng sang sao được! Văn minh đấy, nhưng một người tựa lưng ghế, mở tờ báo đợi cà phê thì người bên cạnh nhắc nhỏ: “Đem về nhà đọc. Đọc ở đây người ta kêu mình chảnh, bày đặt trí thức rồi sinh chuyện, mệt lắm”.
Lễ tết, gặp nhiều người phố gốc quê, nghe thứ tiếng Sài Gòn pha... Sa Huỳnh thật dễ thương. Địa phương có tiếng nào “nặng” quá thì được thay bằng tiếng Sài Gòn. Cả ngàn người như vậy. Đương nhiên, tính cách phố, lối sống phố cũng theo ngôn ngữ mà về. Có một chút Sài Gòn “tình thương” trong một Sa Huỳnh “mến thương”?
Trông tới mai sau, người trẻ Sa Huỳnh mơ về một “đô thị cực nam của Quảng Ngãi”. Tại sao không? Cứ mơ, dù biết mơ rất gần với… mớ vẫn cứ hơn “buồn le lói suốt trăm năm”. Tôi không còn trẻ nhưng đang mơ. Mơ về những con đường bê tông không có cảnh mạnh ai nấy đổ nước thải sinh hoạt rồi cãi nhau chí chóe. Mơ về những con đường không có chuyện sau một đêm bỗng trở nên “ốm o gầy mòn” vì bị lấn chiếm.
Và tôi cũng mơ về những con đường có nhiều bóng mát, để khách xa về thăm dáng phố Sa Huỳnh cảm thấy gần gũi khi đi tới đâu cây lá cũng khẽ chạm vai người.
Bình luận (0)