Nhiều người cho rằng Hà Giang là “xứ sở” của tam giác mạch, mà với tôi, những bông hoa mang nhiều tâm trạng kia lại đằm lòng hơn cả.
Anh ca sĩ trẻ chung đoàn văn nghệ sĩ trong hành trình Biên giới yêu thương (chương trình văn nghệ sĩ về nguồn Biên giới yêu thương do Thành ủy TP.HCM tổ chức) ngân nga khúc hát: “Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa, hoa sim...”. Hoa sim ở biên giới Hà Giang không còn bạt ngàn. Cũng có thể thời điểm chúng tôi đi qua mới chỉ chớm hè. Nhưng dù không bạt ngàn, sắc hoa sim tím biếc, dịu dàng vẫn nói được bao điều ẩn chứa.
tin liên quan
Tặng quà cho học sinh biên giớiĐoàn đã trao tặng các em học sinh 100 phần quà gồm: tập vở, đồng phục mới, sữa và nhiều đồ dùng học tập khác trị giá hơn 30 triệu đồng.
Tôi nhớ tới một cuộc tranh luận của các nghệ sĩ khi nghĩ tới nếu có quyền chọn một sắc hoa cho miền biên giới - để chúng ta nhớ về những chàng trai mãi mãi tuổi hai mươi đã ngã xuống nơi biên cương, giữ vững từng dáng núi, sẽ là loài hoa nào “đại diện”? Người cho rằng phải là hoa lau. Hoa lau tung bay tự do, mạnh mẽ, không ngại nắng táp mưa sa, sương muối. Hoa lau với sức sống bền bỉ trên đá núi. Những bông lau biên giới chúng tôi gặp trắng xóa lưng đồi, thi thoảng ở những khúc quanh ngờm ngợp những chùm lau như cánh tay mạnh mẽ vẫy chào đoàn khách lạ mà quen. Hoa lau mới là hình ảnh đại diện “đúng tinh thần” hơn cả.
Nhưng ý kiến khác lại cho rằng phải là hoa sim chứ! Hoa sim gợi những sự lãng mạn, nhớ nhung, hợp với tình yêu, tình cảm chân quê, dịu dàng và son sắt. Suy cho cùng chúng ta chiến đấu vì điều gì nếu không phải là tình yêu? Và có lẽ vì thế, sắc hoa sim biên giới vẫn gây thương nhớ cho những ai về miền biên cương. Hoa sim vẫn đứng đó, bên bờ những núi đá cheo leo, bên bờ những giãi dầu mưa nắng kể chuyện về những tâm hồn người lính trẻ sống mạnh mẽ, chiến đấu kiên cường và mãi mãi bất khuất với một tâm hồn đầy thơ.
*
Hoa tường vi (hồng dại) nơi vùng biên giới không nhiều người nhắc tới. Ừ thì nơi đâu chẳng có tường vi. Đồi cao đồi thấp còn có, huống chi thung sâu rừng hiểm như biên giới. Nhưng những cánh hoa ấy gây thương nhớ cho du khách bất ngờ. Hoa tường vi nở hồng bên những bậc thang lên chân cột cờ Lũng Cú tươi tắn hơn những nụ cười, sẻ chia những mệt mỏi cùng bước chân lữ khách. Hoa tường vi gợi những người khách trẻ nhớ tới ngày xưa chưa xa của mình, khi còn gắn bó những làng quê, đường làng cũng có những khóm hoa xinh tươi như thế. Hoa tường vi dịu dàng tới đỗi người ta phải băn khoăn, liệu có thể dịu dàng đến thế sao, khi mọc trên những chút đất cằn khô bốn bề sỏi đá. Và tôi lại nhớ tới những bài học mà ông tôi vẫn dạy cháu con, hãy nhìn sắc hoa để biết cảm ơn cuộc đời. Hoa chẳng thể chọn cho mình chỗ để ươm mầm, để kết nụ, ra hoa nhưng sắc hoa vẫn tươi, hương hoa vẫn thơm dâng tặng Người. Hoa sống trọn vẹn những gì đẹp đẽ tinh tế nhất của một kiếp hoa. Và hoa tường vi bé nhỏ đứng đó, nhắc tôi bài học chưa bao giờ cũ ấy.
Những ngôi nhà nơi phố núi Đồng Văn buổi sáng tinh sương tôi ngang qua, nhiều đá hiếm đất vẫn đặt những thùng xốp nho nhỏ trồng những đóa tường vi.Sắc hoa làm mềm đi vẻ cằn cỗi của núi, sắc hoa làm tươi thêm vẻ xám xịt của đá. Và vì thế, hoa tường vi dù chẳng là biểu tượng của cao nguyên đá vẫn giữ nhiều thiện cảm của lòng người.
*
Sẽ chẳng đủ đầy khi nói về hoa nơi địa đầu Tổ quốc nếu không nhắc tới tam giác mạch. Nhiều năm nay tam giác mạch vẫn là sắc hoa quyến rũ hàng nghìn bước chân người trẻ tìm về. Phố cổ Đồng Văn bé xíu có đường hoa tam giác mạch để nối dài những yêu thương tìm về.
tin liên quan
Mang báo xuân đến biên giới, hải đảoSáng 20.1, Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) đến thăm Hải quân Lữ đoàn 125 thuộc Vùng 2 Hải quân và trao tặng 1.500 tờ báo xuân Thanh Niên, Tiền Phong và Người Lao Động (mỗi báo 500 tờ).
Nhưng để thưởng lãm vẻ đẹp tam giác mạch nhất, tôi tin vẫn phải là trên những sườn núi, bên những gốc ngô mạnh mẽ là những bờ hoa tam giác mạch hoang dã mà dịu dàng, mềm mại mà sức sống không thua kém bất cứ loại cây nào. Tam giác mạch không chỉ ra hoa để ngắm, còn làm bánh để có thứ bánh tam giác mạch mộc mạc để bất cứ ai về miền địa đầu cũng muốn thử.
*
Nhưng rồi, sắc hoa để nhiều thương nhớ cho tôi, một lần về Hà Giang lại là sắc hoa bên mộ những người lính trẻ Vị Xuyên. Hoàng hôn đổ bóng trên những tán hoa đại cổ thụ đang dâng hương ngan ngát cuối chiều, đổ bóng trên những đóa hoa tươi nhóm bạn trẻ vừa đặt xuống mộ người lính. Đêm sâu hơn, rộng hơn với những tiếng hát của ca sĩ phương Nam, bên ánh nến tri ân lung linh trên 1.700 ngôi mộ các bạn trẻ vừa thắp lên, trong ngát hương hoa đại. Và lòng biết ơn, lan chuyển từ người này qua người khác đôi khi rất đỗi dịu êm, nhẹ nhàng, đẹp tựa như ánh nến, hương hoa vậy. Cả những đóa hoa vải người nghệ nhân khéo léo kết thành cũng chẳng vô hồn trên mộ người lính trẻ. Chúng xếp cánh thắm tươi, làm chiều nghĩa trang bớt đượm buồn. Những bông hoa vẫn có mặt ở đó, mặc nắng mưa, sương muối, thắm tươi ngày này qua tháng nọ nhắc chúng ta nói lời yêu thương và biết ơn.
Tôi đã đi qua miền hương sắc Hà Giang yêu đến thế. Chẳng ai gọi Hà Giang là thành phố hoa này hoa nọ như nhiều vùng khác. Nhưng tôi biết chắc rằng, chỉ là những chấm phá nhan sắc hoa trên đá cũng đã là một phần tâm hồn vùng địa đầu Tổ quốc, đã neo giữ lòng người thật nhiều cảm xúc, dẫu chỉ một lần đặt chân đến rồi đi.
Hà Giang, hành trình Biên giới yêu thương tháng 5.2017
Bình luận (0)