Sách cho học sinh nghèo, không chỉ chờ nguồn ngân sách

18/08/2022 11:27 GMT+7

“Sau khi nghe thầy Hiệu trưởng Trường Marie Curie của mình nói: "Học sinh Mèo Vạc đã no cái bụng nhưng còn đói sách ”, tất cả chúng mình đã quyên góp rất nhiều sách, truyện gửi tặng các bạn”.

300 triệu mua sách giáo khoa và 17.000 cuốn sách truyện tặng học sinh nghèo

Những ngày trung tuần tháng 8 vừa qua, thầy trò Trường Marie Curie (Hà Nội) đã có một chuyến “công tác” đặc biệt với 2 chiếc xe tải chở đầy những thùng sách do học sinh quyên góp tới 7 trường học ở H.Mèo Vạc (Hà Giang).

Học sinh Marie Curie hồ hời góp sách tặng các bạn ở H.Mèo Vạc
m.c

Để có được 2 chiếc xe tải chở tới hơn 17.000 cuốn sách truyện ấy, mọi công việc kêu gọi, quyên góp, đóng gói và vận chuyển diễn ra chỉ trong vòng hơn 1 tuần lễ.

Chiều muộn 3.8, sau khi học sinh tưu trường 2 ngày, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, viết thư ngỏ về “chương trình sách cho em” gửi tới học sinh, phụ huynh trong toàn trường.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cùng học sinh soạn lại từng cuốn sách để trao lại cho các thầy cô phân loại, đóng gói chuyển lên Mèo Vạc
tuệ nguyễn

Trong thư, thầy Khang bắt đầu bằng một so sánh để học sinh dễ hình dung nhất về cùng một mô hình trường học nhưng 2 điều kiện rất khác biệt: “Trường Marie Curie là trường phổ thông bán trú 30 năm nay. Sáng có hơn 100 xe ô tô đi đón học sinh đến trường, chiều đưa về nhà. Trường tiểu học và THCS Pả Vi cũng bán trú nhưng không như thế. Trưa chủ nhật, học trò đi bộ từ nhà đến trường.

Bé cũng như lớn, leo đèo, lội suối, vượt rừng chiều tối mới đến trường. Cả tuần, từ thứ hai đến thứ sau, học sinh ăn, ở, học hành tại trường… Nhà nước cung cấp tiền và gạo để thầy cô nuôi học sinh tại trường…. 'Hiện học sinh đã no cái bụng nhưng “đói sách'…”.

Do vậy, thầy Khang kêu gọi học trò Marie Curie gom góp những cuốn sách, truyện hay để tặng cho các bạn học sinh ở Mèo Vạc.

Những quyển sách còn được gửi kèm cùng những tấm thiệp, lá thư tay đầy tình cảm của học sinh gửi cho các bạn ở "một nơi rất xa"
m.C

Trường chỉ quyên góp sách truyện vì sách giáo khoa thì đầu tháng 7 vừa qua, Trường Marie Curie đã trang bị đủ sách giáo khoa mới, cặp sách, vở và bút viết cho 2 trường: Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pả Vi; và THCS Pả Vi với mức kinh phí khoảng 300 triệu đồng.

Việc quyên góp sách diễn ra từ 4.8 theo từng đơn vị lớp, đến sáng 8.8 thì “tập kết” tại sân trường. Một số học sinh khối trung học được huy động tham gia cùng các thầy cô giáo phân loại sách truyện tranh, sách truyện chữ, sách khoa học phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học, THCS…. rồi đóng vào từng thùng để trao tặng đúng địa chỉ.

3 giờ sáng đoàn trao tặng sách cho học sinh H.Mèo Vạc đã lên đường

M.

Ngày 14.8, hơn 17.000 cuốn sách cùng những món quà là đồ dùng học tập, đã được thầy trò Trường Marie Curie trao tận tay đại diện của 7 trường học của H.Mèo Vạc, gồm: Tiểu học Pả Vi, Tiểu học Khâu Vai, Tiểu học Niêm Sơn, THCS Pả Vi, THCS Thượng Phùng, THCS Sủng Trà và Phổ thông dân tộc nội trú H.Mèo Vạc.

Đâu chỉ có cho đi

Không chỉ trao tặng quà, sách, thầy trò Marie Curie còn trao tận tay những lá thư chứa đựng tình cảm, yêu thương, những lời nhắn nhủ, động viên gửi tới học sinh Mèo Vạc. Và, trong chính đợt quyên góp này, nhiều cô cậu học sinh có điều kiện sống chưa từng biết thiếu thốn là gì đã hiểu trên cùng một mảnh đất hình chữ S này còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đôi khi, chỉ riêng việc được đến trường, đã là một nỗ lực rất lớn.

Sách được phân loại phù hợp với từng lứa tuổi để tặng đúng địa chỉ
m.

“Ngày nào mình cũng đến trường bằng xe buýt, xe đi rất nhanh, đường lại thuận lợi. Nên khi biết các bạn đi bộ cả chục cây số để đến trường, vất vả vượt qua những ngọn núi ghập ghềnh, hiểm trở; mình cảm thấy bản thân rất may mắn. Hơn nữa, dù có nhọc nhằn đến cỡ nào, nụ cười vẫn nở trên môi các bạn, khiến mình rất ngưỡng mộ…

Sau khi nghe thầy Hiệu trưởng trường mình nói: “Học sinh Mèo Vạc no cái bụng nhưng đói sách”, tất cả chúng mình đã quyên góp rất nhiều sách, truyện”, bức thư của Đoàn Tú Uyên (lớp 6G1, Trường Marie Curie) khiến mọi người xúc động.

Học sinh H.Mèo Vạc vừa háo hức, vừa tò mò trong ngày hội sách được các thầy cô, anh chị ở Hà Nội về tổ chức tại trường mình
M.C

Nguyệt Linh, Khánh Vy, Anh Kiệt (lớp 9G2); Quốc Bảo (lớp 9P4); Xuân Khánh (lớp 10I4); Nhật Minh (lớp 12E1); và Đức Kiên (lớp 12E2) tự hào khi được đại diện học sinh của trường trao trực tiếp những cuốn sách và lá thư cho các học sinh Mèo Vạc. Các bạn nói, đây là những trải nghiệm ý nghĩa, đáng nhớ và đáng quý.

Nhật Minh (lớp 12E1) tâm sự: “Mặc dù đã tìm hiểu trước về cuộc sống nơi đây nhưng thực sự khi đặt chân đến, em mới cảm nhận rõ hơn về sự khó khăn. Chúng em phải di chuyển nhiều tiếng trên con đường ngoằn ngoèo; nhất là con đường đất dẫn vào các điểm trường lẻ. Một bên là núi, một bên là vực, đường đi sỏi đá gồ ghề, rất vất vả. Vậy mà các bạn Mèo Vạc, có em mới học tiểu học đi 7 cây số đến trường, chưa kể những ngày mưa gió, đường núi trơn trượt. Mình rất khâm phục ý chí vượt khó, ham học của các bạn ấy; từ đó trân trọng những gì mình đang có”.

Đọc sách cùng em
m.c

Cùng học trò đọc những bức thư tay đầy cảm động của học sinh Marie Curie, cô Lục Thị Hà, Hiệu trường tiểu học Pả Vi, xúc động chia sẻ: “Thầy trò chúng tôi sẽ trân trọng và gìn giữ những cuốn sách, truyện ấy. Những bức thư viết tay của học sinh Marie Curie sẽ được lưu giữ trong thư viện và đọc trước toàn trường trong mỗi buổi Chào cờ thứ 2 đầu tuần. Điều này sẽ khích lệ tinh thần ham học, ham đọc và nỗ lực vươn lên của các con học sinh”.

Học sinh ở Hà Nội cũng nhận về những giá trị lớn qua việc trao tặng sách cho các em học sinh ở nơi còn rất khó khăn
m.c

Cô Trần Thị Thanh (Hiệu trưởng trường THCS Pả Vi) cũng tâm sự trong 2 năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 đã làm cho cuộc sống của người dân thêm khốn khó do không có công ăn việc làm. Việc học tập của các con phụ huynh phó mặc cho nhà trường, hoặc muốn quan tâm thì cũng không thể làm gì khác. Do vậy, việc mua sách vở học tập thiết yếu cho các con đã không thể chứ chưa nói đến việc mua sách truyện để các con giải trí, mở mang hiểu biết…

Ngoài sách giáo khoa cho 2 trường khó khăn nhất, 17.000 cuốn sách truyện đã được trao tặng cho 7 trường ở H.Mèo Vạc
m.c

“Năm học 2021 - 2022 kết thúc cũng là lúc các thầy cô chúng tôi rất lo lắng về sách giáo khoa, vở viết và đồ dùng học tập cho các em khi năm học 2022-2023 đang đến gần. Do vậy, việc nhà trường nhận được sách giáo khoa mới từ tháng 7, đến tháng 8 lại được trao tặng thêm rất nhiều sách truyện trừ Trường Marie Curie đúng là món quà quý giá, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần với thầy trò chúng tôi trước thềm năm học mới”, cô Thanh chia sẻ.

Không nên có giải pháp cào bằng cho vấn đề sách giáo khoa

Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu vùng xa… nơi nào cũng có người giàu, người nghèo, người sẵn tiền mua một lúc 2 bộ sách giáo khoa và người không có tiền mua 1 bộ sách giáo khoa (kể cả bộ sách giáo khoa cũ)…

Do vậy, không nên chỉ nghĩ đến người nghèo hoặc người có điều kiện kinh tế khá giả để đưa ra giải pháp “cào bằng”. Nên có các giải pháp khác nhau phù hợp với khả năng đa dạng của mọi người dân.

Nhà nước cấp ngân sách mua bộ sách giáo khoa cấp độ 2 trang bị cho thư viện trường học, người dân không có tiền mua sách giáo khoa thì mượn của nhà trường, cuối năm học trả lại cho thư viện trường.

Việc tặng sách giáo khoa cho học sinh các trường ở H.Mèo Vạc, với trường tôi diễn ra rất nhanh. 3 ngày làm xong kế hoạch. Sau 2 tuần hoàn thành kế hoạch trang bị sách giáo khoa cho 2 trường học ở miền núi xa xôi, nơi bà con dân tộc Mông, Tày, Nùng… đang nghèo khó. Lòng tôi rạo rực niềm vui!

(Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.