Tôi xin nói ngay là tôi không ủng hộ phương pháp dạy toán cho học sinh tiểu học của ông Hồ Ngọc Đại. Tiêu biểu là cách tiếp cận quá trừu tượng đối với các phép tính số học. Nhưng trong những lý do Hội đồng thẩm định đưa ra để phủ nhận sách Toán của Công nghệ giáo dục có một điểm rất phi lý.
Kết luận của hội đồng viết: "Đối với môn toán, hội đồng thẩm định cho rằng nội dung bản mẫu sách giáo khoa chưa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình, còn nhiều nội dung vượt quá chương trình môn toán lớp 1 như các nội dung liên quan đến khái niệm tập hợp, phương trình. Việc sử dụng lý thuyết tập hợp để hình thành số, phép toán cho học sinh lớp 1 là vượt quá chương trình. Các số “đứng liền nhau”, “dãy số”, “dãy số tự nhiên”, “trục số” không có trong chương trình."
Với tinh thần của kết luận này thì các sách giáo khoa muốn vượt qua vòng thẩm định không được phép có nội dung "vượt quá chương trình môn toán". Với tư cách thành viên ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa môn toán, tôi khẳng định điều này hoàn toàn đi ngược với tinh thần của ban soạn thảo sách giáo khoa phổ thông mới. Theo đó, một trong những điểm quan trọng nhất là: nội dung chương trình sách giáo khoa là yêu cầu kiến thức tối thiểu, chương trình sách giáo khoa không hạn chế việc dạy thêm các kiến thức khác nằm ngoài chương trình, thậm chí khuyến khích điều đó đối với những đối tượng phù hợp.
Xin chép lại nguyên văn ý này trong mục "Quan điểm xây dựng chương trình" (trang 5) của chương trình sách giáo khoa môn toán: "Chương trình môn toán bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục toán học cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục toán học và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục.
Chương trình môn toán chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình."
Theo tôi, cần thẩm định lại hội đồng thẩm định vừa qua.
Bình luận (0)