Sách giáo khoa, mua rồi để đó!

12/09/2018 08:41 GMT+7

Đầu năm học mới, phụ huynh sốt ruột vì không tìm được sách giáo khoa cho con. Nhưng có khi mua được rồi, việc sử dụng sách ở nhà trường lại rất lãng phí.

Mua cuốn này, học cuốn khác !
Đầu năm, phải chạy đôn chạy đáo tìm cho đủ bộ sách giáo khoa (SGK) cho con kịp ngày tựu trường, thế nhưng sau tuần học đầu tiên, chị N.T, phụ huynh học sinh (HS) Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.12, TP.HCM), ngạc nhiên vì cô giáo nói không học SGK hiện tại mà đưa danh mục cần phải trang bị như Toán song ngữ, Vở bài tập toán song ngữ, Luyện từ và câu, Rèn kỹ năng văn, Luyện mỹ thuật… Vị phụ huynh này bức xúc: “Vừa mất thời gian, vừa lo lắng không đủ sách cho con đi học mà bây giờ không sử dụng, mua thêm bộ sách khác”.
Trước phản ánh của phụ huynh, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, cho hay đã tìm hiểu thông tin và được biết trường khuyến khích HS sử dụng sách toán song ngữ nhằm phát triển năng lực của HS tiểu học chứ không bắt buộc. Phòng GD sẽ rà soát tất cả các trường về việc hướng dẫn HS sử dụng sách và các trường phải lưu ý giáo viên về việc này.
Dù không dám bỏ nhưng hầu hết giáo viên và HS tại TP.HCM hiện nay đều “thoát ly” SGK môn vật lý hiện hành. Một giáo viên cho hay: “SGK của Bộ mua cho vui vậy thôi chứ từ gần 5 năm nay, giáo viên và HS đều học theo tài liệu dạy học vật lý của Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn. Cũng thực hiện theo đúng chuẩn kiến thức kỹ năng môn học do Bộ quy định nhưng thay vì phải tiếp cận với kiến thức của SGK biên soạn từ năm 2003, HS của TP thích thú học qua tài liệu có hình thức sinh động, nội dung cập nhật liên tục, đặc biệt có nhiều hoạt động rèn kỹ năng thực hành”.
Một HS Trường THCS Trần Quang Khải (Q.Tân Phú) cho hay: “SGK đóng thành từng bộ nên chúng em ai cũng phải mua chứ em đã từng so sánh từng nội dung kiến thức của SGK với tài liệu vật lý thì thấy thầy cô chọn tài liệu của TP là hợp lý. Không chỉ có hình ảnh bắt mắt, gần gũi, mang tính thực tế cao mà qua tài liệu dạy và học vật lý, chúng em có thể vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Chẳng hạn, ở phần thực hành lớp 9 có “Chế tạo la bàn và động cơ điện một chiều”, hướng dẫn HS làm la bàn một cách đơn giản. Ngoài ra, thầy cô biên soạn tài liệu còn cập nhật hình ảnh sản phẩm của HS Q.Tân Phú chế tạo trong các cuộc thi vật lý khiến chúng em thấy gần gũi, hào hứng”.
Học theo tài liệu giáo viên tự biên soạn
Một giáo viên của Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) cho hay, SGK là pháp lệnh nên nhà trường, giáo viên và HS phải thực hiện theo. Nhưng trong thực tế, bất cứ giáo viên nào cũng tìm hiểu, tham khảo và chọn lọc để cung cấp hay gợi ý cho HS sử dụng những nguồn tài liệu bổ trợ có giá trị trong quá trình tiếp nhận kiến thức. Chẳng hạn bộ tài liệu toán của Sở GD-ĐT, cũng là những kiến thức như SGK nhưng không chỉ phong phú, sinh động về hình thức mà nguồn bài tập, các dạng bài tập cũng đa dạng. Cũng từ kiến thức trong SGK nhưng giáo viên môn giáo dục công dân của Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) tự biên soạn tài liệu học tập riêng cho HS những lớp mình giảng dạy. Tài liệu trình bày đơn giản nhưng rõ ràng và khoa học với một bên là nội dung tóm gọn của SGK, một bên là kiến thức cần lưu ý và những tình huống thực tế liên quan. Chỉ với tài liệu này, HS vừa đảm bảo học đúng chương trình của Bộ, vừa có điều kiện ôn thi hiệu quả.
Sách bài tập, làm một lần rồi bỏ
Một giáo viên tiểu học đồng thời là phụ huynh HS ở Q.3 cho hay: “Tôi không hiểu lý do tại sao NXB Giáo dục lại phát hành và đóng các cuốn vở bài tập chung với SGK. Về góc độ giáo dục, tôi khẳng định như thế chỉ làm học trò thiếu kỹ năng, lười tư duy và lười trình bày mà thôi”. Giáo viên này lấy ví dụ, thông thường với môn toán, từ đề bài, HS phải trình bày cách làm với từng bước cụ thể thì vở bài tập toán in sẵn phép tính, HS chỉ việc tính và điền kết quả. “Cứ làm sẵn cho học trò như vậy thì sao các em rèn được kỹ năng viết số rõ ràng, thẳng cột, đúng hàng... Sao không để các em tự làm và cha mẹ cũng bớt được khoản tiền mua sách?”, phụ huynh đặt câu hỏi.
Nhiều giáo viên cho rằng, khi xây dựng, biên soạn chương trình và nội dung SGK, những người có trách nhiệm phải thỏa mãn được các yếu tố: chắt lọc kiến thức phù hợp với thực tiễn cuộc sống; phát triển kỹ năng cho HS; coi trọng thực hành, giúp HS thích ứng với thực tế, tránh hàn lâm, sáo rỗng; giúp HS tự khám phá, khai thác, tích lũy kiến thức theo nhận thức, phát huy sở thích, năng khiếu của mình.
Các giáo viên hy vọng trong thời gian tới, bộ SGK mới sẽ đáp ứng được những tiêu chí trên để phụ huynh không còn phải bỏ tiền mua mà HS không dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.