Sách giáo khoa ra đến trường, sao vẫn còn tranh cãi ?

20/10/2020 05:10 GMT+7

Nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên đồng ý rằng đã đến lúc cần có một 'quy trình vắc xin' cho sách giáo khoa để không còn xảy ra tình trạng 'sách ra đến nhà trường rồi mà vẫn gây tranh cãi' vì những phát hiện không phù hợp.

Trong bài viết trên Thanh Niên số ra ngày 19.10, PGS-TS-BS Nguyễn Hữu Toàn cho rằng đã đến lúc phải đưa ra một “quy trình vắc xin” cho sách giáo khoa (SGK), tức là đảm bảo các khâu “sản xuất” SGK phải tuân thủ các giai đoạn thẩm định nghiêm ngặt như khi công bố một loại vắc xin mới.

Không được sai, không được xấu

Nhiều bạn đọc (BĐ) tâm đắc với cách ví von rất trực quan này của tác giả Nguyễn Hữu Toàn. BĐ NPhong nhận xét “SGK không được sai, không được xấu là yêu cầu chính xác” và hy vọng “những người viết/biên soạn SGK đọc được những ý kiến này” với lời nhắn chân thành “nếu cảm thấy không đủ tầm, xin đừng làm hư tiếng Việt...”.
BĐ Duy Long Nguyễn Trường lưu ý rằng “chưa bao giờ một bộ SGK lớp 1 mới ra đời lại nhận nhiều phê phán gay gắt đến vậy”. Và dù vì bất cứ lý do gì thì điều đó “cũng đáng để Bộ GD-ĐT và các nhà thẩm định sách nghiêm túc lắng nghe, chỉnh sửa”. Tán thành, BĐ Thái Sơn Lý nhận xét “điều quan trọng là những người có trách nhiệm biên soạn phải hiểu đây là một nhiệm vụ cao cả, chứ không đơn thuần là một công việc”.

Đừng nghĩ viết SGK và dạy học lớp 1 là dễ. Đó là một sự hiểu lầm. Khai tâm mở trí cho những bé con lần đầu tiên đến một lớp học đúng nghĩa, sau những tháng ngày múa hát chơi vui ở mẫu giáo, không phải là một việc đơn giản. 

NGUYEN Jenny

Bên cạnh những ý kiến đóng góp cho các quy trình “thẩm định SGK như thẩm định vắc xin”, BĐ Cuong Tran Dinh đưa ra một nhận xét rất đáng suy ngẫm: “Tôi thấy vấn đề lớn nhất là tại sao các phản ánh về một số chi tiết không hợp lý trong bộ SGK Cánh Diều lớp 1 phần lớn đến từ các phụ huynh, mà không phải là từ các giáo viên - những người trực tiếp giảng dạy? Tại sao các giáo viên không thể, không muốn, hay không dám phản biện?”.
Cũng chính BĐ Cuong Tran Dinh cho rằng để tránh những tranh cãi không đáng có tương tự, Bộ GD-ĐT “cần sự tham gia phản biện thực chất của đội ngũ giáo viên…” ngay trước khi phê chuẩn một bộ SGK.

Cần sự giải đáp minh bạch

BĐ Binh Ngo ngạc nhiên vì “Từ bé, các em đã nghe được ca dao, tục ngữ qua những câu hát, câu hò. Sao không chuyển tải những nét đẹp Việt Nam đó thành câu chữ để dạy cho các em, mà phải phỏng tác từ các nền văn hóa khác?”, đồng thời lưu ý rằng các bộ SGK lớp 1 trước đó vẫn chọn thơ ca, ca dao, tục ngữ Việt Nam để các em làm quen các bài học vỡ lòng “thì nay sao lại phải thay đổi?”. BĐ Đinh thì đề nghị “Qua vụ việc này, liệu có cần rà soát tất cả các SGK môn khác, chứ không riêng môn Tiếng Việt, không riêng gì bộ sách Cánh Diều”.

Dù có thương mại hóa đến mức nào đi chăng nữa, các vị vui lòng nhớ mình đang kinh doanh trong lĩnh vực "dạy người". 

mu***@yahoo.com

Nói như BĐ Vietroad thì “suy cho cùng SGK cũng là công cụ giảng dạy”, và như vậy thì “không có loại công cụ nào vừa tay với mọi công nhân”. Điều đó cũng phù hợp với xu hướng có đồng thời nhiều bộ SGK để các trường học, các giáo viên chủ động lựa chọn.
“Nhưng tại sao một bộ sách có nhiều sạn như thế lại được nhiều trường lựa chọn đưa vào giảng dạy? Có khuất tất gì trong việc lựa chọn SGK?”, cũng chính BĐ Vietroad đặt câu hỏi, đồng thời yêu cầu “phải có sự giải đáp minh bạch”.

Nếu sách mới soạn còn có nhiều bất cập và sai sót thì có thể sử dụng những bộ sách giáo khoa cũ cũng được mà, mình thấy bộ sách cũ rất hay và ý nghĩa. 

ph***@gmail.com

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.