Trong vài năm qua, những tác phẩm phái sinh từ thần thoại Hy Lạp đã tạo nên làn sóng yêu thích trên TikTok. Các video bàn luận về 2 cuốn sách Trường ca Achilles và Circe của nữ tác giả Madeline Miller bất ngờ nhận được hàng tỉ lượt xem trên mạng xã hội này, giúp cô quay lại danh sách bán chạy sau một thập niên tiểu thuyết ra mắt. Cũng nằm trong làn sóng đó, các tác phẩm của Natalie Haynes về câu chuyện thành Troy (A Thousand Ships, tạm dịch: Một ngàn con thuyền) hoặc về Medusa (Hòn đá mù, tựa tiếng Anh: Stone Blind)... cũng có phản ứng tương đối tích cực.
Câu chuyện của những nữ nhân
Như tựa đề phụ Medusa - Những chuyện chưa kể, Hòn đá mù xoay quanh nhân vật vô cùng nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp với đầu rắn và có khả năng hóa đá người nhìn. Theo Biến thể của Ovid, Medusa là một trong 3 chị em nhà Gorgon. Khác với 2 chị vốn được miêu tả là thân rắn và có cánh, Medusa là người trẻ nhất, đẹp nhất và chỉ là một á thần, không được bất tử. Cô sống dưới sự đùm bọc của 2 người chị, đến tuổi 16 thì lọt vào mắt của thần biển cả Poseidon. Chịu sự uy hiếp, cô bị lăng nhục trong đền thờ của nữ thần Athena. Nhưng thay vì được cứu giúp, cô lại bị Athena trừng phạt, khiến cho mái tóc hóa thành rắn. Từ đó tác giả Natalie Haynes chuyển đổi góc nhìn, cho ta thấy rằng đôi khi thần tiên hay anh hùng cũng rất tàn bạo, cũng như đâu là tiêu chuẩn để gọi ai đó là một quái vật?
Cũng giống cách viết kể lại thần thoại như Madeline Miller, Natalie Haynes đã thổi vào cốt truyện cũ những góc nhìn khác, từ đó đem đến một nhãn quan mới để ta nhìn lại câu chuyện thần thoại mà không thay đổi cái kết. Trong tác phẩm này, bên cạnh Medusa, tác giả cũng kể nhiều chuyện về những người phụ nữ khác. Đó là những vị thần tối cao như Hera - vợ của thần Zeus, Athena - nữ thần trí tuệ, hay Gaia - nữ thần đất mẹ... nhưng đồng thời là những sinh vật mà các thần thoại vốn đã định sẵn là quái vật, như 3 chị em Gorgon, 3 chị em Graia - những tinh linh biển cả... Ngoài ra cũng có câu chuyện của những phàm nhân, như Cassiope - nữ hoàng xứ Ethiopia hay Danaë - mẹ của anh hùng Perseus, người mà sau này rồi sẽ lấy đầu của Medusa...
Qua các nhân vật, ta thấy muôn vàn cảm xúc của người phụ nữ đã được khắc họa. Với việc chuyển đổi linh hoạt ngôi kể cùng giọng văn có nhiều sắc thái, từ nghiêm trang, thương xót đến hài hước, giễu nhại..., Natalia Haynes đã giúp hiện lên cả sự ghen ghét, đố kỵ cũng như thương yêu, đùm bọc. Trong khi các thần trừng phạt ai đó vì lòng đố kỵ và sự tự mãn, thì 2 cô chị "quái vật" Sthenno và Euryale lại dành cho em gái mình tất cả yêu thương, khi biết Medusa không hề bất tử và rất mong manh. Qua nhiều dị bản dân gian, tác giả cũng đã khắc họa một Medusa nhạy cảm, tốt bụng, người đã hy sinh bản thân để Poseidon không làm hại những nữ tu phàm trần khi không chiếm hữu được tâm hồn cô...
Ngược lại với những nữ nhân, những người đàn ông trong tiểu thuyết này lại luôn thường trực một vẻ yếm thế. Chẳng hạn trong khi vị vua Acrisius e sợ những lời sấm truyền về việc cháu ngoại rồi sẽ tiếm quyền dẫn đến lưu đày con gái; thì vị anh hùng Perseus - người được lưu danh vì đã giết chết Medusa, cháu trai của ông - hóa ra lại đầy nhu nhược khi phải nhờ đến phép thuật của các vị thần cũng như cái đầu hóa đá của Medusa thì mới ghi danh được trong sử sách. Qua những góc nhìn tương đối mới mẻ, Natalie Haynes khiến độc giả sẽ phải suy nghĩ về cách ta tin và bị hào quang chi phối đến mức độ nào.
Bài học cho ngày hiện tại
Ra mắt vào năm 2022 đúng lúc làn sóng #MeToo bùng nổ trên toàn thế giới, Hòn đá mù cũng ngầm mang theo tầng nghĩa khác về sự lạm dụng cũng như góc nhìn của dư luận đối với nạn nhân và chủ thể gây ra hành động. Song song đó là những tác động và nỗi ám ảnh mà họ phải chịu. Không hẳn vô tình, câu chuyện từ nghìn năm trước vẫn còn giá trị, phản ánh những hiện thực vẫn đang xảy ra trong ngày hôm nay.
Theo đó trong thần thoại Hy Lạp, Zeus vẫn được biết như người đào hoa, người đã biến thành muôn hình vạn trạng chỉ để chiếm hữu những người phụ nữ ông thấy vừa mắt. Trong Hòn đá mù, Poseidon cũng làm như thế với Medusa. Nhưng bởi quyền lực như người đứng đầu đỉnh Olympus cũng như luận điểm đặc quyền đi cùng vị thế của những con đực vượt trội mà hành động ấy không bị lên án. Đối chiếu với hiện tại, những Zeus hay Poseidon có thể là bất cứ ai xuất hiện ngoài kia, sử dụng tiềm lực, sức mạnh để làm những việc không được đồng thuận.
Thế nhưng bất ngờ là chính những người phụ nữ như Hera hay Athena thay vì nhận thấy lỗi lầm đã được gieo rắc, thì lại trừng phạt những người bị hại - những người bị động, không có tiếng nói. Điều này cũng giống với một nghịch lý trong những câu chuyện về quấy rối và xâm hại, là việc thù ghét, đổ lỗi cho phía nạn nhân vẫn thường xảy ra. Trong lúc đó, nạn nhân ngày càng rơi vào những cơn sa sút, như Medusa, họ chịu nhiều tổn thương phải trốn vào tận "hang sâu" theo cả nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Cái chết của Medusa và sự trường tồn của khả năng hóa đá đã cho ta thấy rằng sự tổn thương vẫn luôn âm ỉ, hiện diện nơi đó, dẫu thời gian qua.
Bằng việc mang đến một nhãn quan khác đứng từ góc nhìn của người phụ nữ, Natalie Haynes không chỉ thổi thêm sức sống cho câu chuyện thần thoại, cho thấy được tầm quan trọng của người này mà cũng đồng thời gửi gắm bài học cho hiện tại, về cách ứng xử cũng như không thể im lặng cho những tiếng nói chịu nhiều đè nén.
Natalie Haynes (sinh năm 1974) là nhà văn, nhà báo, phát thanh viên và diễn viên hài độc thoại người Anh. Bà là tác giả của nhiều tựa sách hư cấu và phi hư cấu về thần thoại Hy Lạp, trong đó A Thousand Ships được đưa vào danh sách rút gọn của giải Women's Prize for Fiction 2020. Bà được Hiệp hội Cổ điển vinh danh vì góp phần đưa thần thoại đến gần hơn với đông đảo độc giả.
Bình luận (0)