Sách hay: Chuyện truyền thống ở làng Hành Thiện

19/10/2024 07:00 GMT+7

Trong bộ sách 2 tập Hành Thiện - ngôi làng hình cá chép: Huyền thoại và lịch sử, câu chuyện về những người con của làng Hành Thiện được kể rất dung dị, mà toát lên được truyền thống của làng.

Người Hành Thiện là thế

Nhà báo Nguyễn Quốc Phong, từng là Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, đã phỏng vấn nhiều nhân vật đương thời. Tuy nhiên, nhân vật trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, là nhân vật mà ông cảm kích nhất. Trong bài viết về tướng Thụy, ông Phong nói tới chi tiết vị tướng này từng được nhận Huân chương Sao Vàng. Khi đọc bản thảo, tướng Thụy cầm bút xóa từ "Huân chương Sao vàng" đi rồi nói, cái này ta gạch đi, nhiều thành tích quá, không cần.

"Biết bao người mà tôi tiếp cận, viết về họ nếu thiếu một chút thành tích, họ cũng nhắc khéo thêm vào, mà tướng Thụy thì... Điều đó làm tôi cảm kích nhất, qua đó tôi thấy rõ được nhân cách của người Hành Thiện quê tôi vốn khí khái và khiêm nhường ra sao", nhà báo Nguyễn Quốc Phong nhớ lại.

Sách hay: Chuyện truyền thống ở làng Hành Thiện- Ảnh 1.

Bìa tập 1 bộ sách Hành Thiện - ngôi làng hình cá chép: Huyền thoại và lịch sử

ẢNH: NVCC

Chuyện về tướng Đặng Quân Thụy là một trong những câu chuyện trong bộ sách 2 tập Hành Thiện - ngôi làng hình cá chép: Huyền thoại và lịch sử. Ngôi làng địa thế hình cá chép này có rất nhiều người tài, qua nhiều thời kỳ. Thời kỳ trung - cận đại, làng Hành Thiện có cụ Nguyễn Thiện Sỹ làm Giám sinh tại Quốc Tử Giám thời Lê, cụ lang Nguyễn Thúc Tài từng chữa bệnh cho vua… Thời hiện đại, làng càng có nhiều người thành đạt nổi tiếng. Trong đó có cố Tổng Bí thư Trường Chinh, bác sĩ Đặng Vũ Lạc - người từng mở bệnh viện tư lớn nhất toàn Đông Dương, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ - một trong 9 giáo sư đầu tiên được phong của chế độ VN Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân, giáo sư Đặng Xuân Kỳ…

Sử làng

Bộ sách do nhà báo Nguyễn Quốc Phong chủ biên này có nhiều bài viết của ông và một số người khác như PGS-TSKH Nguyễn Bích Đạt, cố PGS sử học Đặng Đức An, TS sử học Đặng Thị Vân Chi. Ông Phong cho biết: "Với các tác giả cùng viết chung, họ đều có những nghiên cứu quan trọng về Hành Thiện mà rất may mắn cho tôi, đó đều là những tác giả người trong làng".

Sách hay: Chuyện truyền thống ở làng Hành Thiện- Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Quốc Phong, nguyên Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, là chủ biên của bộ sách

Tập 1 bộ Hành Thiện - ngôi làng hình cá chép: Huyền thoại và lịch sử phần lớn là những bài báo ông Phong viết về mảnh đất con người, truyền thống lịch sử và văn hóa của làng Hành Thiện. Cũng có một số bài do tác giả biên tập lại bài viết của PGS Đặng Đức An, PGS Nguyễn Bích Đạt và người làng mà ông tâm huyết, hiệu chỉnh cho phù hợp. Qua đó, người đọc có thể hình dung nếp nhà, nếp làng ở Hành Thiện.

Tập 2 dành riêng để viết về những nhân vật nổi tiếng của làng với một chương giới thiệu 22 nhân vật thời trung - cận đại và một chương giới thiệu 42 nhân vật thời hiện đại. Tham gia tập này còn có TS sử học Đặng Thị Vân Chi (cũng người làng Hành Thiện) nhưng phần viết chủ yếu vẫn là của nhà báo Nguyễn Quốc Phong.

Viết một pho sử làng như bộ Hành Thiện - ngôi làng hình cá chép: Huyền thoại và lịch sử, ông Phong cũng phải đối diện khó khăn. Đó là làm sao để đạt độ chính xác vì có một xu hướng khi viết sử của dòng họ, địa phương là ai cũng muốn khen ngợi, viết về cái tốt của "nhà mình".

Về điều này, ông chia sẻ: "Cái khó với tôi chính là viết về các nhân vật nổi tiếng thời trung đại và cận đại vì sử liệu nhiều người không có bao nhiêu. Tôi lại không biết chữ Hán Nôm nên rất vất vả, phải nhờ người giảng nghĩa. Viết về hiện đại thì không quá khó trừ các nhân vật có thể nhạy cảm. Tôi phải tìm hiểu thêm từ người nhà, đồng hương cộng với hiểu biết có sẵn của tôi nhiều chục năm sao cho lúc viết tránh ngợi ca một chiều".

Về bí ẩn tâm linh làng có hình cá chép Hành Thiện, ông Phong cho biết nói cho có vẻ huyền thoại là vậy, nhưng thực tế lại khoa học. "Làng tôi được quy hoạch rất văn minh, từ đầu đến cuối xóm vuông vức như kẻ chỉ thì cả nước không thấy có nhiều. Rồi làng có nhiều người thành đạt cũng do làng có truyền thống hiếu học, nghèo đến mấy cũng đều quyết chí vươn lên từ học hành thi cử và thành danh, không chịu thua người", ông Phong nói.

Bộ sách 2 tập Hành Thiện - ngôi làng hình cá chép: Huyền thoại và lịch sử (ảnh) ra mắt vào hôm nay 19.10 tại Hà Nội. GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, đánh giá: "Theo dõi quá trình biên soạn địa chí của nhiều địa phương, tôi nhận thấy số lượng nhân vật nổi tiếng của làng Hành Thiện được giới thiệu trong sách thậm chí còn nhiều hơn và ấn tượng hơn nhân vật chí của nhiều tỉnh. Điều này xác nhận tầm thế hết sức đặc biệt của làng Hành Thiện, mà cũng khẳng định thành công nổi bật của cuốn sách".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.