Không phải đến triều Nguyễn "văn hóa về hoa cúc và mặt trời" mới thịnh hành mà ngay từ xa xưa, lịch sử từng ghi lại việc nước Chiêm Thành đã cho làm 3 đóa hoa bằng vàng dâng cống lên triều Lý (Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại vào năm 1117).
Phát hiện bất ngờ này đã gây hứng khởi cho ông Vũ Kim Lộc. Từ đó nhà nghiên cứu bắt đầu tìm đến các bài thơ văn tả hoa cúc của các vị vua, sư sãi, bởi hoa cúc được xem là đứng đầu trong các loài hoa và là biểu tượng của "ẩn sĩ".
Điển hình như danh tướng Trần Khắc Chung, người có biệt hiệu là "Cúc ẩn", đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, còn mượn hoa cúc để làm thơ kêu gọi mọi người ra phò vua giúp nước. Đến thời Nguyễn, vua Minh Mạng (1820 - 1841) ra quy định lấy mặt trời làm biểu tượng cho ngôi vua. Rồi hoa cúc được coi là biểu tượng của mặt trời tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…, càng hấp dẫn nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc đến với công việc viết sách.
"VĂN HÓA VỀ MẶT TRỜI - HOA CÚC" TRẢI DÀI HƠN 2.500 NĂM
Trong tác phẩm Mặt trời & hoa cúc - Biểu tượng vương quyền Việt Nam, ông Vũ Kim Lộc đi tìm sợi dây liên kết thú vị giữa hoa cúc và mặt trời từ thuở sơ khai Văn Lang - Âu Lạc, thường phổ biến trên trống đồng gắn liền với thời kỳ dựng nước của các vua Hùng - cho đến tận các vương triều về sau này.
Nhà nghiên cứu phát hiện rằng mặt trời không chỉ riêng thể hiện trên trống đồng, mà còn được trang trí trên nắp thạp (một loại hình được tìm thấy nhiều thứ hai sau trống đồng), rồi trên mặt khóa thắt lưng. Đặc biệt là trên một mũi giáo bằng đồng có đồ án trang trí rất thú vị: Bắt đầu là một hình mặt trời được rùa cõng trên lưng, tiếp đến là 2 hình voi, rồi lại một hình mặt trời được rùa cõng trên lưng. Tất cả đều được hướng đầu về mũi giáo. Điều này đã chỉ ra rằng các vật dụng khi được trang trí mặt trời là thuộc sở hữu của người có quyền lực. Riêng hình ảnh mặt trời ở trên mũi giáo còn ẩn dụ sức mạnh thiêng liêng của trời để giáng những đòn trời đánh vào quân xâm lược. Điều này lại càng củng cố thêm đó là biểu tượng quyền lực của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.
Sách đã dẫn phân tích: "Họa tiết "lông công" trên trống đồng Đông Sơn, qua xem xét cho thấy đúng là có phần giống một chút với lông công nhưng khác ở chỗ là hình chấm đó được bổ đôi. Trong khi ở "lông công" lại có hình gần như trái táo, và hình trái táo đó còn nằm trong hình giống như chiếc lá khá to, rồi mới đến các lông nhỏ như các tia".
"Nếu những phân tích của tôi trên đây về sự chuyển biến từ cái được gọi là lông công đến cánh hoa nêu trên là đúng, thì hình hoa trang trí trên trống đồng Đông Sơn không thể là loài hoa nào khác ngoài hoa cúc, và đây là một cách thể hiện về sự liên quan mật thiết giữa hoa cúc và mặt trời. Với những đặc điểm có nhiều hoa có cánh nhỏ tỏa ra, xen lẫn các tia thì có lẽ đây là cúc bất tử, và rất có thể với đặc điểm riêng biệt của loài hoa này mà các nghệ nhân xưa đã chọn để phối cùng mặt trời", tác giả Vũ Kim Lộc nhận định.
Qua nghiên cứu tiếp trên các di tích và di vật thuộc thời Lý - Trần, ông Vũ Kim Lộc phát hiện nhiều bằng chứng rất phong phú trong nhiều lĩnh vực cho thấy đây là thời kỳ bùng nổ "văn hóa về mặt trời - hoa cúc". Điều đáng nói là "văn hóa về mặt trời - hoa cúc" tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử của nước ta, từ nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc đến triều đại quân chủ cuối cùng là triều Nguyễn, luôn được tiếp nối và kế thừa.
Theo TS Trần Đức Anh Sơn: "Vũ Kim Lộc không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, hàn lâm, nhưng xem cách ông thu thập và phân tích các nguồn tài liệu thành văn và hình ảnh; cách chọn lọc, xử lý thông tin từ các nguồn tài liệu; cách phản biện ý kiến các học giả đi trước về vấn đề đang nghiên cứu; cách ông lý giải, đưa ra nhận định và đúc kết vấn đề liên quan đến chủ đề "mặt trời - hoa cúc", tôi thấy ông xứng đáng là một nhà "khảo cứu dân gian" đầy tâm huyết, trách nhiệm, luôn tìm tòi, phát hiện những vấn đề mới và đưa ra những kiến giải xác đáng liên quan đến lịch sử, mỹ thuật và văn hóa Việt Nam".
Với thời gian trải dài hơn 2.500 năm, ngoài là biểu tượng của quyền lực, mặt trời còn được lồng ghép với các trang trí hình hoa cúc mở ra một hướng đi mới cho nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc tiếp tục tìm hiểu về biểu tượng mặt trời - hoa cúc trong mỹ thuật cổ Việt Nam để thực hiện tâm nguyện "ngành văn hóa và lịch sử phải có cách ứng xử cho đúng với biểu tượng vương quyền Việt Nam".
Bình luận (0)