Sách hay: 'Vàng son một thuở...', từ sưu tập tư nhân vào sách

03/06/2023 07:21 GMT+7

Cuốn sách Vàng son một thuở - nơi cái chạm của quá khứ và hiện tại hội ngộ cho thấy nhiều hiện vật thuộc bộ sưu tập tư nhân.

Dòng chảy… ngà voi

Chiếc ấn rồng của vua Tự Đức được nhóm tác giả cuốn Vàng son một thuở - nơi cái chạm của quá khứ và hiện tại hội ngộ (NXB Thế Giới) chọn làm hiện vật mở đầu cuốn sách. Nhóm tác giả gồm: Huỳnh Thanh - Huỳnh Việt Anh Khang - Nguyễn Võ Trụ. Sách gồm 12 chương: Ấn chương, Chạm bạc, Bài ngà, Đồ cẩn ốc, Đồ ngà, Đồ sơn son thếp vàng, Đồ sứ, Nghiên mực, Chế phong, Pháp lam Huế, Tam khi, Đồ gỗ chạm. Các hiện vật trong sách đều thuộc sưu tập tư nhân.

Sách hay: 'Vàng son một thuở...', từ sưu tập tư nhân vào sách - Ảnh 1.

Bìa sách

NXB CUNG CẤP

Kèm theo hình ảnh từ nhiều góc độ, chiếc ấn rồng được mô tả có chiều cao 6,5 cm, dài 5,6 cm, rộng 5,6 cm, nặng 150 gr. Rồng trên ấn ngồi cuộn mình đầu hơi ngước lên, chân choãi, toát ra vẻ oai nghiêm, uy dũng. Phần đầu rồng được chạm nổi trên đỉnh đầu chữ Vương, cộng thêm chạm li ti tinh xảo của cặp sừng, đôi mắt giương to, miệng há nhẹ và đôi râu mềm mại vắt từ mũi chạm hàm dưới. Thân mình rồng có các lớp vảy xếp đều tăm tắp bằng lối chạm nổi đặc trưng. Về chất liệu, chiếc ấn được làm từ ngà voi hồng châu Á, qua thời gian có màu vàng phớt lên trên bề mặt.

Chiếc ấn này có minh văn ghi thời điểm tạo tác là ngày tốt tháng 6 năm Tự Đức thứ hai mươi sáu. Mặt ấn có 7 chữ, với đại ý "Soi vào phép tắc mà đã thành nếp (khuôn phép) mãi mãi không lầm lỗi". Nhóm tác giả cho rằng đây là lời răn của vua Tự Đức về quan niệm sống.

Sách hay: 'Vàng son một thuở...', từ sưu tập tư nhân vào sách - Ảnh 2.

Chiếc lồng chim xứ Huế quý giá

Điều thú vị được gợi ra từ chất liệu ấn rồng của vua Tự Đức này chính là chất liệu ngà voi. Trong sách, ở nhiều chương khác nhau đều có các hiện vật bằng ngà voi. Đó là rất nhiều ấn như ấn của Binh bộ Thượng thư quan phòng, ấn của Tuyên Quang đề đốc quan phòng, ấn ngà Thuận An phòng luyện quan phòng, Tư ấn giải trãi… Cũng có cả các thẻ bài dành cho quan lại bằng ngà voi như: thẻ của Đông Các Đại học sĩ, Hà Đông Tổng đốc, Hiệp tá Đại học sĩ, Lễ Bộ Thượng thư chính sự, Nội vụ phủ Thị Lang… Hiện vật ngà voi này vừa là thẻ thông hành, vừa như trang sức của các quan lại triều Nguyễn. Một số đồ ngà voi trong gia đình cũng được giới thiệu trong sách như đèn ngủ, khay trà, ống bút…

Các tác giả cũng giới thiệu về "văn hóa ngà voi" thể hiện qua các hiện vật thuộc sưu tập tư nhân này. Theo đó, thời quân chủ Việt Nam, ngà voi còn được đánh giá quý hơn vàng. Ngà voi có sắc hồng xuất phát từ châu Á lại càng được đánh giá cao. Qua nhiều năm, loại ngà này sẽ ửng lên màu thời gian và xuất hiện thêm ánh hồng xà cừ. Điều này ngà voi châu Phi không có được. Sách cũng cho rằng người Pháp đã tìm hiểu việc chế tác ngà voi của nước ta trong thế kỷ 18, tuy nhiên họ chưa thể chạm được vào bí quyết tìm ngà voi hồng này.

Sách hay: 'Vàng son một thuở...', từ sưu tập tư nhân vào sách - Ảnh 3.

Tủ gỗ chạm tứ linh

Hình ảnh trong sách

Vàng son nhìn lại

Ông Huỳnh Việt Anh Khang cho biết nhóm đã tìm gặp các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam để tìm hiểu về các hiện vật, so sánh tổng hợp với kiến thức thu được trong suốt quá trình sưu tầm cổ vật rồi thực hiện cuốn sách này. "Vàng son một thuở là một cái tên vốn dĩ đã mang nhiều sắc màu tiếc nuối về những gì đã qua của thời thịnh. Nhưng bên cạnh đó là "rót" lại những điều đẹp đẽ trong văn hóa truyền thống Việt Nam cách đây hàng trăm năm vào "chén" của người trẻ, để họ có thể thấm nhuần được vẻ đẹp, những điều tưởng chừng như đã biến mất khỏi dòng lịch sử", ông Khang cho biết.

Những câu chuyện trong sách không dài, tuy nhiên nó cho phép hình dung những quan điểm, những thú chơi công phu của một thời kỳ đã xa. Một trong số đó là thú chơi chim, nhưng lại lấy lồng làm chính. Với quan điểm đó, xứ Huế có những lồng chim đẹp, thậm chí phải làm vài năm mới hoàn thành. Tác giả mô tả "Lồng chim được tạo hình thành dáng của một cung điện với lối mái cong 2 tầng, 8 mái. Những nét hoa văn chạm từ ngà xuất hiện trên các lỗ thông phong của mái điện". Hay trên lồng có chạm "phụng hàm thư, chim phượng bay lượn trong mây, mang điềm lành và vận mệnh tốt đẹp"…

Sách hay: 'Vàng son một thuở...', từ sưu tập tư nhân vào sách - Ảnh 4.

Chiếc ấn rồng bằng ngà voi

Hình ảnh trong sách

Bản thân chiếc "móc" để treo của lồng chim cũng mang trong mình kỹ thuật đáng nể phục. Theo đó, phần móc hình chim phượng làm từ gỗ trắc đậu trên hồ lô với đôi cánh rời gắn lò xo kim loại. Khi chạm vào, đôi cánh sẽ nhẹ nhàng rung lên như lúc chim đang tung cánh. Với thế dáng thanh thoát, đuôi chim phụng vút cao được chạm thành móc của lồng, vừa nghệ thuật, vừa chịu được lực tốt.

Cũng có câu chuyện khiến người đọc sách thấy thực sự cần những cuốn sách thế này. Đó là khi một hiện vật quý lại bị đối xử không xứng như chiếc nghiên mực đá đen được cho là thời Lê. "Chúng tôi hữu duyên sưu tập được chiếc nghiên này từ vùng Hưng Yên trong một gia đình chuyên chơi cây cảnh. Họ đã không nhận ra được sự quý giá của nghiên đá nên đã dùng đáy nghiên như vật để mài dao. Điều này làm đáy nghiên có nhiều vết xước", cuốn sách có đoạn. Chiếc nghiên này, theo nhóm tác giả, chạm từ đá Đoan Khê, chạm cá chép hóa rồng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.