Sách nghiên cứu 'Tranh dân gian Huế' đắt hàng

14/01/2022 06:27 GMT+7

Cuốn sách Tranh dân gian Huế , với những tư liệu về văn hóa tranh làng Sình, tranh kính… đã bán hết sau 15 ngày mở bán.

Nhìn lại những dòng tranh

Dự án làm cuốn sách Tranh dân gian Huế của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa đã liên tục có biến động tư liệu. “Khi tôi đến làng Sình, thông tin lúc đầu là chỉ còn một nghệ nhân - ông Kỳ Hữu Phước, nhưng hóa ra không phải. Một thầy cúng trong làng đưa tôi đến gặp một nghệ nhân nữa chuyên làm tranh đồ thế (tranh thờ) và rồi họ lại giới thiệu thêm… Và Huế cũng không chỉ có tranh làng Sình, Huế còn tranh kính, tranh thêu…”, bà Hòa nhớ lại.

Tranh kính Cô chín Thượng ngàn

Tranh dân gian Huế

Cuốn Tranh dân gian Huế (NXB Thế giớiBảo tàng Gốm sứ Hà Nội cùng thực hiện) gồm 3 chương. Chương 1: Làng Sình và nghề tranh làng Sình trong không gian văn hóa tín ngưỡng Huế. Chương 2: Kỹ thuật sản xuất tranh làng Sình. Chương 3: Các dòng tranh dân gian khác tại Huế. Trong chương 3 này, tác giả giới thiệu tranh dân gian vẽ tay Huế, tranh dân gian gương kính Huế, tranh dân gian thêu Huế, tranh dân gian làng Chuồn, tranh dân gian bích họa, tranh bích họa, tranh phù điêu và tranh phù điêu đắp mảnh.

Điều thú vị là các dòng tranh dân gian Huế được giới thiệu không chỉ bằng những bức tranh mà bằng chính gốc văn hóa của bức tranh đó, sự liên kết của dòng tranh đó với văn hóa Huế. Theo sách Tranh dân gian Huế, thường sau khi lấy chồng, người ta mới bắt đầu thờ bà Bổn mạng. Tuy nhiên, việc thờ bà Bổn mạng với hình tượng nào sẽ được thực hiện tùy theo tính tình, công việc và độ tuổi của người thờ. Bà Bổn mạng trong tranh làng Sình cũng có nhiều biểu tượng tương ứng như: bà cưỡi voi, bà cưỡi phượng, bà cưỡi rồng, bà ngồi tòa sen…

Tranh làng Sình Bà Bổn mạng

Tranh dân gian Huế

Bà Hòa lý giải: “Phải mô tả văn hóa của tranh như thế thì cách nhìn về dòng tranh mới có chiều sâu. Nhìn hệ thống thần trong tranh làng Sình sẽ thấy văn hóa biển, văn hóa sông rất rõ nét. Bên cạnh đó, tranh làng Sình vẫn có văn hóa rừng nhưng văn hóa rừng nhạt hơn. Có điều đó vì điều kiện tự nhiên, hệ thống sông ngòi đầm phá chằng chịt ở Huế. Hay có thể thấy ảnh hưởng của đạo Mẫu trong tranh dân gian Huế. Trước kia, Huế từng có đạo quán được mô tả là một trong 20 cảnh đẹp ở Huế. Huế cũng có những bản chầu văn mà ở nơi khác không có”.

“Trục vớt” tranh và hỗ trợ làng nghề

Bà Hòa chia sẻ, nhiều bức tranh dân gian trong sách là do bà đặt các nghệ nhân làm lại theo đúng mẫu họ đã làm cách đây 30 năm. Đó là những bức tranh được in, được tô vẽ rất kỹ lưỡng, tuyệt đẹp. “Tranh làng Sình bây giờ không đẹp được như thế đâu. Họ in đơn giản và gạch màu vào thôi. Do biến động lịch sử, tranh làng Sình không còn đẹp như trước nữa. Điều này cũng làm nó kém cạnh tranh so với tranh in”, bà Hòa nói. Chính vì mất công như thế, nên cuốn Tranh dân gian Huế với các mẫu tranh đẹp, phân tích kỹ đã bán hết ngay trong 15 ngày.

Bìa sách Tranh dân gian Huế

NXB

“Xứ Huế còn tiềm ẩn nhiều hình thức nghệ thuật cung đình và dân gian khác, đó là bích họa và khảm gốm từng huy hoàng khắp các kiến trúc cung đình Huế. Chúng từng đổ nát bởi chiến tranh và sự hết thời của các chủ nhân hoàng gia, nhưng lại được phục chế sau khi UNESCO công nhận và xếp hạng di sản. Tranh thêu cung đình xưa rất cầu kỳ, đó còn là nghề tranh kính từng tạo nên những tuyệt phẩm trưng bày nơi cung điện và đền phủ xưa, dù mai một nhưng một số ít nghệ nhân vẫn kiên trì theo đuổi nghề”, bà Hòa cho hay.

Vì vậy, theo bà Hòa, rất cần những chính sách cho nghệ nhân. Hiện tại vẫn có nghệ nhân được hỗ trợ nhưng việc hỗ trợ cần mở rộng hơn. Có thể hỗ trợ bằng tiền lương tháng cho nghệ nhân, và cũng có thể hỗ trợ họ bằng máy móc công nghệ. “Bây giờ mộc bản của nhà đắt hàng tranh nhất cũng phải dùng mấy chục năm rồi, có thể hỗ trợ máy in để họ có thể in được nhanh, in đủ màu hơn. Có thế mới tồn tại được”, bà Hòa nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.