Sách Thương nhớ thời bao cấp gây 'sốt'

08/02/2018 07:06 GMT+7

Cuốn sách tranh Thương nhớ thời bao cấp do họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa thực hiện (Nhã Nam ấn hành) vừa ra mắt độc giả đã lập tức gây “sốt”.

Thương nhớ thời bao cấp tập hợp những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, những biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp, được thể hiện qua những bức vẽ của 2 họa sĩ - một người sinh ra trong thời bao cấp, một người lớn lên trong thời đổi mới.
“Những nét vẽ của anh Hữu Khoa bước ra từ ký ức rất sống động, còn tôi là sự tưởng tượng. Tôi phải nghiên cứu, sử dụng những tư liệu để xây dựng hình ảnh thời bao cấp, có thể rất khác so với hình ảnh của những người đã trải qua và cảm nhận về thời bao cấp. Điều đó không hẳn là sự bất lợi, mà cách nhìn của tôi sẽ là cách nhìn của người sinh sau thời bao cấp tưởng tượng về thời kỳ ấy”, họa sĩ Thành Phong chia sẻ. Hai họa sĩ làm việc độc lập, thể hiện phong cách riêng. Các bức vẽ không theo nguyên tắc chung, được thể hiện khi hài hước, khi chân thực, được vẽ với nhiều hình thức: truyện tranh, poster cổ động, tranh minh họa, biếm họa...
Một thời đoạn lịch sử với mọi ngóc ngách cuộc sống được hiện lên sinh động qua cuốn sách. Ở đó, người đọc thấy được những nhọc nhằn, gian khó: “Ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước”, “Bố lái xe lu, mẹ duy tu, để thằng cu đứng đường”, “Một yêu anh có may ô, hai yêu anh có cá khô ăn dần”, “Ai lên vũ trụ thì lên, còn tôi ở lại ghi tên mua mì”; những dí dỏm, hài hước trong suy nghĩ: “Cá không ăn muối cá ươn, chồng cãi lại vợ ra đường bơm xe”, và cả những bất cập: “Bộ xuống thì bộ rất thương, về đến nửa đường thì bộ đã quên”, “Bộ xuống thì sở mổ trâu, Sở lên, Bộ hỏi: đi đâu đấy mày?”, “Chân ngoài dài hơn chân trong”, “Đẹp trai thì mặc đẹp trai, cơ quan không tiếp tóc dài quần loe”... Bên cạnh những câu nói, cụm từ đã thuộc về quá khứ, nhiều câu nói, cụm từ vẫn được sử dụng đến tận bây giờ nhưng ít người biết nguồn gốc đã có từ thời bao cấp như Đặt cục gạch, Ăn cơm trước kẻng, Mì chính cánh…
Hình bìa cuốn sách Thương nhớ thời bao cấp
Ôn cố tri tân
Cuốn sách không chỉ đơn giản phác họa về một thời kỳ lịch sử mà còn dám nhìn thẳng vào những mặt trái, hệ lụy của bao cấp. Nói như GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cuốn sách để “ôn cố tri tân” (ôn cũ hiểu mới). “Thời bao cấp tuy đã lùi xa từ hơn 30 năm trước, nhưng nhiều hiện tượng mà các sáng tác dân gian trong tập sách này ghi lại vẫn còn thò bộ rễ thâm căn cố đế của nó sang làm phiền chúng ta trong cuộc sống hiện tại”, ông nhìn nhận. GS Thuyết lấy ví dụ như căn bệnh thành tích, hay cách tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự, đãi ngộ kiểu “con cháu các cụ”, thói cửa quyền, tham nhũng…
Cuốn Thương nhớ thời bao cấp ra mắt chưa đến 1 tuần, nhưng đã bán hết tại nhiều cửa hàng sách. Dễ thấy, những tác phẩm, sự kiện (sách, phim, triển lãm, chương trình…) nói về thời bao cấp đều thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng nhiều lứa tuổi. Thậm chí, các cửa hàng, quán cà phê có các vật dụng của thời bao cấp luôn được nhiều người lui tới.
“Những ai đã trải qua thời bao cấp thì nhớ rất nhiều. Thời bao cấp là thời kỳ thiếu thốn, thời của phân phối, của tem phiếu, thời mọi người sống theo một định mức chung của xã hội. Gian khổ, khó khăn, thiếu thốn đấy, nhưng hình như con người với nhau sống tình cảm, yêu thương và biết chia sẻ hơn bây giờ. Những triển lãm, hay cửa hàng, và giờ là cuốn sách như nhắc lại một ký ức, một quãng đời, một thời kỳ lịch sử, và cũng để những người đã sống qua thời đó như tôi được hoài niệm, nhớ lại một thời mình đã sống như thế”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.
Nguyễn Mạnh (Thái Hà, Hà Nội), một người trẻ thuộc thế hệ 8X (33 tuổi), nhận xét về cuốn sách: “Đọc câu Đẹp trai thì mặc đẹp trai, cơ quan không tiếp tóc dài quần loe, tôi biết thêm về trào lưu xã hội vào cuối những năm 1960, đầu những năm 1970. Nhưng từ đó, cũng có thể nhận thấy đất nước mình từng trải qua khoảng thời gian như thế cho đến ngày hôm nay như vậy đã có sự nỗ lực thay đổi về nhận thức rất lớn. Cuốn sách với tôi không chỉ để giải trí mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.