'Sách to giấy tốt còn xài được không'

03/06/2022 06:09 GMT+7

Một người thích làm thơ vui từ dân ca, ca dao, khi tức cảnh sinh tình về sách giáo khoa bộ mới , đã đọc hai câu thơ này:

“Gió đưa con buồn ngủ ba rài/Sách to giấy tốt còn xài được không?”

Tôi cười, nói với bạn: “Xài thì được, nhưng con mình không để sách cho em nó học được”.

Lý do cũng đơn giản. Một đứa học trong Nam theo một bộ sách giáo khoa (SGK) khác, một đứa học ngoài Bắc lại theo một bộ SGK khác. Hai bộ này lại chẳng ăn nhập gì với nhau cả, nên “có buồn ngủ cũng như không” thôi.

Làm SGK muốn “dân chủ hóa” thì cho phép làm nhiều bộ sách, nhưng làm sao để đừng chỏi nhau hay dù không chỏi thì phải kết nối kiến thức được với nhau, để các cháu học trò khi học bộ sách này không “kính nhi viễn chi” khi nhìn bộ sách khác.

Dĩ nhiên, địa phương cùng cấp tỉnh thì dùng cùng một bộ sách, nhưng nếu học giữa chừng phải theo cha mẹ về địa phương khác, phải học bộ SGK khác, thì sao nhỉ? Cuộc hành hương vĩ đại về quê của hơn 2 triệu người lao động nghèo vào cuối năm 2021 để tránh dịch và tránh... đói đã nói lên một điều: Những cuộc di dân vì lý do dịch bệnh hay đói khổ vẫn diễn ra trong thời đại 4.0 này.

Và với những gia đình phải “đánh đường về quê” như thế, thì tiền ăn hằng ngày còn không có, phải nhờ đồng bào hai bên quốc lộ ủng hộ, nói gì tới tiền mua SGK “vừa to vừa nặng lại... đẹp” nữa. Và rồi “hòn đá to, hòn đá nặng” lại đắt tiền, thì người nghèo khổ biết lấy đâu ra tiền để mua sách cho con học.

Có một bạn đã xa xót vì tình trạng SGK không thể sử dụng lại như những ngày còn chiến tranh khổ nghèo ngày xưa: “Rất tiếc là người làm sách đã không nghĩ đến học sinh thuộc gia đình nghèo khi chọn in giấy khổ to, giấy tốt, và chỉ dùng cho một lứa học sinh, lứa tiếp theo không dùng lại được”.

Chuyện ngày xưa một bộ SGK dùng vài chục năm, anh truyền cho em, cha truyền cho con, truyền cho cháu, là chuyện bình thường. Bộ GD-ĐT có biết người lao động nghèo ở nước ta còn chiếm bao nhiêu phần trăm không? Mua một bộ SGK “to và đẹp” lại đắt tiền như thế, người nghèo không thể ngay một lúc xòe tiền ra mà không nghĩ ngợi. Để có đủ tiền mua sách, họ phải tiết kiệm, tinh giảm đến cả miếng ăn, bữa ăn hay những chuyện không thể chi tiền thì không được.

Hãy nhìn vào thực trạng kinh tế của những gia đình công nhân nghèo ở đất nước ta, nội chuyện tăng mấy phần trăm lương tối thiểu, lương cơ bản mà phải bàn tính tranh cãi bao nhiêu ngày, mà tăng chỉ mấy phần trăm, thực tiền chỉ mấy trăm nghìn đồng, thì làm sao mua SGK “vừa to vừa nặng” được?

Làm SGK là để phục vụ học sinh, nhất là những học sinh nghèo, học sinh người dân tộc thiểu số nhà không có tiền, đến bữa chỉ ăn cơm với muối ớt đi học, chúng ta phải suy nghĩ sâu xa như thế để thấy, ngành giáo dục là nơi có thể làm tỏa sáng định hướng XHCN, chứ không phải làm tắt đi hy vọng đi học của con nhà nghèo, con em dân tộc thiểu số.

Ai cũng biết bây giờ không có học thì không mong đổi đời, không mong thoát nghèo. Nhưng ngay từ khởi đầu là SGK mà phụ huynh đã phải băn khoăn mua với giá đắt, học xong một năm lại bỏ, thì bao giờ giấc mơ thoát nghèo mới thành hiện thực?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.