Người Việt mê đọc sách, điều này hiển nhiên nhưng chỉ TP.HCM mới là thị trường lớn trong giao thương, kinh doanh sách. Con số doanh thu 2,5 tỉ đồng ngay ngày đầu khai mạc Hội chợ sách 2014 TP.HCM đã cho thấy một tín hiệu lạc quan.
Những ngày này, công viên Lê Văn Tám tấp nập người ra kẻ vào, ai nấy cũng tay xách nách mang là… sách. Không chỉ được tìm mua những tác phẩm mới, được chiết khấu đến 25% mà còn là cơ hội giao lưu, gặp gỡ, hội thảo chủ đề liên quan đến các lĩnh vực bạn đọc và người viết sách cùng quan tâm.
Trước đây, tôi chưa thấy ông nhà văn lừng danh nào của Việt Nam xây dựng mẫu nhân vật doanh nhân mê sách. Hầu như nói đến doanh nhân, lập tức ta chỉ nghĩ thiển cận rằng, đam mê duy nhất của họ chính là tiền. Suy nghĩ này đã lạc hậu. Thời buổi này, các doanh nhân đã khác trước, họ thừa thông minh, trí tuệ và sự khôn ngoan để ý thức rằng, nếu muốn làm giàu không thể không đọc sách. Hơn cả thế, từ những gì đã đọc, học ở sách, họ còn muốn truyền cảm hứng, bài học mà mình đã trải nghiệm đến người khác nữa.
Không phải ngẫu nhiên, cũng tại hội sách lần này, đã có nhiều sự kiện tương tác với bạn đọc như giới thiệu những giáo trình mới nhất giúp người trẻ vượt qua các kỳ thi TOEIC, cách lựa chọn ngành nghề, nghệ thuật xây dựng giàu có và hạnh phúc trọn vẹn… Những người đứng trên diễn đàn chính là các doanh nhân, nhà giáo dục, CEO… Không ít người cho biết, sự thành công của họ chính là từ những trang sách đã đọc. Sự tương tác này lý thú, hữu ích bởi cả hai đối tượng cùng có chung một tình yêu dành cho sách.
Điều thú vị là qua hai lần trao giải Sách được bạn đọc yêu thích nhất do Fahasa tổ chức, một trong những cuốn sách được chọn vẫn là Tôi tài giỏi, bạn cũng thế của tác giả Adam Khoo. Cuốn sách này chia sẻ những phương pháp và kỹ năng của một đứa trẻ bị coi là “bất tài”, “vô dụng”, “học kém” đã vươn lên trở thành một trong những triệu phú trẻ ở Singapore. Rõ ràng, độc giả tin rằng, sách chính là chìa khóa vạn năng để họ có thể tự tìm được câu trả lời từ những người thầy thông minh nhất bởi đọc sách cũng là một phương pháp tự học.
Trong lịch sử kim cổ đông - tây, tôi chưa hề thấy một người bình thường nào có thể trở thành vĩ nhân, nếu họ không đọc sách. Thậm chí, nhiều người sống hữu ích trên đời, phần lớn cũng chính từ sự giáo dục của các trang sách mà họ đã đọc. Còn nhớ cổ nhân có nói, đại khái, quân tử một ngày không đọc sách, soi gương thấy mặt nhọ nhem. Cách nói ngộ nghĩnh này cho thấy, nếu không đọc sách họ khó có thể tiếp cận những thông tin mới nhất. Các ông Vương Hồng Sển, Toan Ánh, Nguyễn Hiến Lê… sở dĩ viết được nhiều công trình khảo cứu giá trị - như chính họ cho biết đó là nhờ cần mẫn đọc và ghi chép mỗi ngày.
Lâu nay, hội sách mở ra nhằm quảng bá thương hiệu của các đơn vị làm sách, tất nhiên, còn có cả việc kinh doanh và lợi nhuận nữa. Nhưng có lẽ điều cốt lõi và quan trọng nhất vẫn là tạo lại thói quen đọc sách của mỗi người. Những ngày qua, tại hội sách tôi đã tận mắt thấy cả rừng người lặng lẽ, trầm tĩnh cúi đầu, săm soi, lật từng trang sách. Hình ảnh này ấn tượng bởi đọng lại trong tôi một thế hệ trẻ đam mê làm giàu tri thức từ sách.
Khi vào đời, lúc lập nghiệp không phải bất kỳ câu hỏi nào cũng được thế hệ đi trước hướng dẫn, giải đáp thỏa đáng, nhưng sách có thể làm được. Sự phong phú của gần 200 đơn vị sách tham gia với hơn 500 gian hàng, 200.000 tên sách với hơn 20 triệu bản sách đã khẳng định điều đó.
Một nhà hiền triết đã nói rằng: “Nếu có được quyền lực, tôi sẽ lấy sách gieo khắp trái đất như người nông dân gieo hạt trên luống cày vậy”. Hành tinh này tươi thắm một màu xanh từ sách, thử hỏi, chẳng phải hạnh phúc trường cửu mà con người muốn đạt đến hay sao?
Lê Minh Quốc
>> Bài toán kinh tế tại Hội chợ sách TP.HCM
>> Hội chợ sách và giao lưu với tác giả nổi tiếng
Bình luận (0)