Sách về người hiền tài Quảng Ngãi

25/04/2019 06:27 GMT+7

70 nhân vật được đề cập trong sách, có người sinh ra ngay tại vùng đất này nhưng cũng có người từ nơi khác đến trong thế kỷ 15 - 17, là những hiền tài nổi tiếng.

Sau nhiều tác phẩm biên khảo có giá trị: Hương ước Quảng Ngãi (viết chung với GS Vũ Ngọc Khánh), Hoài niệm những guồng xe, Cẩm thành cố sự, Thiên Ấn nhàn đàm, Biển đảo VN - Biển đảo Quảng Ngãi, 12 thắng cảnh Quảng Ngãi…, nhà báo - nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh (hội viên Hội Khoa học Lịch sử VN, hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi) vừa cho ra mắt tập sách quý Nhân vật Quảng Ngãi thế kỷ XV - nửa đầu thế kỷ XX do Hội VHNT Quảng Ngãi ấn hành.
70 nhân vật được đề cập trong sách, có người sinh ra ngay tại vùng đất này nhưng cũng có người từ nơi khác đến trong thế kỷ 15 - 17, là những hiền tài nổi tiếng: Phạm Quang Ảnh, Phan Long Bằng, Trần Cẩm, Lê Đình Cẩn, Trương Quang Cận, Nguyễn Văn Chước, Võ Hàng, Thái Thú, Hoàng Công Thiệu, Bùi Tá Hán, Lương Công Nghĩa, Lê Quang Đại, Nguyễn Bá Nghi… Một số nhân vật còn gắn với sự phát triển của một số địa phương khác: Trương Định, Trần Công Hiến…, chưa kể Lê Văn Duyệt, Trương Đăng Quế còn gánh vác trọng trách quốc gia.
Tên tuổi Hồ Quý Ly - vị vua mở đầu triều nhà Hồ và Lê Thánh Tông - người đưa vùng đất thuộc đạo thừa tuyên Quảng Nam cũ (từ Quảng Nam đến Bình Định ngày nay), trong đó có Quảng Ngãi trở thành một bộ phận vĩnh viễn của VN thống nhất kể từ năm 1471, được đưa lên đầu tập sách đã nói lên sự trân trọng của tác giả dành cho hai nhân vật có vị trí đặc biệt, khởi đầu cho một giai đoạn mới của vùng đất Quảng Ngãi nói riêng và lịch sử VN nói chung.
Qua cuốn sách tâm huyết, nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh còn cung cấp cho độc giả những tư liệu độc đáo về 5 tiến sĩ người Quảng Ngãi thời Nho học, gồm: Trương Đăng Trinh, Kiều Lâm, Tạ Tương, Đỗ Quân, Lê Ngải và 6 Phó bảng: Nguyễn Bá Nghi, Lê Thúc Đôn, Đỗ Đăng Đệ, Võ Duy Thành, Lê Văn Vịnh, Phạm Văn Hành. Tình sử Cần Vương đẹp và bi tráng của bà Trịnh Tuyết Anh và ông Nguyễn Bá Loan, hay thử vén bức màn bí ẩn lịch sử của Ba người đồng hương Trương Đăng Quế, Đỗ Thúc Tịnh và Trương Định… là những trang viết làm người đọc xúc động. Cuốn sách còn có câu chuyện ly kỳ về hai bia mộ do chính Trương Đăng Quế tạo lập, đặt tên và tự viết vào mùa xuân năm Tự Đức thứ 6 (1853), nhân dịp ông được vua cho phép về thăm quê nhà, sửa sang phần mộ cho song thân…
Có thể nói, Lê Hồng Khánh đã viết cuốn sách trong niềm cảm xúc và tự hào dạt dào về quê hương núi Ấn sông Trà, một vùng quê sản sinh và nuôi dưỡng nhiều hiền tài là “nguyên khí quốc gia”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.