Bản thảo từ bàn viết ra luôn nhà in
Để có một cuốn sách đến tay độc giả, tác giả, dịch giả của nó phải làm việc trí óc rất mệt nhọc. Nhà văn nhà thơ thì gia công cốt truyện, câu chữ, tình tiết; nhà nghiên cứu, phê bình thì so sánh, đối chiếu, nghiền ngẫm, cân đo đối tượng mà xếp đặt… Chưa hết đâu, để bản thảo thành hình, đa phần phải viết tay chứ không phải ai cũng có máy đánh chữ để "mổ cò" ra bản thảo. Lấy Vũ Ngọc Phan viết Nhà văn hiện đại làm ví dụ.
Ông tâm sự bộ sách này được viết từ tháng 12.1938 đến tháng giêng năm 1940 thì xong lượt đầu, hết 1.650 trang giấy học trò. Về khoản tư liệu dùng để viết là 50 cuốn sổ tay Vũ Ngọc Phan ghi chép về văn học VN và nước ngoài, lịch sử VN, Pháp, Đức, Ý, Anh, Trung Hoa, Nhật Bản. Thêm khoản tư liệu từ báo chí ở thư viện. Sau đó còn chỉnh sửa, viết bổ sung nên tháng 12.1942 mới xong. Khi sách đem in bị kiểm duyệt gạch bỏ một số chỗ, phải ráp nối lại.
"Tôi làm việc một mình trong phòng trên gác từ 6 giờ sáng đến 1 giờ trưa, chiều từ 2 giờ rưỡi đến 6 giờ; tối từ 8 giờ đến 11 giờ. Thường thì buổi tối tôi đọc các tác phẩm, tìm tư liệu và đọc báo. Làm luôn hai tuần lễ, rồi nghỉ ba ngày". Lịch trình làm việc này là tác giả đã chuyên tâm hoàn toàn vào tác phẩm, nhờ có vợ quán xuyến các công việc. Nhiều tác giả khác, còn phải lo đủ thứ việc như làm việc công sở nếu là công chức, hoặc viết báo để kiếm sống…
Bản thảo của tác giả, dịch giả phần đa không đánh máy mà đưa thẳng từ bàn viết tới nhà in. Thợ xếp chữ đọc bản thảo xếp chữ vào khuôn để thực hiện in. Theo Nguyễn Công Hoan, "nhiều bản thảo viết lem nhem, tháu, gạch, xóa, ngoèo thêm ra biên giấy, vân vân, rất khó đọc. Nhưng thợ xếp chữ vẫn làm được như thường". Ngọc Giao khi nói về in ấn dạo ấy trong Hà Nội cũ nằm đây cũng tương đồng ý ấy: "Hồi đó bản thảo đưa in đều là bản thảo viết tay chứ không phải bản thảo đánh máy như bây giờ, thợ sắp chữ xong là vứt vào sọt rác đốt đi ngay".
Sống mòn là tiểu thuyết gắn với tên tuổi Nam Cao. Nhưng để được diện kiến đông đảo độc giả, bản thảo này với tên ban đầu là Chết mòn đã phải nằm im chờ thời chứ không phải thuận lợi như Đôi lứa xứng đôi. Tô Hoài cho hay: "Tiểu thuyết Chết mòn dài mấy trăm trang, vào thời buổi khó khăn 1943, 1944, cũng chẳng nhà xuất bản nào mà hỏi đến".
Nâng niu như báu vật
Ngày nay độc giả được đọc những Phan Bội Châu niên biểu, Khổng học đăng, Chu Dịch dẫn giải của nhà yêu nước Phan Bội Châu. Nhưng để những sách ấy được xuất bản, sự giữ gìn bản thảo, tài liệu của nhà yêu nước thậm vất vả. Viết Phan Bội Châu niên biểu, cụ Phan thường viết vào quyển vở học chữ Hán của trẻ con khi một mình ở trên thuyền, "cứ lộn lại từng trang mà viết mặt trái, viết xong rồi lại lộn trở lại như trước và đóng lại như hình thức cũ để người ta không để ý".
Sau khi cụ Phan mất, đến năm 1957 sách mới được in ra. Còn hai bản thảo Khổng học đăng, Chu Dịch dẫn giải cụ viết xong có nhiều người đã chép lại. Đào Duy Anh còn nhớ "Bản của tôi cũng như các bản của mấy người ở Huế mà tôi được biết đều đã mất cả. May sao bản của người quen tôi ở Sài Gòn hay bản của một người nào khác ở trong Nam đã chép không bị mất trong chiến tranh, nên sau này đã được dịch và in ở Sài Gòn", hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm ghi.
Khi sách tái bản, tác giả, dịch giả dùng chính bản sách trước đó, sửa chữa để khi tái bản bổ sung cho tiện lợi. Vương Hồng Sển kể lại sách của Trương Minh Ký có cuốn in bài Cổ Gia Định vịnh xuất bản năm 1882, "quyển nầy có chữ ký của cụ Trương Minh Ký, thêm thủ bút chữ son (viết chì đỏ) gạch bôi và sửa chữa nhiều chỗ. Cụ định tái bản chưa kịp thì từ trần". Không rõ cụ Vương Hồng Sển có nhầm với Trương Vĩnh Ký không, vì năm 1882, sách Cổ Gia Định phong cảnh vịnh và sách Kim Gia Định phong cảnh vịnh do Trương Vĩnh Ký chép ra Quốc ngữ và dẫn giải đều được xuất bản năm 1882.
Với bản thảo viết tay của mình, Lan Khai còn thuê nhà Trung Ký đóng thành sách thật đẹp để lưu giữ. Cách đối xử với bản thảo của Vũ Trọng Phụng lại rất đáng trân trọng khi lưu giữ bản thảo càng thấm dầu mỡ nhà in, dấu tay thợ sắp chữ càng quý. Ngọc Giao nhớ Vũ Trọng Phụng đã nhờ đưa đến Nhà in Tân Dân. Tại sọt đựng giấy, Vũ Trọng Phụng đã lục tìm lại những tờ giấy viết tay bản thảo Trúng số độc đắc của mình có dấu tay của thợ sắp chữ đem về. Khi Vũ Trọng Phụng mất, Ngọc Giao đặt đầu nhà văn quá cố lên những tờ bản thảo ấy theo lời dặn.
Tại cuộc triển lãm sách báo quốc ngữ ở nhà sách Nguyễn Khánh Đàm năm 1942 tại số 12 Sabourain, Sài Gòn (nay là đường Lưu Văn Lang, Q.1, TP.HCM), đã trưng bày cả những bản thảo viết tay của nhiều tác giả, cho người thưởng lãm thấy được sự khổ cực của những người theo nghiệp viết lách, phụng sự nhân quần xã hội bằng ngòi bút: "Một cái bàn nhõ [nhỏ], trên bày nhửng [những] trang viết bằng tay nào cũa [của] Ng [Nguyễn] Công Hoan, Nguyễn Tuân, Đổ [Đỗ] Đức Thu v.v… làm cho tôi như tê mê để vuốt nhửng [những] mãnh [mảnh] lụa đó, để nhìn những hình tự tay tác giã [giả] vẻ [vẽ], hay thêu".
(còn tiếp)
Bình luận (0)