Sãi cả hết lòng vì cộng đồng

04/01/2014 09:33 GMT+7

Cả cuộc đời, hòa thượng Chau Kắk, Phó trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, luôn hết lòng vì sự phát triển của cộng đồng dân tộc Khmer.

 Hòa thượng Chau Kắk
Hòa thượng Chau Kắk bên công trình hồ chứa nước ngọt do người dân góp tiền xây dựng - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Xây hồ chứa nước cho dân

Trái với vẻ yên tĩnh, trang nghiêm mọi khi, ngôi chùa Mỹ Á (xã Núi Voi, H.Tịnh Biên, An Giang) mấy tháng nay liên tục có những chuyến xe tải chở cát, đá, xi măng ra vào; xe xúc đất hoạt động nhộn nhịp. Chị Neáng Thị Thi hồ hởi nói: “Dạo này xóm mình vui lắm. Sư thầy đang cho xây dựng hồ chứa nước. Nghe đâu khi hồ làm xong có thể chứa nước cho mấy xã liền kề xài suốt mùa khô”.

 
Tôi mở lớp xóa mù chữ để các em giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc và có thể đọc những kiến thức người xưa để lại”.
Hòa thượng Chau Kắk

Hồ chứa nước rộng 5.200 m2, sâu 3,5 m, được xây kè bê tông kiên cố, với tổng kinh phí đầu tư gần 2 tỉ đồng. Đây là một trong những hồ chứa nước do đồng bào Khmer tự đầu tư lớn nhất tại ĐBSCL. Người đứng ra vận động quyên góp, xây hồ chứa nước này là hòa thượng Chau Kắk, Phó trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, trụ trì chùa Mỹ Á. “Công trình cần nhiều tiền nên mình có đến đâu làm đến đó. Tới mùa mưa sẽ xong phần đáy và bắt đầu tích nước; còn hệ thống kè, bờ hồ làm sau cũng được. Chắc chắn mùa khô năm sau, bà con ở đây sẽ không còn cảnh đi chở từng can nước hay phải xài nước giếng có nghi nhiễm chất độc hại nữa”, hòa thượng Chau Kắk cho biết.

Không ngừng làm việc thiện

Suốt mấy chục năm qua, hòa thượng Chau Kắk liên tục làm những công việc có ích, góp phần nâng cao đời sống bà con đồng bào dân tộc Khmer. Bắt đầu vào chùa tu từ năm 7 tuổi, đến năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Chau Kắk quyết định xin cha mẹ được ở lại chùa Mỹ Á, chính thức gia nhập vào con đường nhà Phật. Được các bậc sư thầy truyền dạy kiến thức, hòa thượng Chau Kắk có hiểu biết sâu rộng về Phật học, đạo pháp Phật giáo Nam tông; thông thạo cả chữ Phạn, chữ Khmer lẫn tiếng Việt. Sau nhiều năm chuyên tâm học đạo, học chữ, đến khi sư thầy trụ trì chùa Mỹ Á viên tịch, vị sư trẻ Chau Kắk chính thức tiếp quản vị trí đó và bắt đầu làm nhiều việc giúp đời.

Hôm chúng tôi đến thăm chùa, các bằng khen, giấy khen, bảng ghi công đức… được treo trang trọng bên hàng hiên chính điện đã phần nào minh chứng cho những cống hiến của hòa thượng Chau Kắk. Ông là người đi tiên phong trong việc mở lớp dạy chữ Phạn và chữ Khmer ở An Giang. Theo truyền thống của người Khmer, con trai lớn lên sẽ vào chùa tu báo hiếu. Tuy nhiên, phần lớn các em ở chùa chỉ nói được chứ không biết mặt chữ Khmer. “Tôi mở lớp xóa mù chữ để các em giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc và có thể đọc những kiến thức người xưa để lại. Dạy tiếng Phạn vì kinh nhà Phật đều viết bằng thứ tiếng này. Nếu không biết thì làm sao đọc kinh kệ, hiểu được sự răn dạy của đạo pháp”, hòa thượng Chau Kắk chia sẻ. Người biết chữ dạy người chưa biết, người đi trước dạy người đi sau… Cứ thế gần 20 năm nay, hầu hết những thanh niên đồng bào dân tộc Khmer các xã Núi Voi, Tân Lợi, thị trấn Chi Lăng và những phum, sóc phụ cận vào tu học ở chùa Mỹ Á đều được xóa mù chữ Khmer.

Bên cạnh việc dạy học, hòa thượng Chau Kắk còn vận động phật tử đóng góp tiền của, công sức sửa chữa và mở nhiều con đường mới trong vùng. Chẳng hạn con đường liên ấp dẫn vào chùa, ngày trước chỉ là con đường mòn nhỏ, quanh co, mùa mưa lầy lội; giờ đã được mở rộng, xe ô tô ra vào thuận tiện. Khi chúng tôi hỏi từ trước đến nay đã đóng góp làm bao nhiêu con đường, hòa thượng Chau Kắk cười hiền: “Mình làm vì bà con nên nhớ công, nhớ của làm chi”.

Nguyễn Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.