Sài Gòn 20 - 50 - 22

04/01/2020 06:26 GMT+7

1. Giây phút thấy anh qua mạng xã hội , em biết mình đã thích con người này rồi. Em có thêm lý do để mong đến Sài Gòn gặp mặt. Em vừa háo hức vừa bồi hồi như cảm giác lật giở tờ báo có đăng bài viết của mình.

Quán cà phê sân vườn nằm khiêm nhường giữa lòng phố, nơi em sẽ thấy anh chàng phục vụ tất bật nhưng luôn mỉm cười thân thiện. Mỗi lần xuất hiện, em tự nhủ mình phải thật ổn, thưởng thức món đồ uống quen thuộc, đọc tờ báo yêu thích và thỉnh thoảng nhìn (lén) anh. Chỉ vậy thôi!
Cho đến một ngày, em thấy chi tiết nơi ngón áp út của anh, đủ để em hiểu rằng, dù hình ảnh anh trong mắt em thật vừa vặn, nhưng biết chắc mình đã là người đến sau. Đối với em năm 20, ngần ấy giây phút tha thiết, từng đặt trọn niềm tin yêu hướng về phía một người cũng đã đong đầy cảm xúc.
2. Bẵng đi, chẳng có dịp hay cớ gì để ba lên Sài Gòn làm chi nữa. Thỉnh thoảng, những lúc nông nhàn, ba ngồi vọng nhớ phố. Góc chộn rộn hồ Con Rùa, nơi ba đợi con ghé tòa soạn Báo Mực Tím để lãnh nhuận bút. Ba bắt gặp loanh quanh bao biển số xe tỉnh lẻ. Ba cũng từng nghĩ, hay là dứt áo lên phố để mưu sinh. Nhưng đã 50 năm cuộc đời, cứ quanh quẩn thôn quê chân chất, xà quần với đủ thứ việc, gom góp tiền để thỉnh thoảng lên Sài Gòn, mua cho con ít sách báo, uống ly cà phê, ăn tô phở rồi lại vòng về bệnh viện nhận kết quả xét nghiệm, thuốc men, đó mới là thứ quan trọng nhất mỗi chuyến đi.
Căn bệnh đang mang khiến con chẳng thể đi học xa nhà hay đi làm như người ta. Con tựa như cánh diều bị mắc phải lũy tre làng. Con chỉ loanh quanh bên cha mẹ, phụ giúp việc nhà, mùa màng, cơm nước… Thấy con tìm niềm vui trong văn thơ, kiến thức từ sách báo. Con tập tành viết lách và cũng có thành quả đầu tay. Lần đầu ba biết thứ gọi là “nhuận bút” được con gái rượu lĩnh về từ tòa soạn trên Sài Gòn. Ba mừng khi thấy con ham mê con chữ, như thay phần ba mẹ nông dân học ít. Con bảo, dù không có duyên may được lên Sài Gòn đi học như bạn bè nhưng con có duyên được làm con của cha mẹ, đã hiểu con, hiểu cả một đời.
Nhưng rồi cũng đến lúc, ba chẳng còn có thể đưa con lên thăm Sài Gòn. Ba muốn chiều chuộng đứa con gái thiệt thòi những cũng không còn cơ hội. Để giờ ở chốn quê, ba lại vọng nhớ những góc phố Sài Gòn, với nỗi đau thương mất mát mãi để lại trong lòng.
3. Đến lúc ngồi viết những dòng về em! Tôi vẫn nhận định chắc chắn rằng, em là một cô bé thông thái nhất tôi từng tiếp xúc. Em cùng tôi lớn lên giữa quê nhà, nhưng em có vốn hiểu biết về tự nhiên khiến tôi cũng thấy “nhột”. Em rất chăm đọc. Đọc đủ thứ trên đời.
Cách đây vài năm, tôi lên Sài Gòn với đầy ắp niềm tin và hy vọng. Đáng tiếc, điều kiện sức khỏe không cho phép em có thể thực hiện điều tương tự.
Có lần em tâm sự, chuyện tình cảm đang thích một người trên thành phố. Tôi hời hợt bảo, quen biết qua mạng thì chắc chẳng đi tới đâu đâu.
Có đôi lần nhận được cuộc gọi nhỡ, gọi lại thì biết hai cha con em đã tìm thấy đường đi ở Sài Gòn.
Năm 22, tôi hối hả với công việc, tập trung khẳng định bản thân. Cho đến một hôm, mẹ nhắn, em đang nhập viện. Tôi hẫng người, gọi điện hỏi thăm nhưng chỉ nghe tiếng cha nghẹn ngào, còn em đã yên lặng, từ đó.
Tôi sực nhớ ra, suốt mấy năm ròng, em rong ruổi lên Sài Gòn khám bệnh, mà tôi cứ “lần lữa” hoài, để rồi gặp lại em trong hoàn cảnh quá đặc biệt, tại tuyến cuối Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tôi sực nhớ ra, dù hai chị em từng chung một thành phố, nhưng tôi vẫn chưa kịp đưa em đi đây đó, cho biết Sài Gòn… thì rốt cuộc, tôi sẽ gặp lại em trong tình cảnh nhói lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.