Mạ tôi dặn kỹ càng, lên xe nhớ ôm chặt ba lô, xuống bến xe phải điện anh tới đón, cẩn thận nhìn trước ngó sau, chứ thành phố phức tạp, thấy mình nhà quê là người ta lừa ngay. Một chữ "lừa" tôi đinh ninh vào suy nghĩ, rằng bến xe Sài Gòn lắm người lừa kẻ lọc. Chao ôi, phố này đất thênh thang, nhà san sát, người đông đúc, mà chữ "lừa" mạ tôi dặn nghe cũng mênh mông và bát ngát quá trời.
Đứng một mình giữa bến xe dưới cái nắng đang xối thẳng làm cong queo xác lá, tôi ôm khư khư cái ba lô và một thùng xốp chất đầy quà quê của mạ gửi vô cho anh. Tôi làm vậy chẳng khác nào tự thú nhận trước bàn dân thiên hạ, rằng mình là người nhà quê mới lên phố. Cứ một vẻ quê mùa mà trưng phô giữa đô hội.
Có chú đang nằm gác chân lên đầu của chiếc xe Dream cũ, tay phe phẩy cái mũ tai bèo, gọi vọng lại: "Nhỏ, vào đây đứng cho đỡ nắng, nắng vậy đau đó nghen". Tôi rón rén vào bóng cây bên chú, ngồi xuống nghỉ mệt, tay vẫn ôm chặt cái ba lô. Chú hỏi: "Nhỏ ở quê lên phố phải hông?". Tôi dè dặt "dạ". Một chữ dạ nghe ngắn củn vậy mà chú cũng đoán ra được quê tôi, chú bảo: "Nhỏ người Huế hả, chèn ơi, ngoải chắc đẹp lắm ha?". Tôi yêu Huế, yêu quê, chú bắt đúng mạch nói chuyện của tôi, vậy là hai chú cháu tỉ tê đã đời.
Kỳ thực, bắt đúng mạch chuyện chỉ là một lý do nhỏ, tôi thân thiết chuyện trò với chú còn bởi vì thấy chú sao dễ gần quá chừng. Cứ ngỡ rằng chú là cố tri của tôi. Chú bảo, chú cũng yêu thành phố này hết sức, mấy bận phố đau vì Covid-19, chú cũng "đau" theo (thiếu tiền), rồi hề hà một nụ cười hào sảng sáng trưng. Nhìn thương ơi là thương.
Xe anh đến, tôi vội mở thùng xốp lấy ra hai trái bưởi da xanh xứ tôi rồi dúi vào tay chú, chào tạm biệt chú. Chú nở một nụ cười ướp tràn thương mến, nói với ra: "Hẹn gặp nhỏ nghen, cảm ơn bưởi quê xứ Huế". Phố thị Sài thành đón tôi bằng cái nắng nóng, bằng đong đầy tấm chân tình của chú xe ôm vô tình hay duyên lành mà tôi làm quen được ở bến xe. Tôi nhớ mãi nụ cười của chú, nó khô queo một màu nắng gió mưu sinh, mà cũng ướt át một màu tình thương ân nghĩa. Tôi nhớ hoài những câu nói với chất giọng rặt thổ ngữ miền này của chú, chẳng trau chuốt, chẳng hoa mĩ, mà đôi khi nhớ lại lòng mơ hồ thương thắt thẻo chứ có đùa được đâu. Cũng sau lần đó, nút thắt không hay về thành phố này trong tôi dần được mở lỏng.
Ừ thì đất chật người đông, hàng vạn người chen chân nhau để bước trên con đường tồn sinh giữa phố, nhưng nào đâu có ráo cạn tình người như tôi nghĩ. Người Sài Gòn nghèo tiền nghèo bạc chứ chẳng ai nghèo tình thương, cũng chẳng ai hẹp hòi, ích kỷ với ai. Dẫu xa lạ, nhưng vẫn thân tình gọi nhau bằng "cưng", bằng "chế", hay bằng "nhỏ". Nghĩ cũng ngồ ngộ, chắc chỉ có mỗi người Sài Gòn mới thênh thang tấm lòng được như vậy. Tôi sẽ nhớ những thâm tình này để về kể với mạ, rằng người Sài Gòn lạ lắm, thân tình với nhau chẳng có lý do, mà nếu có chắc là niềm vui và nụ cười bác ái.
Nhớ đêm đó, tôi được anh dẫn ra phố đi bộ Nguyễn Huệ chơi. Sự náo nhiệt và sôi động của sức trẻ đang trào dâng, điều ấy hiện diện trên mọi ngóc ngách phố phường. Lung linh ánh đèn của xa hoa, lộng lẫy của một thành phố đầy nhiệt huyết, hiện đại và năng động. Tất cả những điều đó đang dần kiến thiết nên một thành phố đáng tự hào.
Rảo bước trên phố, gió từ sông Sài Gòn về đêm tràn lên mát lạnh, miên man làm dáng vẻ thành phố càng trở nên đẹp nao lòng trong con mắt của khách phương xa như tôi. Cố nhiên, Sài Gòn đẹp theo một cách rất riêng, nhưng tôi không bao giờ cho cái đẹp ấy là tuyệt đối, bởi khi tuyệt đối hóa cái đẹp thì chẳng thể nào đẹp hơn được nữa.
Tiễn tôi rời kinh thành là một cơn mưa dầm dề dai dẳng, hình như Sài Gòn lúc nào cũng vậy, cứ hễ có người đi là lại mưa. Trời không mưa thì lòng cũng mưa, tôi tin đó là luật bất thành văn với mọi dấu chân từng in hằn trên đất Sài Gòn, rồi rưng rức nói câu tạ từ sâu thẳm tâm tư. Tôi thấy mình đã trót yêu nồng nàn thành phố quen mà lạ, lạ mà quen này. Thương lỡ làng, yêu lỡ làng, nói lời tạm biệt cũng đứt ruột gan vì thương.
Ngồi trong xe khách, nhìn ra ô cửa kính loang loáng nước mưa, thành phố đang trôi dần ngoài kia. Dù buồn ngủ, nhưng lại không dám nhắm mắt, bởi tôi muốn nhìn ngắm thật rõ nét duyên thầm của thành phố dưới cơn mưa, ngắm phố xinh thật rõ như một lời tạm biệt chân tình tôi gửi trao lại Sài Gòn. Tôi đi, hàng vạn người mấy ai lưu luyến, chỉ có thành phố mới lặng lẽ và vẫy tay bịn rịn lòng tôi.
Xe đi qua khúc cua của một ngã tư, bất giác tôi nhìn thấy một em nhỏ nằm cuộn tròn trong chiếc áo mưa tiện lợi mỏng tang. Tôi không tài nào nhìn rõ hình dáng, chỉ biết đó là một bé gái, người nhỏ con; chắc em đang nằm chờ mẹ, hoặc có thể em không có mẹ. Bóng hình em vụt qua trong giây lát, nhưng nó đọng lại trong tâm trí tôi. Liệu rằng lớp áo mưa tiện lợi có che nổi những giọt mưa lạnh ngoài kia. Nhưng tôi tin rằng, phố sẽ thương em, sẽ ôm em vào lòng để nâng niu, bởi bản chất của Sài Gòn là vậy, như tình tôi dành cho Sài Gòn, đó là một bản năng.
Bình luận (0)