Có đứa còn vạ miệng: “Nhà thế sao sống?”. Vậy mà tôi cũng đã trụ vững trong căn nhà đó hai mươi mấy cái xuân xanh. Tôi không trách lũ bạn được, vì tụi nó cũng như những người mới đến đất này, không bao giờ tưởng tượng họ sẽ mua một căn nhà chỉ bằng cái chuồng heo dưới quê. Nhưng, tôi dám cá rằng tụi nó sống ở đây lâu hơn chừng vài năm, sẽ nhận ra đó là chuyện bình thường, vì Sài thành có rất nhiều căn nhà như vậy.
Thật không ngoa khi nói rằng, chỉ ở những thành phố lớn mới có cái gọi là khu ổ chuột. Tôi chợt nhớ những năm tháng đầu khi mẹ vừa bế tôi vào Sài Gòn, xóm ổ chuột nơi hai mẹ con trú ngụ ngày nào cũng xảy ra cãi vã bởi mấy chuyện không đâu. Từ việc giành chỗ đậu xe trước sân, đến việc đặt thùng rác trước nhà, đôi khi lát vài miếng gạch làm thềm bước lên bước xuống thôi mà cũng đủ trở thành lý do để gây hấn, để đố kỵ. Mỗi năm, xóm tôi lại phải “tiếp đón” triều cường. Nước lên đến đâu, đường trước nhà xây cao đến đó, khi nào nhà thành hang mới đập đi mà xây lại. Bởi mới thấy, có được 12 m2 cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt chứ chẳng dễ dàng gì.
|
Cuộc sống ở đây khắc nghiệt như vậy, sao tôi lại yêu chứ? Người ta thường nói: “Con đường ngắn nhất đi đến trái tim đàn ông là qua dạ dày”. Nhưng, với con gái cũng vậy thôi, bằng chứng là tôi đây. Sau chuyến du học ngắn hạn, tôi mới nhận ra mình không thể sống nơi nào khác, ngoài đất Sài Gòn này được. Tôi đặt chân xuống sân bay, mang theo cả tấn cơn thèm. Thèm tô bánh canh bành ki đúng chất miền Tây phóng khoáng của bà Năm đầu hẻm. Thèm nghe tiếng trọ trẹ dễ thương của cô Lan bún Huế. Thèm ngửi mùi thuốc bắc của tô vịt tiềm khu phố Tàu. Tất nhiên, liền tù tì những ngày sau đó, chốc chốc tôi lại xách xe đi lân la khắp hang cùng ngõ hẻm để kiếm cái ăn, đến nỗi mẹ cũng phải thốt lên: “Bộ ở bển mày đói lắm hả con?”. Đúng vậy, tôi đói da diết, đói cồn cào. Suốt khoảng thời gian ở nước ngoài, tôi mải miết nghĩ về Sài Gòn như một Việt Nam thu nhỏ, nơi mà đặc sản, bản sắc của mọi miền Tổ quốc tụ hội cả ở đây, không hưởng thụ thật phí cả đời.
Cũng kể từ ngày đó, tôi mới phát hiện xóm ổ chuột của mình đã thay đổi rất nhiều. Người nam kẻ bắc đã thôi tranh chấp những chuyện cỏn con vặt vãnh. Đám trẻ hóng hớt ngày xưa, nay đều là công nhân viên chức. Khu lao động nhờ vậy cũng trở mình thành khu dân trí. Những ngôi nhà lụp xụp đã tươm tất hơn, phủ mình bằng giàn hoa cỏ xinh tươi. Cả xóm còn hùn hạp mua máy bơm nước để thoát cảnh triều cường, gắn camera khắp ngõ ngách đề phòng trộm cắp. Sài Gòn là vậy, dân tứ xứ ở sát rạt bên nhau, quen mặt quen mày rồi mà cãi nhau hoài cũng đến chán, chi bằng bắt tay cùng xây dựng cuộc sống tốt hơn.
|
Giờ đây, đứa trẻ trưởng thành từ khu ổ chuột đang ngồi bên sông Sài Gòn, giữa khu đô thị hoa lệ ngắm phố lên đèn. Bên cạnh tôi, tất nhiên, vẫn là đám bạn đang tíu tít và chưa hết bàng hoàng khi biết về căn nhà “nhỏ bằng lỗ mũi” của tôi. Trong tâm tưởng của tụi nó, người Sài Gòn ai cũng giàu sụ. Chính vì thế mà từng lớp người trẻ mới lần lượt bỏ cả gia đình, vào đây chịu cảnh trọ ọp ẹp, bữa đói bữa no, bon chen để sống, mong một ngày trở thành dân Sài Gòn chính hiệu. Có đứa bạn trầm ngâm một hồi bỗng thở dài ta thán: “Mấy người khu này làm gì mà giàu kinh! Làm sao để được như họ nhể? Chứ sống thành thị một thời gian thấy ngột ngạt quá mày ạ!”.
Thằng bạn thật sai lầm khi hỏi câu ấy với một đứa sống ở đây hơn 20 năm mà vẫn nghèo bền vững như tôi. Và nhất là, lúc này, tôi cũng chẳng trăn trở mấy về chuyện đó, trong lòng chỉ có bình yên và chút viên mãn. Có thể vì tôi đang yêu Sài Gòn nên mù quáng mất rồi, cũng có thể vì sống ở đây lâu quá, đâm ra quen với sự chật chội. Sài Gòn chật lắm. Nó thực sự không đủ chỗ cho sự khoa trương. Càng muốn khoa trương, bạn chỉ càng thấy ngột ngạt mà thôi.
|
Bình luận (0)