'Sài Gòn có một ngã tư'

24/01/2018 12:25 GMT+7

Truyện ngắn Ừ đi. Ừ! của nhà văn Trần Kim Trắc khi lên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã mang một cái duyên như chính giọng văn của Trần Kim Trắc.

“Ông lão” nổi tiếng trong giới cầm bút bởi chất giọng tưng tửng, dí dỏm, nhưng giấu bên trong là một chiều sâu nhân văn. Và ông hay viết về những phận người bình thường, bình dân, những gương mặt quen thuộc quanh nơi ông sống. Chính vì vậy khi Sài Gòn có một ngã tư (nhóm tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn NSUT Thành Hội) ra mắt, người Sài Gòn cảm thấy có bóng dáng của mình và người quen trong đó…
Ngã tư Quốc tế là một địa danh có thật và khá nổi tiếng ở Sài Gòn, ngay khu phố Tây quận 1. Trong vở kịch, nhiều phận người nghèo khổ sống lay lất như ông Thông chạy xe ba gác (Thành Hội đóng), bà Tám Nở bán cà phê (Ái Như), chú Hai tú tài đánh máy viết đơn thuê (Tấn Đạt), cô Lựu bán sương sa (Ngọc Duyên), cô Nữ bán xôi (Khánh Vân), chú Thời hớt tóc vỉa hè (Thế Hải), ông Sáng mù đờn vọng cổ (Thái Quốc), thằng Tuất lượm ve chai (Công Hiển), tên ma cô buôn chó (Bảo Anh).
Nhân vật chính là cô Thanh hốt rác (Hoàng Vân Anh) và anh Nhành đấm bóp giác hơi (Đoàn Thanh Tài). Họ yêu nhau nhưng ông Thông chấp vào quá khứ “làm gái” của cô mà ngăn cản. Chuyện tình này kéo cả xóm vào cuộc.
Trong đó, con chó cưng của ông Thông đóng góp không ít tội lỗi lẫn công lao hàn gắn. Cuối cùng, cái tình vẫn thắng, bao gồm tình yêu đôi lứa, tình hàng xóm láng giềng, tình người nhân hậu.
Sài Gòn có một ngã tư 1
Đoàn Thanh Tài (vai Nhành), Hoàng Vân Anh (vai Thanh) trong vở Sài Gòn có một ngã tư
Kịch tính, hấp dẫn, vui nhộn. Và có cả nước mắt nữa. Đó là những ấn tượng đẹp từ vở kịch. Bâng khuâng một nỗi gì không rõ, có lẽ là từ tiếng đờn ghi ta vọng cổ của ông già mù xin ăn, như một điểm xuyến vô cùng đắt giá cho toàn bộ không gian tác phẩm.
Tiếng đàn cất lên là mọi thứ như chùng xuống, day dứt tận tim. Khỏi cần kể lể thở than, chỉ cần nghe tiếng đàn thôi đủ cảm về những thân phận bọt bèo. Nhưng trong tiếng đàn ấy không có sự bi lụy, chỉ đủ chạm tới nỗi buồn thôi, rồi ngọt ngào những chân thành, tận tụy. Người nghèo khi tranh nhau từng đồng bạc mưu sinh, từng lời ăn tiếng nói, có thể cãi nhau ì xèo, nhưng khi hoạn nạn lại đùm bọc nhau, hi sinh, nghĩa khí.
Nước mắt khán giả rơi nhiều nhất khi đám cưới anh Nhành và cô Thanh ngay tại bô rác mà cô sinh sống. Ông Thông đòi rước dâu lập tức bởi thương nó đã xả thân vì mình. Cô dâu quấn tấm vải làm váy cưới, đội cái lúp cũ nhặt được, chú rể mượn cái áo mới của thằng Tuất, ông sui gom mấy trái cây lặt vặt chung quanh làm sính lễ, bà con móc hết túi trong túi ngoài gom bạc lẻ cho ông cưới dâu… Cái tài của đạo diễn Thành Hội là đây, dựng tất cả cái nghèo lên, nhưng vẫn thanh cao đẹp đẽ, khán giả cứ thế mà lau nước mắt…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.