Sài Gòn, còn thương thì về!

15/01/2020 09:00 GMT+7

Ở Sài Gòn chẳng có người lạ, chỉ có người quen; chẳng thể ghét, chỉ có thương. Người thương người vì nhau mà sống. Người thương đất này, vì nó mà ở lại đây cho trọn một đời.

1.
Ông nội tôi hay nói, xóm mình Bắc Trung Nam về chung một hẻm, kể cả dân ngoại quốc. Như nhà mình, ông là dân gốc Hoa lấy bà là dân gốc Cam. Bà ở Xoài Riêng, chạy giặc qua đây. Hồi đó, đầu xóm có robinet nước công cộng, hễ bà ra hứng nước thì ông thập thò, giành xách giùm. Vậy là thương nhau, rồi về với nhau, tới đầu bạc răng long.
Đầu xóm có nhà bà Khiêm gốc Bắc, chủ xe phở tàu bay trứ danh Sài Thành, truyền từ đời này qua đời khác. Nay ba thế hệ vẫn sống bình dị với cái nghề xa xứ lập thân từ “hồi bảy lăm” tới giờ.
Giữa xóm là nhà o Huế. Chẳng ai nhớ bà tên chi, chỉ biết bà là người Huế, bán bánh Huế. Hồi tôi còn nhỏ, những trưa vắng khách, còn nghe bà hò Huế. Ai thắc mắc, bà trọ trẹ trả lời: “Cho đỡ nhớ quê”.
Ba tôi lấy má cũng là người trong xóm. Má tôi dân Đồng Tháp, theo ngoại tha hương rồi dừng chân nơi con hẻm thông ra ngã bảy xưa kia.
Người ta ghé lại đây, chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai thì cũng mang theo biết bao cái tình gởi trong từng món ăn, nếp sống. Chừng như ai nấy đều khát khao luyến giữ cái hồn riêng biệt giữa thị thành xa hoa mà phần lớn đều là lưu dân.
Chọn miền đất nắng ấm phương Nam này làm nơi trú ngụ, dân tứ chiếng đùm bọc nhau mà sống. Đôi lần ai đó xích mích vì hiểu lầm, cả xóm xúm lại can. Hôm trước gây, hôm sau cười xòa. Ông nội tôi hay nói, phương Nam thuộc quẻ Ly, hành Hỏa, là quẻ có tượng khí văn minh, nên nơi đây kẻ sĩ chuộng điều nghĩa, quý việc học hành; người dân siêng năng trồng trọt chăn nuôi, làm nghề thủ công và buôn bán. Tuy nhiên, địa cực phương Nam chịu ảnh hưởng của sao Dương châu, dương tức phát dương, chỉ tánh khí nóng nảy, bồng bột, nông nổi... nhưng hào sảng, trượng nghĩa".
Sài Gòn lạ lắm, ghét đó rồi thương đó!

Chọn miền đất nắng ấm phương Nam này làm nơi trú ngụ, dân tứ chiếng đùm bọc nhau mà sống

Ảnh: Khả Hòa

2.
Có lần, ông giám đốc người Pháp sau sáu năm lập nghiệp ở Sài Gòn, nói với tôi: “Sài Gòn là một thành phố "mở" trẻ trung và năng động. Vì vậy, con người Sài Gòn không dừng lại ở sự định hình, mà tiếp tục hoàn thiện và thích ứng…”. Đó là năm đầu tiên ông ăn Tết ở Sài Gòn, được đám nhân viên kéo đến nhà chúc tết, tập cho “biết” lì xì, đưa ông đi đường hoa, dạy ông cách gói bánh tét... Hóa ra Sài Gòn không chỉ tân thời mà ẩn sâu trong sự hối hả nhộn nhịp ấy, người nơi này vẫn gìn giữ những điều xưa cũ như thể giữ cái hồn của đất Sài Gòn.
3.
Tôi có nhóm bạn quê tứ xứ chọn Sài thành lập nghiệp. Chúng tôi ưa rủ nhau lượn lờ phố thị buổi đêm, trao manh áo cũ cho người không nhà cửa. Những ngày giáp Tết, chúng tôi lại chắt mót chút thời gian, tiền bạc, bỏ vào phong bao đỏ, lang thang để trao đi. Khuya 29 Tết, chúng tôi lại ngồi bên nhau. Câu chuyện về những mảnh đời xa quê nghe được trên hành trình mang chút tình đến với người cơ nhỡ được đem ra kể. Nghe trong từng giọng nói rưng rức những nỗi niềm.

Ai cũng có quê, năm hết tết đến lại nôn nao ngày về nhưng nào phải muốn là được

Ảnh: Thiên Anh

Ai cũng có quê, năm hết tết đến lại nôn nao ngày về nhưng nào phải muốn là được. Nhiều người biền biệt xa xứ hàng chục năm vẫn đau đáu ngày về xa ngái. Nhiều thứ khiến họ phải bám trụ quê người năm ba ngày tết. Thế nên Tết với người này rất gần mà với người kia lại vời vợi xa.
Như má Năm, chị ruột má tôi, 35 năm ly hương theo diện HO, thì đã 20 năm chưa được về Sài Gòn ăn tết. Tám chục tuổi, má Năm chẳng còn đủ sức khỏe để về lại quê hương đón cái tết sum vầy. Giao thừa năm nào má Năm cũng khóc. Má thèm về Sài Gòn ăn tết quá con! Với người ly hương, bất cứ đâu cũng chỉ là nhà, chỉ có xứ mình mới là quê. Tận cùng của nỗi nhớ hóa ra nỗi thèm. Bao nhiêu người như má Năm ly hương để rồi thèm Sài Gòn? Nỗi thèm day dứt tới tận cùng năm tháng đời mình.
4.
Khi ông giám đốc người Pháp hỏi tôi có yêu Sài Gòn hay không, tôi lắc đầu. Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất phồn hoa này, nếu dùng chữ yêu thì chưa đủ để tỏ bày tấm lòng của tôi. Phải gọi là thương. Bởi chỉ khi thương nơi nào đó, ta mới nhớ quay quắt và thèm trở về mỗi bận đi xa. Bởi khi thương Sài Gòn, người ta mới tha thiết trở về, gắn trọn cuộc đời với nó mà bỏ qua những khói bụi, kẹt xe, lừa lọc... Bởi chỉ có thương Sài Gòn, người ta mới hiểu, miền đất này còn đó nhiều tấm chân tình, lắm điều trượng nghĩa. Ở Sài Gòn, người ta đâu phân biệt vùng miền, đâu câu nệ sang hèn... Ở Sài Gòn, người ta cứ bình dị gọi nhau là cưng. Ngọt lịm, giản dị và chân thành như thế, đủ để bao người hễ còn thương, thì cứ về.
Nơi này, Sài Gòn vẫn bao dung đón chờ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.