Xuất hiện liên tục trên văn đàn vài năm gần đây, Tống Phước Bảo đã lưu lại dấu ấn riêng không chỉ bằng những ‘mùa vàng” giải thưởng gặt hái từ các cuộc thi viết (Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Một nửa làm đầy thế giới, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019; Giải Ba cuộc thi Tạp bút Ký ức Tết - 2020; Giải Nhất cuộc thi Tạp bút Thành phố tôi yêu - Báo Thanh Niên, 2020; Giải Nhất cuộc thi Tạp bút Quê nhà dấu yêu, báo Áo Trắng, 2020; Tặng thưởng Truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội), mà chính bởi giọng văn đậm chất Nam bộ không lẫn vào đâu được. Chất Nam bộ trong văn Tống Phước Bảo bắt đầu từ ngôn ngữ diễn đạt, đến cách nhìn sự vật, sự việc với con mắt chân thực và dung dị; những cảm xúc, suy nghĩ được trần tình thiết tha hết mực...
19 bài tản văn, 8 truyện ngắn trong Sài Gòn, còn thương thì về! chỉ là một tập hợp nho nhỏ trong một cuốn sách nhỏ, nhưng lại tạo cảm giác ắp đầy khi mỗi câu, mỗi chữ đều được viết ra bằng một tấm tình nồng hậu. Như Tống Phước Bảo đã tự bộc bạch trong Lời tựa - Thương hơn phận mình, rằng “Thật sự, viết về Sài Gòn, là điều tôi lo lắng nhất mà cũng luôn là một sự háo hức mỗi khi cầm bút”, bởi yêu Sài Gòn thì có rất nhiều người yêu, viết về Sài Gòn cũng rất nhiều người viết, nhưng mấy ai chọn “thương Sài Gòn như thương một người tình”, “trót phải lòng mảnh đất này” đắm đuối mà cũng đầy trách nhiệm như thế.
Mảng tản văn, Tống Phước Bảo chinh phục bạn đọc bằng những câu chữ mượt mà, dường như có bao nhiêu “vị ngọt miền Tây” của vùng quê nội (gốc An Giang) thấm quyện cả vào trái tim say đắm Sài Gòn. Những dòng văn viết bằng cảm xúc, trái tim vốn trổ lên từ gốc rễ là thành phố này như ủ thêm một lớp men nồng của người trẻ thực sự đã tạo nên được hiệu ứng, khiến bạn đọc cũng có tâm thế muốn cùng tác giả thương yêu, rung động với hai tiếng “Sài Gòn”.
Sài Gòn và những ước mơ sau chảo dẻ rang; Tháng Sáu, chuyện “đứa trẻ hư” và thanh xuân vàng phai trước ngõ; Báo giấy - Tiếc thay chút nghĩa cũ càng; Tiếng chim hót sau rào sử quân tử; Cà phê kho - chuyện cũ kỹ của những người trẻ; Sài Gòn lê la, chè Hoa khắp nẻo; Sài Gòn vội vã, gặp rồi lại xa; Xứ gì lắm Lục Vân Tiên; Sài Gòn, còn thương thì về!... Mỗi bài tản văn với những đề tài khác nhau là những mảng màu đặc trưng ghép nên hình ảnh, "tâm tính” Sài Gòn, và neo lại bằng những câu đúc rút giản dị khiến người đọc tâm đắc, có thể lấy cho riêng mình mà nhâm nhi khi cà phê, khi ngồi ngắm Sài Gòn yêu dấu của mình hay khi được sống chậm trong lòng thành phố này (“Sài Gòn… ấm áp tình thương giữa người và người, với nhau”; Sài Gòn… phía sau ánh sáng phù du còn có những mảnh đời hiên”, “Sài Gòn… nội cái gió tết thôi cũng làm người ta thèm quê đến thắt thẻo…”). Còn nếu bạn đọc là một du khách, hẳn sẽ cảm động biết bao khi đọc về một Sài Gòn, nơi mà “Cái nghèo đói đôi khi cũng là duyên may để người ta tìm được hạnh phúc”, “Không phải ước mơ nào cũng có thể chói sáng giữa mảnh đất phồn hoa này nhưng tôi vẫn luôn mang niềm tin, rằng Sài Gòn chưa bao giờ làm vụt tắt ước mơ của bất kỳ ai”…
Nhưng điểm đặc biệt của tập sách Sài Gòn, còn thương thì về! của Tống Phước Bảo lại là ở mảng truyện ngắn, bởi bằng một hình thức văn chương khác, những câu chuyện có sức hút, sâu sắc đa diện, khiến bạn đọc suy ngẫm, thấm thía, từ đó mà yêu và thương Sài Gòn rưng rưng hơn. Một Sài Gòn trong Tập tầm vông làm người ta có thể khóc rấm rứt theo nỗi nhớ của má Năm cùng những cuộc điện thoại đường dài từ Mỹ, chở theo bao nhiêu nhớ thương ký ức “chuyện vòng vo, lạng lách các kiểu rồi thể nào cũng ghé lại “Sài Gòn” (truyện ngắn Tập tầm vông). Một Sài Gòn mà đến bà đại gia, ông nhà giàu cũng thèm, mê cái không khí xóm giềng bu đen bu đỏ, hết họp chợ miền Nam đến họp chợ miền Bắc, “Xóm gì mà nhiều chuyện thấy sợ”, nhưng cũng chính nhờ cái sự “nhiều chuyện” ấy mà khi gặp rủi ro bất trắc, bà đại gia bị trộm vô nhà, chịu nhát dao đâm của tên kẻ trộm thay cho cháu mình, mới được “hưởng” cái tình chia sẻ, ủi an của những người hàng xóm chân chất, thảo thơm (Đại gia).
Và cũng chỉ Sài Gòn mới có cái tiệm cơm Cô Đơn sang chảnh kiêu kỳ của cô chủ quán xinh đẹp với những món ăn dân dã đang lên ngôi, với ngón đàn ma mị nhưng ẩn giấu sau đó là bi kịch căn bệnh thế kỷ, những góc khuất đen tối của cuộc đời. Truyện ngắn Cơm gia đình là một lát cắt rất Sài Gòn: cuộc sống hiện đại, hào nhoáng bề mặt, nhưng bên trong không thiếu những nứt vỡ, đắng cay, như hệ quả của chính cuộc sống phồn hoa đô hội, mải miết bon chen nơi này.
Ở góc độ khác, cũng chỉ Sài Gòn mới là nơi đủ sức dung nạp, chất chứa những cuộc đời với "hai nửa" éo le, những người trẻ tưởng mãi mãi chỉ là "hai đường thẳng song song". Họ trưởng thành, học tập và làm việc, đóng góp cho đời, tự xây dựng cuộc sống an ổn nhưng lặng lẽ. Họ yêu, song hành cùng nỗi đau và hạnh phúc, khắc khoải và cô đơn như trong Nỗi thương lạc loài, Về nhà là Tết. Có nơi nào mang tấm áo đủ rộng, bao dung ôm những đứa con lạc loài ấy vào lòng như Sài Gòn? Chỉ có Sài Gòn, với nỗi buồn của sự trải nghiệm mới giúp người ta nhìn lại, thèm muốn quay về khi "những mùa hoa trắng ngần cứ vướng víu vào trong giấc mơ mướt mát mồ hôi"...
Tống Phước Bảo cũng chắt chiu, neo lại trong truyện ngắn của mình những mảng màu đẹp của một “Sài Gòn vẫn còn một vùng ven giữ trọn cái nếp xưa”, như mối tình giữa chàng trai tên Tình và cô gái tên Duyên rất trẻ trung, lành hiền, thấm đẫm tình cha nghĩa mẹ, thơm thảo như tấm lòng của ngoại. Sài Gòn sẽ còn mãi với những người trẻ thế hệ thứ ba, thứ tư khi họ vẫn luôn có ý thức giữ gìn nghề truyền thống, như Tình và Duyên giữ gìn xưởng nhang gia đình - “cái hồn của Vườn Thơm” cùng những phong vị Tết cổ truyền (truyện ngắn Hồn Xuân).
Và với tư duy của người viết trẻ nhanh nhạy, theo sát mọi diễn biến của đời sống, trong tập sách này, cả tản văn và truyện ngắn, Tống Phước Bảo đều dành những trang viết về những ngày bất an của Sài Gòn với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cà phê lóc cóc, tán dóc mùa dịch, Người biết thương người, Thằng Tào Lao… mang đến cho bạn đọc nhiều chia sẻ, động viên, thắp lên những hy vọng, lạc quan như bản tính của người Sài Gòn trước mùa dịch bùng phát đầy khó khăn, vì, với Sài Gòn: “Mọi cổ tích đều có thể thành hiện thực, nếu chúng ta dành cho nó niềm tin thành toàn và vẹn nguyên nhất”. Để, Sài Gòn, còn thương thì về!, vậy thôi.
Bình luận (0)