Nhờ sự dìu dắt ban đầu của thầy nhiếp ảnh Phùng Hiệp (TP.HCM), 25 tuổi Trần Thế Phong đến với nghề, rồi mê mẩn lúc nào không hay. “Vừa đi làm nhà hàng, rảnh rỗi tranh thủ chạy… phó nháy, người ta nhận 5.000 đồng một tấm ảnh thì tôi
giảm giá còn 3.000 đồng, chỉ lấy công làm lời vậy thôi. Sau này duyên đến thì cộng tác với nhiều báo chí và chính thức đến với nhiếp ảnh nghệ thuật", anh nói.
Ngày rằm (Chùa Thiên Hậu - một trong những cổ nhất Sài Gòn)
|
Đồng hành - năm 2008 (Nguyễn Đức trong ca mổ song sinh Việt - Đức đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam
|
153 tác phẩm ảnh chọn lọc trong tập sách ảnh Nhịp sống Sài Gòn của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã phản ánh đời sống muôn mặt Sài Gòn từ năm 2008 đến 2019. Đó là buổi sáng tờ mờ sương ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10), nụ cười tươi rói của người bán báo gầy gò trên chiếc xe đạp tại góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – CMT8 (Q.3), sắc phố lồng đèn đỏ thắm góc đường Lương Nhữ Học (Q.5)…nhưng trên hết các bức ảnh luôn toát ra sự lạc quan yêu đời.
“Đối với tôi, Sài Gòn luôn nghĩa tình nên tập sách ảnh Nhịp sống Sài Gòn như muốn thu tóm tất cả sự bình yên và ấm áp của Sài Gòn. Nơi ấy có những người mẹ quang gánh tảo tần, dù bán xôi bán tàu hũ vẫn nuôi 2 – 3 con đậu đại học, thành tài. Cảnh dòng người tất tả trong chiều mưa xối xả ở Q.1, cùng màu vàng cổ kính của các di tích: chợ Bình Tây, trường Marie Curie, lăng Ông Bà Chiểu… sao mà thân thương quá đỗi. Sài Gòn lạ lắm, thành phố như người mẹ bao dung, cưu mang hết đứa này đến đứa khác tứ xứ vào lập nghiệp, để rồi mỗi khi đi xa đều thao thức, ngóng trông về một ‘Sài Gòn của tụi mình’…”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong bộc bạch.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong
|
Dấu ấn làm nên tên tuổi của Trần Thế Phong trong lĩnh vực nhiếp ảnh đó chính là bức ảnh
Hoàng hôn trên cầu Mỹ Thuận, từng đoạt HCV của Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, HCB của Bộ VH–TT và hàng loạt tác phẩm ảnh về trẻ em đường phố như :
Đôi bạn nhỏ, Bạn tri âm, Trẻ em ở bãi rác Đông Thạnh… gây tiếng vang lớn trong
cộng đồng nhiếp ảnh vào năm 2000.
Liên tiếp sau đó, Trần Thế Phong đã có nhiều cuộc triển lãm cá nhân đi vào lòng công chúng, như:
Bão Chan chu, Những nẻo đường tuổi thơ, Gánh, Vượt qua bóng tối, Ánh sáng cuộc sống, Mưu sinh…. Cùng phát hành những tập sách ảnh ấn tượng và trở thành một trong những người chụp ảnh có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Trần Thế Phong (50 tuổi) là người sống giản dị, chân thật, khiêm tốn, được nhiều người, bạn bè đồng nghiệp quý mến. Anh luôn đồng cảm chia sẻ đến những mảnh đời khó khăn. Số tiền thu được từ bán ảnh, sách ảnh từ những cuộc triển lãm, Trần Thế Phong luôn trích dành đóng góp những suất học bổng, quà tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh
gia đình khó khăn, khuyết tật, người già neo đơn…..
TS Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu kể: “Ấn tượng đầu tiên của tôi là người Sài Gòn ai cũng chân thành, tử tế, vui vẻ và dễ gần…Tới bây giờ, cuộc sống thay đổi quá nhiều, đôi lúc tôi đã ngỡ Sài Gòn không còn hiện hữu, vậy nhưng những khuôn hình về con người, cảnh vật của Trần Thế Phong đã nói với tôi rằng, Sài Gòn vẫn còn đó, dù nhiều “người Sài Gòn” ngày ấy đã đi khắp
thế giới và bao nhiêu người ở quê nhà đến sinh sống nơi đây. Bởi vậy, chính cái ‘chất Sài Gòn’ mới là ngọc quý, đang được những người Sài Gòn âm thầm gìn giữ và lưu truyền, vì đó là Sài Gòn của tụi mình”.
Được sự đồng ý của tác giả Trần Thế Phong, Thanh Niên Online xin giới thiệu đến bạn đọc một số bức ảnh độc đáo tại triển lãm và trích từ tập sách Nhịp sống Sài Gòn:
Vợt cà phê một thời của Sài Gòn
|
Cắt tóc - công việc thường nhật giữa phố
|
Ông Dương Văn Ngộ (89 tuổi) hơn 29 năm viết thư thuê ở Bưu điện TP.HCM
|
Cụ bà Diệp Liên (gần 100 tuổi) người sống lâu năm ở hẻm cổ Hào Sĩ Phường
|
Bình luận (0)