Sài Gòn đổ bệnh rồi, phải làm gì thôi

07/08/2021 06:45 GMT+7

Giữa “cơn bạo bệnh” Covid-19 , Sài Gòn vẫn đáng yêu vô cùng bởi tấm lòng vàng của những nhà thiện nguyện.

200 tấn rau và bếp ăn 0 đồng

Liên tục cập nhật hình ảnh những chiếc xe tải chở vài chục tấn rau củ quả tập kết về TP.HCM, anh Nguyễn Đình Sơn, phóng viên Báo Thanh Niên, Trưởng nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân, cho biết đến lúc này chương trình “Chia sẻ rau xanh cùng Sài Gòn chống dịch” của nhóm thiện nguyện đã cung cấp được khoảng 200 tấn rau, củ, quả 0 đồng đến các bếp ăn từ thiện, khu cách ly, những người lao động trong các khu trọ nghèo tại TP.HCM. Sau quãng thời gian tìm nguồn, liên kết chở rau củ từ Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông về cứu trợ bà con Sài Gòn, nhóm Nhà báo và Doanh nhân đã mở rộng được nguồn thực phẩm, tiến hành xây dựng “Bếp ăn yêu thương” 0 đồng tại Q.12. Mỗi ngày, bếp ăn cung cấp 500 suất ăn phục vụ lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu đang chống dịch tại bệnh viện dã chiến ở Củ Chi. Bếp ăn thứ 2 tại Q.Bình Thạnh cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện nhờ tận dụng quán ăn của một nhà báo trong nhóm, chuẩn bị được mở thêm để bổ sung các suất ăn dinh dưỡng cho tuyến đầu chống dịch.
Chợt nhận ra mình làm từ thiện, giúp người ta nhưng cuối cùng lại nhận về được rất nhiều. Những cảm xúc nuôi dưỡng tâm hồn đó, không đi, làm sao có?
Anh Phạm Thế Hà (biên tập viên Đài truyền hình quốc gia VTV)
“Có được số rau, thực phẩm trên là nhờ hàng ngàn tấm lòng cùng góp công, góp sức, góp tình cảm và tâm huyết, khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Còn nhớ, khi chuyển số tiền gần 30 triệu đồng quyên góp được từ các bạn trong lớp công nghệ tự động 05 - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, anh Nguyễn Đình Nam, đại diện lớp, chỉ nói đơn giản: “Các bạn trong lớp quyên góp được một ít, gửi nhờ mua rau tặng bà con”.
Hay em Long (Công ty Long Phát) thành thật bảo: “Năm nay dịch bệnh, kinh doanh khó khăn nên của ít lòng nhiều, em gửi 50 triệu đồng nhờ mua rau gửi đến các bếp ăn 0 đồng nấu ăn cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch”. Long còn nói ở quê, hiện khóm (dứa) chín đầy đồng nhưng người dân bán không được, Long sẽ mua giải cứu khóm cho người dân và gửi lên Sài Gòn, nhờ nhóm chia sẻ tới mọi người. Ngoài ra còn có các bạn trẻ thuộc cộng đồng người hâm mộ của nhóm nhạc BTS tại VN một ngày nọ cũng chuyển số tiền 2 triệu đồng, chứa đựng đầy tình cảm của mình đối với những người đang gặp khó khăn. Nhiều, rất nhiều tấm lòng tương thân tương ái, hào sảng như thế mà chúng tôi không thể kể hết. Tất cả những điều đó đã làm cho Sài Gòn đáng yêu vô cùng!”, anh Nguyễn Đình Sơn không giấu nổi xúc động.
Nói về ý tưởng hình thành nên chương trình “Chia sẻ rau xanh cùng Sài Gòn chống dịch”, anh Phạm Thế Hà (biên tập viên Đài truyền hình quốc gia VTV) kể: Nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân khởi nguồn là tự phát từ mấy anh em phóng viên và doanh nhân chơi cùng nhau, cùng đam mê công tác thiện nguyện. Trong quá trình tác nghiệp, được đi nhiều nơi, thâm nhập thực tế thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, lại cũng có khả năng kết nối nhiều bên như chính quyền, các tổ chức nên mục đích đầu tiên của nhóm là góp công sức để có thể hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn một cách chu đáo nhất, đến tận nơi, đúng đối tượng nhất. Trong suốt gần 1 thập kỷ kể từ khi thành lập, năm nào nhóm cũng làm rất nhiều chương trình giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành như quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Trung sau mỗi mùa mưa bão, thành lập “ngân hàng” bò, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân...
“Dịch bùng phát tại Sài Gòn, khắp nơi đều khó khăn. Anh em bảo nhau phải làm gì đó thôi. Bao nhiêu năm nay Sài Gòn nuôi nấng mình, che chở mình, cho mình công ăn việc làm, sự nghiệp, mọi thứ... Giờ Sài Gòn đau ốm bệnh tật thì mình phải có trách nhiệm với nơi này. Chúng tôi nghĩ rằng không gì thiết thực lúc này bằng việc giúp mọi người trong khu cách ly có thêm lương thực để “thoát đói”. Vậy là chương trình “Chia sẻ rau xanh cùng Sài Gòn chống dịch” ra đời”, anh Hà nói.

Buông cặp táp, bỏ giày tây... đi bốc vác

Bằng mối quan hệ của mình, anh Nguyễn Đình Sơn tìm được nguồn rau hỗ trợ “giải cứu” bà con trên Gia Lai. Do TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, siết chặt vận chuyển hàng hóa liên tỉnh nên nhóm thiện nguyện phải chạy vạy khắp nơi mới tìm được một đơn vị vận tải nhận chở rau. Từ 5 giờ sáng, các anh chị cộng tác viên từ Gia Lai đã phải thức dậy đóng gói, xếp rau để kịp xe tới lấy hàng, đưa về Sài Gòn sớm nhất cho rau không hư, không dập. Chuyến xe đầu tiên chở 35 tấn rau từ Gia Lai chính thức lăn bánh chiều 11.7.
“Có lần thiếu nhân lực bốc vác, chúng tôi phải lên Facebook “cầu cứu”. Các anh em báo chí không ai gọi ai, khắp nơi kéo đến. Mấy doanh nhân toàn giám đốc, tổng giám đốc các công ty lớn trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản nửa đêm cũng bật dậy tới bốc rau. Có 2 anh tài xế xe ôm công nghệ tình cờ thấy thông tin “cầu cứu” trên mạng cũng tắt app, ghé đến phụ bốc rau. Rồi cả mấy bác thợ hồ, công nhân đang nghỉ vì dịch cũng tới giúp một tay. Cũng vì thế mà các chuyến xe sau đỡ vất vả hơn. Cứ như thế, đến nay đã có 6 chuyến hàng từ Gia Lai, Đà Lạt đã được trao đến tận những nơi cần kíp nhất”.
Anh Nguyễn Đình Sơn, phóng viên Báo Thanh Niên, Trưởng nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân
Theo kế hoạch, khoảng 9 giờ tối, các thành viên trong nhóm Nhà báo và Doanh nhân tại TP.HCM sẽ đến điểm tập kết tại Bình Xuyên (H.Nhà Bè) để đón xe, bốc rau xuống. Thế nhưng, do việc đi lại gặp nhiều khó khăn, phải gần 2 giờ sáng, xe tải mới tới.
“Xe vừa vào tới sân, hơn chục con người là nhà báo, bác sĩ, giám đốc doanh nghiệp cùng xúm lại, dỡ rau từ trên xe xuống. Những bao tải bí đao nặng khoảng 50 kg dần nặng trĩu trên vai. Lâu nay, mọi người chỉ quen cầm bút viết báo, xách cặp táp, mang giày tây nhưng khi đó bốc vác rất “khí thế”, quên hết cả cơn buồn ngủ, mệt mỏi trước đó vì chờ đợi. Đến gần 6 giờ sáng, 35 tấn rau củ quả đã được bốc hết xuống xe, chờ phân phối tới những nơi cần nhận. Rồi vẫn những con người ấy lại hì hục bốc lên xe trung chuyển để về các bếp ăn 0 đồng, các khu cách ly tập trung... Sau chuyến đầu tiên đó, mình phải nằm trên giường đúng một ngày vì người đau nhức ê ẩm. Tưởng trai tráng, hóa ra già yếu rồi”, anh Sơn cười, nhớ lại.

Hoạn nạn sáng tình thân

Gần 10 năm hoạt động thiện nguyện, làm biết bao chương trình, gặp biết bao hoàn cảnh nhưng với anh Phạm Thế Hà, “Chia sẻ rau xanh cùng Sài Gòn chống dịch” có ý nghĩa rất đặc biệt. Trước giờ, người Sài Gòn đi khắp nơi làm từ thiện. Hình ảnh những cây ATM gạo, những suất ăn 0 đồng, thùng bánh mì miễn phí... xuất hiện đầu tiên, lúc nào cũng tại Sài Gòn. Chắc cũng bởi vậy, đến khi Sài Gòn “đổ bệnh”, khắp nơi cũng đồng loạt gửi về bao nghĩa tình.
“Nói là mua rau giải cứu nhưng thực ra mua 1 đồng, bà con cho 3 đồng. Lúc đầu, nhóm tính toán chỉ đủ tiền mua 9 tấn rau, cuối cùng có được 35 tấn. Nhiều bà con trong buôn làng bảo thôi không bán, cho hết từ quả đu đủ tới buồng chuối... cho Sài Gòn! Xúc động vô cùng!”, nghẹn ngào giây lát, anh Thế Hà kể tiếp: “Những năm trước, nhóm chúng tôi thường ra H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Bình để hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn sau mỗi mùa bão lũ. Khi thì xây nhà tình thương, khi tặng bò, xe đạp, sách vở cho các em học sinh... Người dân cần gì, chúng tôi cố gắng hỗ trợ cái đó. Nay nghe tin Sài Gòn dịch nặng, người dân H.Kỳ Anh và Quảng Bình đã liên hệ với một thành viên trong nhóm, quyên góp được 120 tấn hàng hóa, gom từ mớ rau, con cá chuyển vào Sài Gòn. Mới năm trước họ mất nhà mất cửa, ai nghèo hơn họ? Thế mà bây giờ bảo giàu, ai giàu tình giàu nghĩa bằng họ. Chợt nhận ra mình làm từ thiện, giúp người ta nhưng cuối cùng lại nhận về được rất nhiều. Những cảm xúc nuôi dưỡng tâm hồn đó, không đi, làm sao có?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.