Bếp thiện nguyện xanh do cô học trò Đặng Thị Thơm, Trường THPT Trung Phú, H.Củ Chi, TP.HCM, sáng lập.
San sẻ yêu thương với mọi người
Sau khi trải qua những ngày thi tốt nghiệp THPT căng thẳng, Thơm cùng các thành viên trong nhóm tất bật với việc gây quỹ, chuẩn bị những phần cơm nóng hổi mỗi ngày để trao tận tay cho người khó khăn.
“Trước đó, khi dịch bệnh lan rộng ở TP, bản thân em cảm thấy bứt rứt khi không thể tham gia tình nguyện vì phải giữ an toàn để thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi thi xong là em muốn bắt tay ngay vào dự án Bếp thiện nguyện xanh. Mặc dù một suất cơm giá trị không lớn, nhưng tụi em muốn gửi sự yêu thương và san sẻ phần nào khó khăn với những người neo đơn, những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Để tất cả chúng ta sẽ vượt qua và chiến thắng được dịch bệnh nguy hiểm này”, cô học trò tâm sự.
Thơm cho biết trong thời gian ôn thi, ngay từ tháng 5 đã bắt đầu chiến dịch gây quỹ để thực hiện Bếp thiện nguyện xanh: “Trước đây tụi em cũng đã có những chương trình hỗ trợ các suất ăn cho người vô gia cư. Đến năm nay khi dịch bùng phát mạnh, tụi em càng chứng kiến thêm nhiều hoàn cảnh không may mắn và chịu nhiều ảnh hưởng vì dịch, nên từ tháng 5 với lời ngỏ ý của một chị trong nhóm thì Bếp thiện nguyện xanh chính thức hoạt động trở lại. Nhưng lúc đó, em đăng bài kêu gọi gây quỹ thì chưa nhận được nhiều sự đồng hành, thời gian gần đây khi dịch càng căng thẳng hơn nữa thì tụi em quyết tâm đẩy mạnh chiến dịch quyên góp để có được nguồn quỹ thực hiện dự án Bếp thiện nguyện xanh”.
Ngày 7.7, Thơm bắt đầu kỳ thi quan trọng của 12 năm học, nhưng ngày 5.7 cô học trò này vẫn quyết định đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi để gây quỹ cho dự án. “Thực ra em thấy hoàn toàn có thể sắp xếp được thời gian để cân bằng giữa việc học và các hoạt động cộng đồng. Từ khi thành lập Gen Xanh là em đã định hướng dự án không chỉ làm các hoạt động về môi trường mà còn gắn liền với việc làm thiện nguyện, nên trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như thế này, tụi em thấy mình cũng cần phải chung tay làm điều gì đó để giúp mọi người”, Thơm nói.
|
Mỗi nhà là một bếp thiện nguyện xanh
Từ khi dự án Bếp thiện nguyện xanh hoạt động, cứ mỗi ngày đọc được những chia sẻ của cô học trò Đặng Thị Thơm là thấy ấm lòng vô cùng. Như hôm nay, Thơm chia sẻ: “Sáng nay các thành viên của Gen Xanh đã nấu và trao đi 182 phần xôi kèm rau và nước uống, 50 phần cơm thịt kho trứng và canh rau củ. Trong đó, 100 phần xôi phát tại khu cách ly ở Q.10, nơi có nhiều người dân nghèo không được tiếp tế thức ăn, 82 phần xôi phát cho người vô gia cư, người già ven đường và 50 phần cơm canh trao tận nhà cho các gia đình khó khăn ở ấp Bến Đò 1, H.Củ Chi”.
Vì trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 nên để đảm bảo an toàn và tránh tập trung, Thơm cho biết mỗi gia đình của các thành viên trong nhóm sẽ là một Bếp thiện nguyện xanh để thực hiện những suất cơm trao tận tay cho người khó khăn.
Và gia đình Thơm cũng là một bếp. “Lúc đầu khi nghe em nói về dự án thì cha bảo gia đình đâu có đủ dụng cụ lớn làm sao mà nấu được. Nhưng đến hôm nấu lần đầu tiên thì cha dậy từ sớm để hỗ trợ. Nhà có 7 thành viên và tất cả mọi người đều chung tay với em để nấu những suất ăn mang đi phát. Nhưng không phải là bếp chuyên nghiệp, không có nồi niêu lớn, nên để có được số lượng phần cơm nhiều thì phải chia ra nấu nhiều lần, vì thế cả gia đình phải dậy và chuẩn bị từ sáng sớm thì mới kịp các phần cơm, canh mang đi phát”, Thơm kể.
Ngoài gia đình Thơm còn có 2 vợ chồng chị Mang Thị Thu Trang (32 tuổi, thành viên của nhóm, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng là bếp chính thực hiện các suất cơm để trao cho người khó khăn.
Chị Trang kể để thực hiện được việc nấu các suất cơm, thường chị Trang lên thực đơn trước rồi đặt hàng trực tuyến hoặc đi các cửa hàng thực phẩm gần nhà để mua, và bắt đầu các công đoạn sơ chế vào buổi tối trước khi đi ngủ, đến 2 giờ sáng thì 2 vợ chồng chị Trang dậy và bắt đầu nấu.
“Khoảng 5 giờ 30 là nấu xong, mình và chồng bắt đầu chia phần và cho vào hộp, chia ra thùng xốp để giữ ấm. Vì các dụng cụ nấu ăn đều nhỏ nên phải nấu nhiều đợt, xong được đợt nào thì chồng và một thành viên trong nhóm sẽ đi trao, còn mình ở nhà vẫn tiếp tục nấu và cho vào hộp để đảm bảo thức ăn luôn nóng hổi khi đến tay người dân”, chị Trang chia sẻ.
Thơm cho biết để đảm bảo cho việc giãn cách thì khi đi phát chỉ có 2 thành viên, mỗi thành viên đi một xe và một địa điểm khác nhau để tránh tập trung đông người.
Bình luận (0)