>> Rơi nước mắt trong khoảnh khắc Thương xá Tax đóng cửa
|
Diện mạo trầy trụa
Theo nhìn nhận của tôi, khi quan sát “hiện tượng Tax”, không chỉ là bản thân chủ thể (Tax hay khu vòng xoay cây liễu), mà chính là mối tương quan của chủ thể đó với môi trường xung quanh, hiểu theo nghĩa rộng, trong đó có một tương quan giữa Tax với những người đã và đang sinh sống tại Sài Gòn - TP.HCM.
Nói một cách khác bản sắc (identity) mang ý nghĩa “không khí của một vùng” và bao gồm cả những yếu tố mang tính chủ quan, của cả cư dân lẫn du khách, trong đó sự “nhận diện” chính mình của cư dân trong “không khí” đó, cũng như sự tương tác của họ với những chủ thể, chính là điều tạo nên bản sắc. Và cái “không khí ấy” có một sức hút riêng biệt đối với họ, không giống sức hút của những vùng đất khác. Do vậy, cần phân biệt bản sắc của một thành phố (urban identity) với diện mạo/hình ảnh của một thành phố (city image).
Ở nhiều quốc gia châu Âu, mối tương quan này được đặt ngang hàng với những tiêu chí quan trọng nhất trong các dự án tổng thể qui hoạch đô thị. Thậm chí ở Đức, đó còn là tiêu chí để đánh giá chất lượng công trình, dưới khái niệm “Gefuehlte Architektur” (tạm dịch: Kiến trúc tương tác xúc cảm). Ngày nay, những tòa nhà được xây dựng từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước đã nằm trong danh sách trùng tu ở Đức. Kinh nghiệm quan trọng nhất mà người Đức rút ra là: giữ gìn các ngôi nhà cổ, thậm chí cả các công xưởng, nhà máy cũ bằng cách thay đổi công năng sử dụng, rồi cho thuê hoặc kêu gọi đầu tư (ưu tiên văn hóa, nghệ thuật). Lập tức, không chỉ những công trình đó thay da đổi thịt, mà cả một khu vực, một thành phố đã mang một sắc diện mới trong công cuộc khẳng định bản sắc. Việc biến các nhà máy cũ tại Berlin thành khu vực hoạt động nghệ thuật, không gian triển lãm là một thí dụ tiêu biểu.
Còn tại Singapore, hơn 600 ngôi nhà cũ kỹ ở khu China Town đã được quy hoạch lại: trùng tu mặt tiền, tạo dựng khu phố đi bộ, chợ đêm, khu ẩm thực, cửa hàng và cửa hiệu dịch vụ, nghệ thuật… trong những ngôi nhà cũ vẫn là khu dân cư; không chỉ là khôi phục lại diện mạo (city image) của khu China Town mà đã tạo ra một bản sắc (urban identity) riêng cho khu China Town nơi đây, một “mỏ vàng” doanh thu không chỉ của ngành du lịch. Quan sát sự hình thành và phát triển của khu vực này, không thể không so sánh với những ngôi nhà kiến trúc Pháp hai tầng tuyệt đẹp dọc đường Lê Lợi, hay khu nhà phố đặc trưng của người Hoa tại khu vực chợ Bình Tây. Thiếu đi một sự quy hoạch tổng thể, nên giờ đây, nơi thì mới cũ lẫn lộn, như một cơ thể bị trầy trụa sau một vụ tai nạn chẳng biết có phục hồi lại như cũ, nơi thì đã bị xóa sổ gần như hoàn toàn. Không thể nói gì cả về diện mạo đô thị lẫn bản sắc Sài Gòn ngày nay.
|
Chỉ lợi trước mắt
Trong trường hợp Thương xá Tax với tuổi đời 134 năm, dù giá trị kiến trúc đã tàn phai qua những lần sửa chữa, nhưng giá trị tinh thần (biểu tượng thương mại của Sài Gòn xưa, bên cạnh chợ Bến Thành), và giá trị mối tương quan của Tax với người Sài Gòn, vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí còn gia tăng hơn nữa, khi rất nhiều tòa nhà tạo nên không gian và không khí của khu trung tâm đã bị phá bỏ không thương tiếc. Đề án khu phố đi bộ vẫn chỉ thấy trên giấy bao năm nay, trong khi việc đập bỏ những khu nhà cổ vẫn diễn ra mỗi ngày. Có thể, cái lợi ích trước mắt thu được qua việc mua bán, trao đổi những khu đất vàng như thế là rất lớn, nhưng những hệ lụy nghiêm trọng về nhiều mặt, sẽ là rất lâu dài, mà trong khuôn khổ bài viết này không thể đề cập hết được.
Tất cả chúng ta không ai không mong muốn sự phát triển. Chỉ có điều, phát triển như thế nào? Đập bỏ mọi thứ dường như là dễ nhất. Cũng không quá khó để mang những tòa cao ốc hiện đại đặt vào khu trung tâm đất vàng của thành phố. Có lẽ chúng ta còn quá xa lạ với những khái niệm như “bảo tồn nền di tích”, vốn ngày càng phổ biến trên thế giới. Thử hình dung một khu trung tâm mới với những gì còn được giữ lại: Nhà hát Thành phố, Tòa nhà UBND TP.HCM, chợ Bến Thành và gì nữa?
Không khí cũng như sự “nhận diện” của cư dân trong môi trường đã mất đi qua những thay đổi đó.
Vậy thì làm gì còn bản sắc? Tax mất đi, tượng Trần Nguyên Hãn cũng sẽ bị di dời, đồng nghĩa với vòng xoay công trường Quách Thị Trang sẽ biến mất. Chợ Bến Thành với mặt tiền chắp vá có còn gồng gánh nổi bản sắc của một chốn “trên bến dưới thuyền” lịch sử hằng ghi? Tòa cao ốc 40 tầng Tax Plaza tương lai sẽ biến những gì còn lại bên dưới thành yếu ớt, như những mảnh ghép của một sân sau chật hẹp. Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi (nhiều quốc gia khác mơ cũng không thấy, để có thể xếp vào danh sách bảo tồn của họ) biến mất, vòng xoay cây liễu cũng không còn. Có thể hình dung những gì còn lại gọi là “kiến trúc cổ” sẽ lạc lõng thế nào trong một bức tranh nghèo nàn màu sắc, thiếu vắng sáng tạo. Sự tương tác giữa các công trình với nhau không có, không còn sự hài hòa với môi trường, sự kết nối về tinh thần với cư dân cũng không còn, TP.HCM có khác gì một Bangkok với kẹt xe triền miên giữa những khối bê tông ngất ngưởng? Vậy thì cái gì có thể làm nên một bản sắc TP.HCM để mời gọi du khách?
Không gương mặt, cũng chẳng có hồn
Hãy thử đưa ra một vài ý tưởng cho Tax, xét dưới góc độ giữ gìn bản sắc. Tại sao không phục hồi lại những giá trị kiến trúc cổ còn lại, kết hợp cải tạo tòa nhà, biến nơi này thành một ga tàu điện ngầm trung tâm, thỏa mãn các chức năng giao thông, kinh tế, thương mại, mà vẫn gìn giữ được giá trị tinh thần của Tax trong lòng người dân thành phố? Một nhà ga tàu điện trung tâm trong một tòa nhà cổ được trùng tu lại, có thể là 2 - 3 tầng, âm hoặc không âm, với những khu vực tiện ích nhiều chức năng cho người dân (thậm chí cả nghệ thuật), sẽ đồng thời là một điểm du lịch văn hóa, mua sắm, giải trí cực kỳ hấp dẫn cho du khách.
|
Giá mà có một cuộc trưng cầu dân ý, hoặc một cuộc thi thiết kế ý tưởng, nhằm chọn lựa những giải pháp tối ưu nhất cho biểu tượng thương mại một thời này, trước khi mọi sự bắt đầu.
Một giải pháp khác cũng được rất nhiều người đồng tình: Nhà ga trung tâm đâu nhất thiết phải nằm ngay giữa trái tim thành phố. Đâu cần ngay trước cửa Nhà hát Thành phố và không xa đó lại là nhà ga Bến Thành. Phải chăng chúng ta đang quy hoạch đường tàu điện ngầm hiện đại với tư duy của “văn hóa xe máy”? Việc phát triển thành phố nên tập trung về phía Thủ Thiêm, hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu trung tâm, đúng như quy hoạch tổng thể mà TP đã đặt ra với trọng tâm gìn giữ và bảo tồn khu trung tâm.
Cho tới nay, khi cả trung tâm TP đã là một đại công trường trong khoảng hai năm, cũng không hề có một bản vẽ lớn, hay một mô hình nào, được treo ở nơi công cộng, để người dân và du khách tới thành phố biết được hình thù của khu trung tâm mới sẽ ra sao. Thiết nghĩ, ít nhất họ cũng có quyền được biết điều đó, khi những gì mà họ từng gắn bó, có thể là cả đời người, có thể là qua nhiều thế hệ, sắp tan thành tro bụi.
Một thành phố như một thực thể sống. Những ngôi nhà và những con đường làm nên phần xác, nhất là những di tích mang tính lịch sử, văn hóa hay biểu tượng; nhưng những con người đang sinh sống và hoạt động trong đó mới làm nên tâm hồn. Sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn mang lại cho thành phố một thần thái. Tôi gọi đó là bản sắc riêng. Không thể viện cớ rằng không có tiền để trùng tu. Không thể viện cớ rằng đằng nào thì cũng đã vá víu rồi, chỉ còn cách đập đi, để không cứu lấy những gì còn có thể cứu. Chậm còn hơn không, nếu như chúng ta nghĩ tới viễn cảnh của một thành phố không gương mặt cũng chẳng có “hồn” trên một cơ thể trầy trụa đầy vết xước.
Trần Linh (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang sống và làm việc tại TP.HCM
>> Thương xá Tax những ngày cuối cùng - Kỳ 3: Số phận những chú gà trống Gaulois sẽ ra sao?
>> Thương xá Tax những ngày cuối cùng - Kỳ 2: Vì sao thương xá Tax trở thành 'niềm thương nỗi nhớ'?
>> Thương xá Tax những ngày cuối - Kỳ 1: 'Đi đâu rồi cũng về thương xá Tax
Bình luận (0)