Cái tên nghe quen lung lắm, từ hồi qua còn nhỏ xíu, nhỏ xíu thấy thương đã nghe rồi. Lúc đó, mỗi lần qua lên Sài Gòn với úm là chỉ ngón tay ngước mặt lên trời và đếm… tầng nhà, ngặt nỗi vì đi xe ôm nên chỉ đếm được đến số 5, 6 là lại chạy qua mất hút. Nhưng cũng đủ để khoe mẽ với mấy thằng bạn khi về quê, qua lại vỗ ngực rằng Sài Gòn hông phải là cây Xài “dí” cây Gòn đâu à nghen. Nó là… cây cao á, cao lung dữ lắm, đếm hoài hông xuể.
Chập chững lớn, qua miệt xứ rừng U Minh hạ khăn gói lên Sài Gòn học, chào ba chào má đi, trong cái cặp chỉ gọn lỏn bọc khô, hũ mắm cá sặc đồng và vài bộ quần áo. Ờ Sài Gòn thì lạ gì mà sợ, úm dí bề yên tâm, qua không lạc đâu. Nói vậy chứ tới giờ qua cũng còn lạc!
Giữa Sài Gòn huyên náo, thời đó còn xe lôi cơ, qua đi dạo phố mỗi lần trước khi thi học kỳ, đường dịu mát buổi chiều và hàng cây sao cao lớn che rợp như tỏa bóng nương náu những tâm hồn xa quê.
|
Người ta thường kháo nhau rằng Sài Gòn là nơi đất lành chim đậu, mà qua có thấy vậy đâu, xứ quê qua mới đúng là đất lành chim đậu chứ, ruộng lúa thì thênh thang, rừng tràm thì bạt ngàn, đất chim hổng thiếu. Nhưng hông phải vậy nghen bà con ơi, chim ở Sài Gòn lúc ấy lại là qua - người tha hương.
Đôi lúc thấy nhớ Sài Gòn da diết mà hổng nhớ gì trơn, chỉ nhớ mỗi ổ bánh mì Sài Gòn, nó ngon mùi bột và phảng phất mùi bơ, nó còn biết giúp cả người nữa chứ, nói hổng phải khen, nhưng bánh mì ở các nơi khác hông giúp người nhiều bằng bánh mì Sài Gòn đâu mấy hia mấy chế ơi.
Qua từng thấy ông cụ bán vé số ế buổi trưa lang thang trên phố vắng người run vì đói, mà mắt lại ánh hồng khi cầm trên tay ổ bánh mì Sài Gòn miễn phí. Thương sao là thương, tập tành và phong độ chút, dù gì thì qua cũng “du học” Xì Gòn về mừ, đưa ý kiến tổ chức bánh mì miễn phí ở quê, ai nghe cũng phì cười vì cho qua ngốc. Áp dụng không đúng chỗ cũng tội, khổ cho qua đợt đó.
|
Rồi tháng ngày cơ nhỡ, thiếu việc, đói quá qua xin chân phụ quán, chạy bàn quán nhậu. Thì sinh “diên” mừ, đi làm cũng tốt, có bữa được bo hẳn 100 ngàn, khách hỏi ra thấy thương: “Cầm đi, anh ở Sài Gòn, không đói được, em ăn uống đầy đủ rồi ráng học”. Lúc đó, qua hiểu câu đất lành chim đậu phần nào theo cách hiểu của cậu chạy bàn quán nhậu, ừ thì cũng được, sinh diên thì có chút tiền sống qua ngày để ráng học là được. Qua mừng húm!
Có lần ngang qua ngã tư đèn xanh đỏ, chú xe ôm chở hàng cồng kềnh đạp hì hụi chiếc xe lôi nặng trịch, mấy anh giao thông nè, mấy anh tài xế nè, chạy ùa ra đẩy hộ vào lề và lụm đồ dùm chú xe ôm. Sài Gòn giữa trưa nắng thiệt nắng mà thấy cảnh đó tự dưng qua thấy lòng mát rượi.
Qua cũng phải có người yêu chứ, lớn rồi còn gì mà lại, khéo không lại ế về quê úm rầy! Cô ấy người bản địa, sành sỏi những cung đường nơi đây, dẫn qua đi tham quan nét đẹp Sài Gòn như những thiếu phụ ngây thơ còn nũng nịu giữa dòng xe tấp nập. Lần đó hít bụi cũng nhiều nhưng ngồi sau xe, hương tóc con gái như có khả năng lọc bụi thì phải, Qua giờ còn nghe thoảng thoảng mùi thơm đấy cô gái năm ấy ơi…
Rồi những chiều đan tay ngồi bên nhau trên chiếc ghế đá khu công viên Phú Lâm và qua lặng nghe gió hát, chiếc lá vàng rụng xuống chân, bỏ ngoài tai ồn ào phố thị, chúng tôi như lạc vào nơi nào đó thơ mộng và huyền ảo. Nhìn mấy đứa con nít bi ba bi bô lò cò chạy nhảy, mắt qua và cô ấy thấy được tương lai của mình, thấy được ngôi nhà đầy tiếng trẻ thơ và rồi chúng nó, lũ con qua sẽ được nẩy mầm ở nơi này. Nơi mà qua, vợ qua và Sài Gòn đã nảy mầm trong nhau!
Giờ qua già rồi, tay chân lụ khụ, đôi lúc cầm cây gậy mà đi còn loạng choạng, nhưng mỗi khi nhớ về kí ức Sài Gòn thì qua còn chắc mười mươi! Nhớ lung lắm đường Trương Minh Giảng ngôi chợ xôn xao tiếng cười, nhớ cái ga xép băng ngang, nhớ ly cà phê ngọt lịm cả buổi chiều bên bài nhạc Trịnh Công Sơn. Đôi lúc, qua cũng thèm được thêm một lần tuổi trẻ để nẩy mầm trong Sài Gòn một lần nữa… tuổi già còn lại trong qua không gì đẹp hơn Sài Gòn với nổi nênh ngày trẻ. Lắm yêu thương và cũng nhiều rét mướt bên nhau, Sài Gòn em nhỉ ?!
|
Bình luận (0)