Tôi tự thưởng cho mình một buổi sáng chủ nhật chạy xe lòng vòng khắp Sài Gòn và ăn hết thảy những món ngon nhìn thấy trên đường. Loanh quanh thế nào mà lại đến đường Gia Phú (quận 6), khu này nổi tiếng bán nhiều món ngon, độc và lạ của người Hoa.
Ngay trước số nhà 61 Gia Phú (phường 3, quận 6) có rất đông người đứng quanh một cái xe nho nhỏ dựng bên vỉa hè. Xung quanh có thêm mấy cái ghế nhựa con con và một người đàn ông lụi hụi múc cái gì đó cho vào chén. Theo quán tính tôi dừng lại, đọc thấy mấy vết chữ ố vàng ghi trên thành xe: Sương sáo "ông già".
Hơn chục năm qua, ngày nào người ta cũng thấy một ông già đẩy xe sương sáo ra bán từ 9 giờ sáng cho đến trưa hoặc khi nào bán hết. Đó là ông Lâm Đệ (62 tuổi), nói tiếng Việt lơ lớ. Nhưng khách đến, dù người Hoa hay người Việt, ông đều vui vẻ trò chuyện nếu được hỏi han.
Lâu ngày, sương sáo của ông Đệ đã trở thành món ăn yêu thích hay có thể coi như một thói quen khó bỏ của người dân nơi đây.
Chén Sương sáo ông già chỉ gồm có sương sáo và nước đường, tuyệt nhiên không có thêm mấy thứ nước dừa, hạt lựu, hay chè đậu xanh đánh, đá bào như những chỗ khác. Trong cái chén sứ giản dị, những miếng sương sáo đen óng, dai và bùi, thơm nhẹ cái mùi hăng hăng của sương sáo.
Chị Ngọc Hạnh (ngụ quận 8), chở theo con gái đến ăn sương sáo, nói với vẻ hài lòng: “Tôi ăn ở đây từ hồi cha chú Đệ bán tới giờ. Tôi đặc biệt thích cái vị dai dai của sương sáo, ngọt thanh của nước đường. Trời nắng nóng mà húp một chén sương sáo mát lạnh thì sảng khoái lắm”.
Học sinh, sinh viên cũng là những khách hàng thường xuyên của xe sương sáo. Người nào cũng ăn 2, 3 chén. “Em thấy sương sáo của ông ăn rất ngon, nước đường không ngọt gắt mà thơm lắm. Với lại sương sáo ông không bỏ đá, chỉ ướp lạnh nên lúc ăn rất vừa miệng, không bị nhạt vị”, Nguyễn Lộc (học sinh lớp 8, trường THCS Phạm Đình Hổ) cho biết.
Vài ba chú xe ôm, cô gánh hàng rong cũng vội vã ghé lại ăn một chén sương sáo. Giá chỉ 5.000 đồng/chén, vừa túi tiền mà đủ để giải tỏa cái nóng trưa hè, cái khát mệt nhọc trên con đường mưu sinh vất vả...
Từ sương sáo cho đến nước đường đều do chính tay ông chuẩn bị nên rất vệ sinh và đảm bảo được hương vị riêng của món ăn
|
Với lượng khách rất đông, mỗi ngày ông Đệ đều bán được từ 150 – 200 chén sương sáo.
|
Theo lời ông Đệ, cứ tầm 4 giờ chiều ông bắt đầu đi chợ. Sau khi làm sạch tất cả các nguyên liệu đã mua, ông Đệ bắt đầu nấu cho đến khoảng 8 giờ tối là xong. Từ sương sáo cho đến nước đường đều do chính tay ông chuẩn bị nên rất vệ sinh và đảm bảo được hương vị riêng của món ăn.
Bên cạnh hương vị thơm ngon, mát lạnh của món ăn thì phong cách bán hàng của chủ quán cũng là điều níu chân thực khách suốt mười mấy năm qua.
Mỗi ngày có không biết bao nhiêu lượt khách đến rồi đi, vậy mà ông Đệ vẫn nhớ rõ sở thích của từng người. Khách này thích ăn ngọt nhiều, khách kia thích ăn ngọt ít hay người này ăn bao nhiêu chén ông đều nhớ hết. Có lẽ vì vậy, dù rất đông nhưng dường như chẳng ai tỏ vẻ khó chịu hay cau có vì phải chờ đợi lâu.
Thêm một điểm đặc biệt nữa khi dùng sương sáo kiểu Hoa chính là...húp. Dù chủ quán vẫn bỏ kèm theo một cái muỗng nhỏ, nhưng món giải khát này chỉ thực sự làm mát dạ, mát lòng khi thực khách kê lên miệng, húp một cái rột. Vị mát lạnh của sương sáo, của nước đường cứ thế mà lan tỏa khắp đầu lưỡi, khắp cơ thể, xua đi hết cái nóng oi ả giữa trưa.
Bình luận (0)