Xe lửa… vừa ho, vừa khạc
Toàn tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho dài 71 km với tổng cộng 15 ga. Khởi đầu từ ga Sài Gòn (công viên 23.9, đường Lê Lai, TP.HCM bây giờ) rồi đi qua các ga Chợ Lớn, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình Ảnh, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương và ga chót Mỹ Tho.
Theo thông tin đăng trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn, tuyến đường này gọi là "xe lửa Đông Dương, đường Sài Gòn đi Mỹ Tho, về việc bộ hành", kể từ ngày 16.7.1912 giá tiền chỗ ngồi từ Sài Gòn đi các "nhà giấy" có 3 hạng nhất, nhì và ba. Theo đó, giá vé toàn tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho lần lượt là 3,20 đồng, 2,06 đồng và 1,14 đồng (tiền Đông Dương). Nếu đi tuyến ngắn hơn, giá vé từ ga Sài Gòn đến ga Bến Lức (32 km) 1,44 đồng, 0,93 đồng và 0,51 đồng cho các hạng nhất, nhì, ba. Tương tự, từ ga Sài Gòn đến ga Tân An (47 km) giá vé lần lượt 2,12 đồng, 1,36 đồng và 0,75 đồng.
Từ Sài Gòn đi Mỹ Tho, hằng ngày có 2 xe lửa chở khách với 3 loại vé hạng nhất, nhì, ba và 2 xe lửa vừa chở khách vừa chở hàng hóa, nhưng giá vé chỉ có hạng nhì, hạng ba mà không có hạng nhất. Giờ khởi hành buổi sáng 6 giờ 30 và 8 giờ 53 phút. Buổi chiều 1 giờ 53 và 4 giờ 30 phút. Trong đó, 2 chuyến xe lửa đầu và cuối chỉ chở bộ hành, không chở hàng hóa. Ở hướng ngược lại cũng có 2 xe lửa chở khách và 2 xe lửa vừa chở hàng vừa chở khách, nhưng giờ khởi hành có khác: buổi sáng 5 giờ 30 và 7 giờ 52 phút, trưa 12 giờ 56 và chiều 4 giờ 19 phút. Nếu so với xe đò và xe ngựa thời đó thì xe lửa khá nhanh: xe lửa chở khách chạy 2 tiếng đồng hồ và xe lửa vừa chở khách vừa chở hàng hóa thì mất 3 tiếng.
Tuy nhiên, nói về đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, cụ Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn năm xưa, chê là quá tệ: "Thống đốc Nam kỳ đầu tiên Le Myre de Vilers đã chết ba mươi đời vương, duy còn lại đầu xe lửa trước chạy Sài Gòn - Mỹ Tho mà mới đây giải bản về cho chở củi! Mỗi lần chạy, đầu xe lửa Le Myre de Vilers vừa ho vừa khạc ra khói, vừa thét ra lửa, mà có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và Bến Lức, trèo lên tuột xuống, lên dốc không nổi".
Ông Đào Văn Hội, tác giả quyển Tân An ngày xưa, cũng mô tả tương tự. Không nói rõ là năm nào nhưng chiếc xe lửa mà ông trải nghiệm là xe cũ, ghế bằng gỗ, chỉ có 2 hạng vé, chạy "cà rịch cà tang", mỗi ga mỗi ghé. Vì cũ kỹ nên yếu đuối chậm chạp. Nó ì ạch leo dốc cầu Tân An, lên gần tới cầu thì tuột lần, tuột lần xuống cả trăm thước rồi lại lấy trớn leo lên. Có khi ba bốn lượt mới lên tới cầu. Chiếc xe lửa mới thì khá hơn. Vé hạng nhì ghế đẹp, lót nệm da. Hạng ba cũng ghế nệm da nhưng kém hơn. Trên sàn xe, hành khách tha hồ để giỏ gà, vịt, giỏ heo con, giỏ trái cây, mắm muối…
Dự kiến nối với Nam Vang
Ngoài tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, theo tờ Lục Tỉnh Tân Văn, vào đầu thế kỷ 20 còn có tuyến xe lửa ngắn Chợ Lớn - Hóc Môn với lộ trình: Chợ Lớn, Chợ Quán, Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn, Đa Kao, Gia Định, Gò Vấp, Hạnh Thông Tây, An Hội, Quán Tre, Trung Chánh, Hóc Môn, An Nhơn và Lái Thiêu…
Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương) trong hồi ký Xứ Đông Dương, kể: "Khi tôi tới Đông Dương, vấn đề xây dựng một hệ thống đường xe lửa hoàn toàn chưa được giải quyết. Tuyến đường khổ hẹp 60 cm từ phủ Lạng Thương đi Lạng Sơn chỉ phục vụ cho quân đội. Tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho thì được xây dựng sơ sài với hệ thống cầu cống không đầy đủ. Qua nghiên cứu địa hình và khảo sát thực địa, tại kỳ họp của Hội đồng tối cao Đông Dương tháng 12.1897, tôi đã trình dự án xây dựng một hệ thống đường xe lửa lớn. Hệ thống này bao phủ từ Sài Gòn tới Bắc kỳ, kết nối các hải cảng ven biển với các thung lũng giàu có của Trung kỳ và liên kết các đoạn sông Mê Kông…".
Cũng theo Paul Doumer, sau quá trình xem xét "Hội đồng tối cao đã phê chuẩn một kế hoạch tổng thể xây dựng hệ thống đường xe lửa Đông Dương, trong đó có tuyến nối Sài Gòn - Nam Vang và dự kiến kéo dài sang Xiêm La. Và tại phiên họp ngày 14.9.1898 ở Hà Nội, Hội đồng tối cao đã thông qua một nghị quyết xác định việc thi công 6 tuyến đường xe lửa là đặc biệt cấp thiết. Trong đó có tuyến đường từ Hải Phòng qua Hà Nội tới Lào Cai và tuyến từ Mỹ Tho đi Vĩnh Long và Cần Thơ".
Paul Doumer cho biết vài ngày sau khi ông rời Đông Dương về Pháp thì nhận được tin rằng một đạo luật về xây dựng hệ thống đường xe lửa như nói trên đã được phê chuẩn cùng với khoản cho vay cần thiết cho các chi phí thi công. Rất tiếc là dự án mở tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn đi Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia - PV) và nối dài sang Xiêm La (Thái Lan), ngay cả tuyến đường từ Mỹ Tho đi Vĩnh Long và Cần Thơ đã không thành hiện thực.
Tuy vậy, dù chỉ có 71 cây số đường xe lửa nối với Sài Gòn nhưng từ cuối thế kỷ 19 Mỹ Tho đã chiếm vị trí quan trọng ở Nam kỳ lục tỉnh. Theo Vương Hồng Sển thì "nhờ trên bộ có đường xe lửa nối với Sài Gòn, dưới sông có tàu thuyền chạy lục tỉnh, nên Mỹ Tho thời ấy chỉ nhượng có một Sài Gòn". (còn tiếp)
Bình luận (0)