Vẫn còn nhiều nhà thấp hơn mặt đường
Nhiều năm qua, những dự án nâng đường lên cao để chống ngập được đưa vào sử dụng đạt được một số hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi con đường trước nhà cao quá mặt cửa, nhà biến thành hầm.
Theo ghi nhận, tại một số khu vực đường Phạm Văn Đồng (P.Linh Đông), đường Tam Bình (P.Tam Phú, Q.Thủ Đức) nhiều nhà dân đã nâng cao nền nhà của mình để đuổi kịp mặt đường. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hộ nhà vẫn thấp hơn mặt đường. Số hộ này cho biết do còn khó khăn về kinh tế nên không có tiền để theo kịp làm ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày.
Điển hình là hộ ông Trần Văn Thành (đường 41, KP 6, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) từ ngày đường Phạm Văn Đồng được làm lại thì nhà ông thấp hơn mặt đường đến 1.5m, tính từ trần nhà với vỉa hè cũng chỉ hơn 1,5m nữa.
Kể từ ngày đó, gia đình ông phải chịu cảnh “chui” vào nhà như vào hang. Vì vậy, mỗi khi mưa xuống nước từ đất trào lên gây ngập cả diện tích nền và kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Do đó, cứ ngày mưa là ông Thành và vợ phải liên tục tát nước từ nhà ra đường. Xe máy không thể cho vào nhà được, phải gửi ở ngoài.
Sau khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành, ông dùng hết số tiền giải phóng mặt bằng sửa lại nhà, nâng lại cửa, nhưng không đủ tiền nâng nổi nền nhà. Bên cạnh đó ông Thành phải bỏ thêm tiền xây tạm bậc thềm lên xuống sử dụng cho tới hôm nay.
Cạnh bên là nhà bà Trần Kim Út (đường 41, KP 6, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) đang nâng nền công với sửa lại toàn bộ căn nhà. Do nền nhà thấp tương tự như nhà ông Thành. Bà kể, ngày xưa nhà bà cao hơn mặt đường đến 0.3m, từ ngày làm đường nhà bà lại thấp hơn 1.2m. Sống trong căn nhà thường xuyên bị ngập nước suốt 2 năm , không chịu nổi, bà Út đành “bấm bụng” vay mượn gần 60 triệu đồng để sửa nhà nâng nền lên cao.
Trên đường Phạm văn Đồng vẫn còn nhiều nhà dân thấp hơn mặt đường Ảnh: Phạm Hữu
|
Còn tại khu vực đường Kinh Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân) nhiều hộ kinh doanh cũng lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” vì việc nâng đường này.
Anh Trần Nhật Đông (729, Kinh Dương Vương, P.An Lạc, chuyên kinh doanh máy móc thiết bị hàn) cho biết cửa hàng của mình đã phải đóng cửa nghỉ bán hơn một tháng nay vì ảnh hưởng bởi công trình nâng đường chống ngập.
Anh giải thích, việc nâng đường lên quá cao làm cho việc kinh doanh bị ảnh hưởng rất nhiều. Điều kiện vận chuyển hàng hoá, khách hàng ra vào cửa hàng rất khó khăn. Việc kinh doanh của anh Đông bị tê liệt hoàn toàn vì muốn đi nơi khác cũng không xong mà ở cũng không thể. Do khách hàng cũng đã quen với nơi buôn bán tại đây, nếu chuyển đi nơi khác cũng rất nhiều thứ phiền hà khác.
“Cửa hàng này cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình, mỗi ngày thu về khoảng 1,5 triệu đồng, vậy nên một tháng là mất khoảng 35 triệu rồi. Giờ cửa hàng thì đóng cửa, thu nhập không có nhưng vẫn phải trả các khoản thuế, phí điện nước, nhất là tiền thuê nhà 8 triệu mỗi tháng”, anh Đông ngao ngán.
Ngoài ra, còn có hộ bà Trần Thị Chính (1080, Lò Gốm, P.7, Q.6), hộ ông Nguyễn Văn Thành (số 23, đường Tam Bình, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức)... những hộ này nhà vẫn còn thấp rất nhiều so với mặt đường. Riêng nhà ông Thành liên tục bị ngập nước, mỗi ngày ông Thành phải dùng máy bơm nước ra ngoài.
Dân khó đòi bồi thường
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết theo Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8.7.2006 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau: phải có thiệt hại xảy ra; có hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật và phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Trong việc nâng đường, hạ đường ảnh hưởng đến thu nhập của những hộ kinh doanh tại nhà, LS Quynh cho rằng khả năng người dân yêu cầu bồi thường thành công là rất thấp. Bởi vì, đây là dự án đã được nhà nước phê duyệt nên rất khó tìm ra yếu tố lỗi.
Hơn nữa, việc chứng minh thiệt hại của các hộ dân cũng muôn vàn khó khăn. “Một hộ bán hủ tiếu tại nhà, trước khi nâng đường bán một ngày 70 tô, hiện nay chỉ còn bán được 30 tô/ngày rõ ràng là thiệt hại nhưng không thể nào có bằng chứng để chứng minh được. Đây chính là sự vô lý trong việc chứng minh thiệt hại trong một số vụ kiện”, LS Quynh ví dụ.
Hộ ông Nguyễn Văn Thành (số 23, đường Tam Bình, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức) có nhà thấp hơn đường hơn 2m và luôn trong tình trạng ngập nước Ảnh: Phạm Hữu
|
Vì nước ngập xuyên suốt nên ông Thành phải dùng máy bom nước ra ngoài Ảnh: Phạm Hữu
|
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) nói, việc nâng đường, xây tường chắn nhà dân… không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến mức thu nhập của những hộ dân kinh doanh tại nhà.
Về mặt pháp lý, những hộ dân này có quyền khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án bồi thường thiệt hại, nếu giải quyết không ổn thỏa họ còn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.
Tuy nhiên, để chứng minh thu nhập bị mất, bị giảm sút không hề đơn giản. Ví dụ, hộ bán hàng tạp hóa thu nhập giảm đi nhưng phải chứng minh được khoảng thời gian chưa nâng đường mức thu nhập từ quầy hàng tạp hóa là bao nhiêu, hiện tại là bao nhiêu. LS Chánh cho rằng, đa phần những hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà sẽ khó chứng minh được những thiệt hại do việc nâng đường nên việc yêu cầu bồi thường là rất khó khăn.
Nên có chính sách hỗ trợ thiệt hại
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng trước hết chúng ta nên xét về hai nguyên nhân chính về chủ quan và khách quan. Về lý do chủ quan cần xét lại vấn đề quy hoạch không đồng bộ, hợp lý do đó dẫn đến chuyện phát triển nhà, đô thị tự phát. Lúc này chúng ta nên xem cốt nền của từng nhà dân và đường có đảm bảo đúng không. Về lý do khách quan một phần do địa chất thành phố bị lún xuống kèm ngập lụt... buộc phải nâng đường.
Xét về mặt tổng thể việc nâng cốt nền lên cao hiện nay là việc cần thiết. Vì thực tế nhiều yếu tố hiện nay cho thấy chúng ta buộc phải làm. Sau khi một con đường mới hình thành tổng phúc lợi xã hội cũng sẽ dương theo. Tuy nhiên những đối tượng sẽ bị ảnh hưởng chính là người có nhà thấp hơn cốt nền, gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Như vậy, chúng ta phải phân tích những nguyên nhân cụ thể ai sai người nấy chịu.
Nếu trường hợp nhà dân xây đúng cốt nền quy định thì việc nâng đường lên nhà nước phải bồi thường. Còn trường hợp nhà trước đây xây dựng không phép, xây không đúng quy định mặc dù được hợp thức hoá thì phải tự chịu thiệt hại.
TS Du lấy ví dụ, nếu tổng lợi ích ròng của dự án là dương 100 đồng và người dân trong vùng dự án bị thiệt thêm 100 đồng. Như vậy, phần còn lại của xã hội được lợi 200 đồng, vậy là không công bằng. Do vậy nhà nước cần phải sử dụng nhiều chính sách như tái định cư, hỗ trợ tài chính sữa chửa nhà cho dân để đảm bảo không có người bị thiệt đối với các dự án này.
|
Cũng trong buổi họp báo định kỳ quý 2 – 2016 Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ tổ chức tổng hợp lấy ý kiến người dân trước ngày 1.7. Theo đó, tình hình xây dựng dự án đường Kinh Dương Vương (P.An Lạc, Q. Bình Tân) Sở GTVT đã nghe báo cáo từ Trung tâm chống ngập về phương án xử lý cụ thể vào ngày 21.6.
Trong đó đơn vị nêu ra 3 phương án xử lý gồm giảm 10, 40, 60 cm độ cao. Tuy nhiên nhược điểm của giải pháp này tạo 2 bậc vỉa hè. Qua đó, Giám đốc Sở GTVT có chỉ đạo nghiêm cứu thêm 1 phương án khác làm giảm cao độ mặt đường xuống 2 bậc. Hiện nay 4 phương án này đang lấy ý kiến người dân về phương án cuối cùng. Cũng trong đó Trung tâm chống ngập phối hợp với Q.Bình Tân đã lấy ý kiến người dân từ ngày 24.6 vừa qua.
|
Bình luận (0)