Sài Gòn, những ngày đầu hòa bình

30/04/2024 11:51 GMT+7

Năm nay, 2024, chúng ta kỷ niệm 49 năm 'Ngày dân tộc tụ về đường số Một', ngày nước non ta thành một dải thống nhất, ngày hòa bình thật sự trở lại với nhân dân ta, sau 21 năm kháng chiến bảo vệ nền độc lập.

Tôi còn nhớ, trên quảng trường Sài Gòn buổi sáng 15.5.1975, hàng vạn người dân Sài Gòn đã tập hợp với cờ hoa biểu ngữ mừng Hòa Bình Thống Nhất, mừng đón Bác Tôn Đức Thắng - người công nhân vĩ đại của nhà máy Ba Son trở về thăm lại thành phố cần lao mà Bác đã lao động và đấu tranh từ những năm đầu thế kỷ 20.

Trong những ngày đầu tháng 5.1975 ấy, làm sao quên được câu nói bất hủ của thượng tướng Trần Văn Trà - vị tướng tài ba quê Quảng Ngãi khi ông trao đổi với đại tướng Dương Văn Minh về lẽ "thắng, thua" sau cuộc chiến này. Cuộc gặp của 2 vị tướng diễn ra vào ngày 2.5.1975: "Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam thắng Mỹ".

Mít tinh mừng Ủy ban quân quản TP.Sài Gòn ra mắt ngày 7.5.1975

Mít tinh mừng Ủy ban quân quản TP.Sài Gòn ra mắt ngày 7.5.1975

TTXVN

Ngày ấy, tướng Trần Văn Trà là Chủ tịch Ủy ban quân quản TP.Sài Gòn (sau đó là TP.HCM), câu nói ấy ông đại diện cho đội quân đã chấm dứt được cuộc chiến tranh đẫm máu, mang lại Hòa Bình và Thống Nhất cho Việt Nam. Câu nói ấy khiến không chỉ đại tướng Dương Văn Minh cảm phục, mà còn khiến cho nhân dân miền Nam, nhân dân Sài Gòn thấy tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc mà Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã chủ trương từ năm 1970, khi Mỹ đưa ra chiến lược "thay màu da trên xác chết", khiến người Việt đổ máu vì người Việt, dù cùng "máu đỏ da vàng", cùng chung nòi giống Việt Nam.

Tôi nhớ, trong suốt tháng 5 năm 1975 ấy, chúng tôi đi khắp Sài Gòn, và đi tới đâu cũng nhận được những nụ cười, những lời chào hỏi ân cần, những thái độ hết sức thân thiện của người Sài Gòn với anh em Việt Cộng. Kể cả gặp những sĩ quan cao cấp của quân đội Sài Gòn khi họ đã trút bỏ bộ quân phục, chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui và thái độ hòa hợp từ họ, điều khiến chúng tôi có thể nói chuyện với nhau một cách thoải mái.

Ngày đó, khi tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh đi tìm mua sách cũ trên đại lộ Lê Lợi (bây giờ là phố đi bộ TP.HCM), chúng tôi đã gặp những trí thức Sài Gòn ngồi cà phê vỉa hè. Họ quan sát chúng tôi mua sách, và khi biết được tên sách mà chúng tôi mua, hầu hết là sách dịch, sách kinh điển, họ đã hết sức ngạc nhiên và thú vị. Họ mời chúng tôi uống cà phê, mời chúng tôi tới nhà họ chơi để cùng nói chuyện một cách hết sức chân tình.

Và trong những ngày ấy, tự nhiên lòng tôi bồi hồi. Tôi nhớ đến những cánh rừng Trường Sơn mà 5 năm trước mình đã hành quân qua, nhớ những nấm đất dọc đường hành quân mà những đồng đội trẻ của mình phải nằm lại. Nhớ những kỷ niệm không thể quên khi mình thực sự giáp mặt chiến tranh:

"Ngày dân tộc tụ về đường số Một

lòng không nguôi thương những cánh rừng này

nơi hàng vạn đứa con nằm lưng đèo cuối dốc

dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây"

(Trường ca Những người đi tới biển - Thanh Thảo)

Với những người đã đi qua chiến tranh, thì trong những ngày hòa bình đầu tiên, không ai có thể quên được những đồng đội của mình đã hy sinh vào những tháng năm gian khổ và ác liệt nhất.

Có vui mừng, hân hoan, nhớ thương, đau xót… đó là những tình cảm trộn lẫn mà tôi đã trải qua trong suốt tháng 5.1975 ở Sài Gòn.

Hôm nay, 49 năm đã qua. Nhưng không sao quên được những ngày hòa bình đầu tiên ấy. "Ngày dân tộc tụ về đường số Một", ngày đất nước ta nối liền một dải từ Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.