Sài Gòn qua lăng kính nghệ sĩ ngoại

13/08/2018 06:18 GMT+7

Những hình ảnh quá đỗi thân quen của người dân TP.HCM như quán cà phê, sông Sài Gòn, không khí phố xá... lại khiến chính họ cảm thấy thú vị lạ lẫm, khi xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nước ngoài sống và làm việc ở đây.

Vào ngày 21 - 22.9 tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM, vở kịch Sài Gòn của nữ đạo diễn người Pháp Caroline Guiela Nguyen (35 tuổi) sẽ đến với khán giả TP.HCM, sau khi đã tham gia Liên hoan sân khấu Avignon năm 2017, nhận được 3 đề cử cho giải Molières (giải thưởng của lĩnh vực kịch nghệ ở Pháp), liên tục công diễn tại các nhà hát danh giá nhất của Pháp và các nước. Vở kịch kể về cuộc đời của những người Pháp hay Việt kiều tại Pháp (như gia đình của đạo diễn Caroline Guiela Nguyen) cùng câu chuyện theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm (1956 - 1996). Đây là tác phẩm được Caroline Guiela Nguyen sáng tác trong khuôn khổ chương trình Nghệ sĩ lưu trú của Viện Pháp tại VN (dành cho các nghệ sĩ quốc tịch Pháp hoặc sinh sống tại Pháp, hoạt động trong tất cả các môn nghệ thuật và dự án phải được xây dựng trong mối tương quan với bối cảnh văn hóa VN).
“Cũ ta” nhưng “mới người”

Biên đạo Hà Lan Joost Vrouenraets bảo Sài Gòn đông đúc, rất nhiều xe máy, ồn ào… nhưng thành phố này cởi mở với mọi người. Khi dựng vở, họ đã đưa tình yêu vào đó nhiều hơn, làm cho nó tươi đẹp hơn, nhiều cảm xúc hơn

Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng

Được biết trong thời gian lưu trú ở TP.HCM để tìm hiểu lẫn thu thập tư liệu, gặp gỡ nhân chứng và làm việc với diễn viên cho vở Sài Gòn, Caroline Guiela Nguyen đã dành nhiều thời gian để khám phá những địa danh, không gian văn hóa xưa mà người Pháp hay lui tới, những hàng quán ẩm thực đặc trưng Sài Gòn xưa và cả karaoke, cà phê Sài Gòn nay...
Gần đây, những vở kịch, múa... về Sài Gòn, về sự trẻ trung năng động lẫn náo nhiệt của cuộc sống thành phố này đã mang đến những góc nhìn khác nhau từ các nghệ sĩ ngoại. Đó là hình ảnh trụ điện chằng chịt dây hay xe cộ đông đúc cùng tiếng còi hối hả, hay mưa Sài Gòn... trong nhạc kịch Đức Nhà thiện xạ (đạo diễn người Đức David Hermann) công diễn cuối tháng 7 qua. Là sự khắc họa những đặc trưng các không gian cà phê Sài Gòn trong vở múa đương đại Café Sài Gòn của 2 biên đạo người Hà Lan Maïté Guérin và Joost Vrouenraets, được biểu diễn 2 lần vào tháng 6 và tháng 7. Trước đó, hình ảnh những phụ nữ trùm áo chống nắng bít bùng - hiện tượng đô thị rất đặc trưng của TP.HCM và cả VN mà du khách nào cũng “ấn tượng”, đã được nghệ sĩ Pierre Larauza và biên đạo Emmanuelle Vincent “kể” bằng ngôn ngữ múa đương đại trong vở Sự uốn éo của đô thị (2017). Hay vẻ êm đềm yên ả tưởng quá quen thuộc của con sông Sài Gòn cũng trở thành nguồn cảm hứng để biên đạo Hàn Quốc Chun Yoo-oh sáng tạo nên những tổ khúc múa trong chương trình Arirang Sài Gòn...
Là người theo dõi lĩnh vực nghệ thuật này cũng như thưởng thức hầu hết những tác phẩm trên, NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (đơn vị phối hợp thực hiện hoặc có diễn viên tham gia các vở diễn về Sài Gòn), cho rằng: “Đôi khi chính người VN, nghệ sĩ ở TP.HCM lại không để ý, thờ ơ hoặc bỏ quên những điều bình dị, gần gũi diễn ra trong cuộc sống thường nhật khi xây dựng tác phẩm của mình. Ở đây, “cũ người mới ta” đã được các nghệ sĩ ngoại vận dụng rất tốt khi giới thiệu tác phẩm nghệ thuật của họ đến với công chúng TP.HCM cũng như khán giả VN”.
“Việc tìm chất liệu của Sài Gòn hay VN nói chung để đưa vào tác phẩm kinh điển, hoặc việc sáng tạo những tác phẩm mới dựa trên chất liệu về Sài Gòn, đó cũng là một trong những mục tiêu của người làm nghệ thuật khi muốn tiếp cận khán giả nơi đây. Với nghệ sĩ ngoại, tôi nghĩ rằng bên cạnh mục tiêu, đó còn là cả cảm hứng, tình yêu họ dành cho mảnh đất này”, NSƯT Trần Vương Thạch nhìn nhận.
Bỏ qua ồn ào phố xá để khám phá, sáng tạo
Theo nghệ sĩ múa Sùng A Lùng (tham gia vở Café Sài Gòn): “Chúng tôi thường xuyên cộng tác với biên đạo nước ngoài, thấy họ cảm nhận Sài Gòn theo cách không giống người bản địa cảm nhận và biết, điều đó làm cho mình thấy được góc nhìn khác về thành phố này dù mình cũng đang sinh sống ở đây. Biên đạo Hà Lan Joost Vrouenraets bảo Sài Gòn đông đúc, rất nhiều xe máy, ồn ào, vào cà phê thì các bạn gần như cắm mặt vào điện thoại… nhưng thành phố này cởi mở với mọi người. Tốt có, xấu có, và họ vẫn cảm thấy yêu thích điều đó. Khi dựng vở, họ đã đưa tình yêu vào đó nhiều hơn, làm cho nó tươi đẹp hơn, nhiều cảm xúc hơn”.
Với đạo diễn David Hermann, người đã đến TP.HCM nhiều lần trước đó khi dàn dựng vở nhạc kịch Cây sáo thần, Con dơi, thì: “Sài Gòn là thành phố tràn đầy năng lượng và sức sống. Chính môi trường đặc biệt của nơi này đã truyền cảm hứng rất lớn cho công việc của tôi”. Anh cho biết, khi dàn dựng Nhà thiện xạ, việc đưa hình ảnh quen thuộc mà anh cho là phù hợp bối cảnh vở diễn như bàn bi da, kẹt xe khi mưa, máy ATM... lên sân khấu là cách để tạo nên sự gần gũi, dễ chịu hơn cho khán giả TP.HCM, khi thưởng thức nhạc kịch của Đức.
Biên đạo Joost Vrouenraets cho biết có thể từ năm sau anh sẽ sang VN mỗi năm 3 tháng để sống, khám phá Sài Gòn, khám phá VN. “Có vẻ như anh ấy bỏ qua những ồn ào của xe cộ, phố xá, để chú tâm tò mò, khám phá, sáng tạo và dành tình yêu nhiều hơn cho nơi này”, Sùng A Lùng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.