Sài Gòn sau 18 giờ: 'Bụi đời' bất đắc dĩ

20/08/2021 06:06 GMT+7

Là những người lao động chân tay nhưng bùng dịch, mất việc, mất nguồn thu nhập, không còn khả năng trang trải chi phí ăn ở, nhiều người buộc phải ra đường lang thang, làm “bụi đời” bất đắc dĩ.

Ngoài dân bụi đời lâu năm ở các bến xe, dạ cầu, công viên, khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội không ra đường sau 18 giờ, còn xuất hiện những gương mặt hoàn toàn mới. Đó là những lao động thất nghiệp nhiều ngày, không cầm cự nổi khi dịch kéo dài nên họ ra đường kiếm cơm.

Bản tin Covid-19 ngày 19.8: Kỷ lục 10.654 ca nhiễm mới; tiếp tục chi viện cho phía Nam chống dịch

Bụi đời tuổi... 86

Nằm trên băng ghế chờ tại trạm xe buýt Bến Thành trên đường Hàm Nghi (Q.1), cụ Lê Thị Kim Dung (86 tuổi, quê Đồng Nai) run rẩy vì đói và khát. Đã gần 8 giờ tối mà cụ chưa có bữa ăn nào trong ngày. Lúc 3 giờ chiều, khát quá, cụ vào nhà vệ sinh công cộng ở bến xe định uống nước máy. Nhưng vào tới nơi, thấy có người đi vệ sinh không dội nước, mùi hôi bốc lên nghẹt mũi, cụ nôn rồi... đi ra.
“Có lẽ do tuổi già nên sức yếu đi nhiều. Trước đây tôi nhịn đói, nhịn khát hoài mà chưa bao giờ thấy mệt như lần này”, cụ bảo.
Trong lúc những người khác tới điểm xin cơm từ thiện thì cụ toát mồ hôi lạnh không đi được. Cụ nằm ở vỉa hè rồi thiếp đi. Khi tỉnh lại có người tặng cho bọc bánh tét. Cụ vội mở ra định ăn nhưng thấy nhân có thịt đành gói lại vì lâu nay cụ ăn chay trường, ngửi mùi thịt cụ thấy tanh không nuốt nổi. Khi thấy chúng tôi dừng ở bến xe, cụ Dung lập cập: “Có cơm chay không, cho bà xin một hộp. Sáng giờ bà bị bệnh không đi xin được”.
Nhìn bàn tay gầy gò run rẩy của cụ, đồng nghiệp đi cùng tôi vội cởi tấm áo khoác choàng cho cụ: “Cụ ngồi yên ở đây đợi con một lát”. Chúng tôi quay xe vội chạy quanh mấy siêu thị mini, quán cơm chay định mua gì đó cho cụ ăn tạm nhưng không còn nơi nào mở cửa. Cả thành phố chìm trong tĩnh lặng, cần một hộp cơm vào lúc này nhưng gần như bất lực. Cũng may, tại một chốt kiểm soát trên đường Cách Mạng Tháng Tám giao Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), khi biết chuyện, một anh công an vội đưa hộp cơm chay cho chúng tôi. Cùng với chục chai nước suối lấy từ tòa soạn Báo Thanh Niên, chúng tôi quay lại đưa cụ.
Vừa nhận, cụ Dung uống một hơi, chai nước cạn tới đáy. Lấy lại sức, lúc này cụ mới mở hộp cơm chay xúc từng muỗng móm mém vừa nhai vừa nói chuyện. Năm 17 tuổi, cụ đã biết đi cạo mủ cao su, đi làm mướn kiếm tiền. Sau đó, cụ vào chùa làm công quả và ăn chay. Mấy năm nay, chùa tu sửa, cụ lang bạt vào Sài Gòn, giúp việc cho tiểu thương chợ Bến Thành (Q.1), cha xứ ở nhà thờ, tiệm bánh. Sau khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội (theo Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng), tiệm bánh đóng cửa. Không chồng con, em gái đang ở Đồng Nai nhưng cũng nghèo nên không giúp được gì, cụ Dung không còn chỗ nào để về nên ra bến xe buýt làm... bụi đời. “Tôi biết xem tướng số và vẫn còn sức để làm mướn, ngặt nỗi dịch vầy không ai thuê”, cụ than.
Sài Gòn sau 18 giờ: 'Bụi đời' bất đắc dĩ1

Nhóm Đêm Sài Gòn tặng phiếu, mỗi tuần cụ Dung sẽ nhận được hỗ trợ 500.000 đồng

ẢNH: LAM NGỌC

Dựa nhau lúc dịch

Anh Lê Văn Phong (40 tuổi, quê H.An Lão, Hải Phòng) cũng mới trở thành dân bụi đời bất đắc dĩ ở trạm xe buýt Q.1. Cả ngày anh chỉ nấp vào một xó, không chạy ra những điểm đông người xin cứu trợ.
Dắt chúng tôi tới chỗ anh Phong ngồi núp, cụ Dung giới thiệu: “Hiền lắm, bụi đời mà xấu hổ không dám đi xin”. Vẻ mặt ngại ngùng, anh Phong cho biết anh vốn là bảo vệ quán cà phê. Hơn 3 tháng trước, quán nghỉ, trừ tiền mượn trước và tiền ăn uống, anh còn lại 750.000 đồng. “Tôi ăn hà tiện để chờ dịch qua tiếp tục đi làm, nhưng gần 4 tháng là quá dài cho những người lao động chân tay, được đồng nào xào đồng đó. Hết cách, tôi đành xách ba lô ra đường để không mất tiền nhà”, anh Phong nói.
Những ngày đầu, thấy anh Phong ngại khi có nhà hảo tâm tới cứu trợ nên cụ Dung thường lại ra mặt xin thêm một phần. “Đợi họ đi, tôi mang lại, nói mãi mới chịu nhận”, cụ Dung kể. Sau đó, anh Phong cũng theo vài người lang thang ra đường Nguyễn Thị Nghĩa xin cơm. “Mình đeo khẩu trang cho họ không thấy mặt nên bớt ngại. Tôi chỉ sợ họ nhìn mình thanh niên, khỏe mạnh đi xin ăn, họ khinh, nói mình lợi dụng”, anh Phong chia sẻ.
Dù nhận cứu trợ nhưng anh Phong có nguyên tắc, mỗi ngày anh chỉ xin dưới... 10 phần đồ ăn. Trong đó có 4 phần cho anh và cụ Dung, còn 6 phần để dành cho mấy công nhân nghèo làm dưới hầm metro sau khi tan ca.
Sống xa gia đình nên nhìn cụ Dung, anh Phong lại nhớ người thân ở quê. Mấy ngày ở trạm xe buýt, thấy cụ yếu nên anh thay cụ xin cơm.
Ở trạm xe buýt, cụ Dung chính là người thân của anh Phong nên nhìn cụ đói, lạnh anh lại nhói lòng. Đôi mắt chùng xuống, anh kể: "Tối qua, tới 5 giờ sáng cụ Dung mới ngủ. Lúc ấy tôi cũng vừa chợp mắt thì bỗng nghe cái “bịch”, nhìn sang, thấy cụ Dung đang nằm co dưới nền gạch. Tôi vội chạy qua đỡ cụ dậy, lấy cái ba lô của mình để cụ dựa nhưng cụ không chịu còn nhắc: Sống ở bến xe người đâu của đó, có cái ba lô thì giữ cho kỹ, mất thì không còn bộ đồ mà mặc. Nói đoạn, cụ dúi cái ba lô lại cho tôi rồi kéo cái áo khoác hôm trước được một anh nhà báo tặng gối đầu, bảo: “Tao gối cái này thấy ấm hơn”. Từ hôm được tặng cái áo khoác, cụ quý lắm. Lúc ngủ, cụ cũng ôm khư khư, bảo “sợ mất cái áo của nhà báo tặng”.
Bụi đời ở bến xe cũng có 5 - 7 kiểu. Có người ra ngồi để kiếm tiền vì lười lao động, nhưng cũng có những người bất đắc dĩ như cụ Dung và anh Phong. Hơn một tháng, cụ và anh Phong từ những người xa lạ hóa người thân. Trong hoạn nạn, họ dựa vào nhau để cùng sống.
(còn tiếp)

Một tháng... nhịn tắm

Anh Bùi Quốc Hoàn (45 tuổi, quê Cà Mau) trước làm giữ xe quán nhậu nhưng bùng dịch, quán nhậu nghỉ nên anh mất việc, đành đi bụi. Do không biết các điểm tắm rửa công cộng nên hơn một tháng nay anh Hoàn chỉ lo chạy từ gầm cầu này qua công viên khác trú ngụ mà không nghĩ gì tới chuyện tắm rửa. Anh Hoàn bảo, thời gian này anh chỉ lang thang, không đổ mồ hôi nên cũng không màng chuyện tắm rửa. Ngoài ra, anh còn lo: “Giờ vào nhà tắm công cộng tôi sợ lây bệnh. Ở Sài Gòn không người thân thích, nếu lỡ bị bệnh, biết bám víu ở đâu!”.

Không có xét nghiệm âm tính, không thể đi làm

Anh Lê Hoàng Trung (40 tuổi, quê Lộc Ninh, Bình Phước) là tài xế xe chở rác tại Q.12. Trước dịch, anh đang làm thì phải về quê có việc gấp. Anh về quê 2 ngày, khi xuống làm lại thì nhận quyết định cho thôi việc. Anh qua Công ty dịch vụ công ích Q.2 xin việc và được yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19. Phí xét nghiệm một lần hết 400.000 đồng, khi về quê anh đã dồn hết tiền để lo việc nhà nên không còn nữa. Anh nói: “Bố mẹ em mới mất cách đây không lâu. Nhà lại khó khăn quá”.
Nhìn anh Trung khỏe mạnh, nhiều người nghi anh xin tiền hút chích. Đôi khi có người cho 20.000 - 50.000 đồng, đói bụng anh vào siêu thị mua chai nước, phần cơm là lại hụt tiền, gom mãi chưa đủ tiền xét nghiệm. “Đến nay chắc bên công ty họ cũng không còn tuyển nữa nên em đi bụi luôn”, anh Trung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.