Sài Gòn tiệm xưa quán cũ: Dân chơi 'hệ' cơm tấm, bánh mì Sài Gòn

17/09/2022 07:36 GMT+7

Những quán ăn xưa trải qua nhiều cuộc bể dâu nhưng vẫn giữ hương vị và cả tên con đường xưa trong ký ức nhiều người. “Cơm tấm Trần Quý Cáp” hay “ bánh mì Hoà Mã” là hai trong số nhiều tiệm ăn như thế hút “dân chơi hệ mê cơm tấm, bánh mì” Sài Gòn.

Định danh cơm tấm Sài Gòn

Trưa nay ăn gì? Hội những người ghiền cơm tấm Sài Gòn hẳn có trong tay nhiều địa chỉ quen thuộc. Như là cơm tấm Thuận Kiều, cơm tấm Cali, cơm tấm An Dương Vương, “cơm tấm bô rác” Q.4. Hay cơm tấm chảnh cũng ở đường Nguyễn Tri Phương, Q.5 với giá trên trời vì có phần lên tới “200k/đĩa” khiến nhiều người lè lưỡi vì cơm tấm gì mà mắc thế? Thành phố này cũng đâu thiếu những đĩa cơm tấm vỉa hè với mùi sườn nướng thơm nức mũi, miếng chả trứng vàng ươm đặt bên trên mặt cơm rưới mỡ hành béo ngậy? “Giá chỉ từ 40k/đĩa”!. Nhưng với dân sành ăn ở TP.HCM từ những thập niên Sài thành còn đèn hoa rực rỡ về đêm trước 1975, không ai không nhớ tới một tiệm ăn trên con đường Trần Quý Cáp mà sau 1975 đổi thành đường Võ Văn Tần, Q.3 bây giờ. Cố nhà văn Lê Văn Nghĩa, cây bút viết về Sài Gòn xưa, từng hoài niệm: “Tuổi thơ của nhiều thằng nhỏ Chợ Lớn - Sài Gòn chưa hề biết phở là gì nhưng cơm tấm thì đã từng là nỗi nhớ, niềm thèm khát của con tì, con vị Sài Gòn”.

Ông Huỳnh Văn Phong, một trong hai anh em sinh đôi nối nghiệp bà nội bán cơm tấm

“Ngồi ở quán cơm tấm quen thuộc của những người hay đi ăn ban đêm. Quán cơm tấm bây giờ đã khác nhiều, như con đường chạy ngang trước mặt quán, con đường Trần Quý Cáp. Ngày xưa nó chỉ là một đoạn đường nối dài cho một con đường có tên rặt Phú Lang Sa. Ngày xưa quán chỉ là một mái lá ẩm mục, hàng cơm được dọn trên một bộ ngựa phập phều xiêu vẹo. Bà chủ quán cũng ngồi ngay trên ấy với cái rổ đựng tiền có nắp. Khách ăn ngồi quanh bộ ngựa với những chiếc ghế thấp ghép bằng ba tấm ván đơn sơ. Ăn xong, uống một tô trà quế nóng hổi và bàn chuyện nắng mưa của trời đất.” (nhà văn Dương Trữ La viết về quán cơm tấm Trần Quý Cáp trong chủ đề "Nhà văn viết về Sài Gòn" do tuần báo Khởi Hành (5.1969) thực hiện).

Ai đặt tên “Cơm tấm Trần Quý Cáp ?”

Cơm tấm Trần Quý Cáp bây giờ được giới trẻ thành phố gọi là cơm tấm Võ Văn Tần hay cơm tấm sinh đôi vì có hai anh em sinh đôi đứng bán. Hội những đứa ghiền cơm tấm như tôi đã “bén vị” cơm tấm Trần Quý Cáp từ thời sinh viên, cách đây gần 20 năm. Lúc đó, mấy đứa sinh viên gốc Bắc mê cơm tấm Sài Gòn thường thắc mắc: Sao tiệm ở đường Võ Văn Tần mà kêu cơm tấm Trần Quý Cáp? Phải tới 20 năm sau, tôi mới được biết lý do thú vị của tiệm ăn giữ tên con đường xưa từ ông Huỳnh Tấn Tư, 69 tuổi, cháu họ của bà chủ quán cơm năm xưa. Ông Tư kể: “Cái tên quán là do một ông luật sư đặt. Chứ hồi đó người ta kêu “Cơm tấm bà Tiền” (tên bà chủ tiệm cơm thời đầu mới mở - PV). Trước 1975, tiệm bán cơm không có giấy phép. Một hôm, trưởng cảnh sát quận mới đến và nói với bà nội: Quán của bác phải có giấy phép, vì quán bác bán đông và có tiếng. Cho bác bán nốt hôm nay, mai bác nghỉ để làm giấy phép vì đó là quy định. Vậy là bà nội nhờ luật sư làm giấy phép. Ổng hỏi bà nội muốn đặt tên gì, bà mới kêu tùy ổng. Ổng nói hay lấy tên đường luôn, bà nội đồng ý, từ đó mới có tên cơm tấm Trần Quý Cáp”.

Đĩa cơm tấm gây thương nhớ ở tiệm cơm lâu đời của Sài Gòn

Lê Vân

Xưa, lúc mới mở, tiệm cơm bán từ 5 giờ chiều đến sáng hôm sau. Mỗi đêm bán được hơn 1 tạ tấm lấy từ Chợ Lớn. Ông Tư tiếc nuối khi hoài niệm về một thời tiệm cơm đông xếp lớp chờ lượt.

Ông kể: “Khách xưa chủ yếu là lính, dân xích lô, tài taxi, có cả gái vũ trường, nghệ sĩ cải lương, ca sĩ nổi danh. Càng khuya càng bán đông, hồi đó cứ trải bàn là ngồi, và xe rất ít nên ngồi tràn cả ra đường”. Cơm tấm Trần Quý Cáp nổi danh không chỉ bởi món chả trứng xốp mềm, có khi còn có cả chả cua. “Hồi xưa bà nội nghĩ ra nhiều món bán lắm: gà tiềm nước dừa là bán đắt nhất, lúc nào cũng có cá trê, cá lóc kho. Trước đó là bán sườn chiên, sau mới qua sườn nướng tới giờ”. Sau năm 1982, quán cơm được giao lại cho con cháu bà Tiền bán. Đến nay đã trải qua thế hệ thứ 3, hai đứa cháu sinh đôi của bà Tiền tiếp tục đứng bán. Quán chuyển sang bán cơm ban ngày từ trưa tới 8 - 9 giờ tối. Nhưng sau dịch Covid-19, quán chỉ còn bán buổi trưa, tới chừng 2 giờ chiều là nghỉ. (còn tiếp)

Bánh mì HÒA Mã: Ốp la 2 trứng giá từ 50.000…

Một tiệm bánh mì có từ trước 1975 ở Sài Gòn cũng lưu giữ tên đường xưa quán cũ là bánh mì Hòa Mã ngay góc Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu, Q.3. Người đứng bán hiện tại là cháu đời thứ 3 của ông già bán bánh mì Hòa Mã - xuất xứ Hà Nội, di cư vào Sài Gòn từ những năm 1950. Theo đó, khi còn ở Hà Nội, quán nằm trên con đường nhỏ tên Hòa Mã, tới khi vào Sài Gòn, ông chủ vẫn giữ tên quán cũ ở con đường xưa để thỏa lòng nhớ nhung quê hương. Tiệm dù chỉ là một quán nhỏ, bán nhờ vỉa hè là chính nhưng giá một phần bánh mì thấp nhất ở đây từ 50.000 đồng trở lên. Phần “đủ topping” bao gồm ốp la, chả, thịt nguội… có thể lên tới 85.000 đồng. Nhưng ghé tiệm bánh mì Hòa Mã, chỉ bán vào buổi sáng, khách đều phải xếp hàng chờ lượt. Dường như vị ký ức xưa ở quán bánh mì lâu đời này đã ăn vào tiềm thức nhiều thực khách mê bánh mì và họ sẵn sàng móc túi chi trả bữa sáng hạng sang ngay ở một quán vỉa hè, như nhà hàng bánh mì thịt nguội Nguyên Sinh, cũng lâu đời ở TP.HCM.

Lật giở sách xưa, cơm tấm

Sài Gòn vốn sinh ra là để bán cho đám thợ thuyền thời Pháp thuộc ở khu chợ Sài Gòn những năm 20 của thế kỷ 19. Ban đầu cơm tấm chỉ có món chả trứng, bì vụn vì chỉ bán cho dân nghèo. Sau này nhiều nhà giàu cũng ghiền món cơm bình dân có mỡ hành nên mới có thêm phần sườn nướng và nhiều loại topping khác như bây giờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.