Sáng 14.5, Hội Xuất bản VN (Văn phòng đại diện phía nam) tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho việc hình thành Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM).
Ngày sách VN lần 2 (18.4.2015) tại đường Nguyễn Văn Bình đã diễn ra thành công - Ảnh: Độc Lập
|
Hội thảo có hơn 20 đơn vị liên quan đến ngành sách, xuất bản tham dự. Ông Lê Hoàng (Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, phụ trách phía nam) cho biết cuộc hội thảo này được tổ chức trên cơ sở tiếp tục cuộc tọa đàm do Ban tổ chức Ngày sách VN lần 2 tổ chức diễn ra vào ngày 18.4.2015 tại đường Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM).
Tổng kết ngày sách được tổ chức ở đây, ông cho rằng thành công ngoài mong đợi cả về cách bài trí lẫn mãi lực nên lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM và Hội Xuất bản đã quyết tâm rất cao trong chủ trương hình thành Đường sách Nguyễn Văn Bình. Từ những ý kiến tại hội thảo, TS Quách Thu Nguyệt (Ủy viên Thường vụ Hội Xuất bản VN) sẽ chấp bút viết đề án trình lên UBND TP.HCM vào cuối tháng 5.2015.
“Bộ mặt văn hóa của thành phố”
Ông Lê Hoàng cho rằng đường Nguyễn Văn Bình rất lý tưởng để hình thành đường sách bởi nằm ở trung tâm thành phố, dài 200 m, hai bên không có nhà dân, không gian nên thơ, yên tĩnh, rợp cây xanh, lại nằm sát bên nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM, Nhà văn hóa Thanh Niên, dễ thu hút khách du lịch và các bạn trẻ... Hầu như tất cả các đại biểu tham gia hội thảo đều tán đồng và cho rằng phải cấp thiết hình thành đường sách TP.HCM nhưng cũng còn chưa thống nhất ở vài điểm như tên gọi “đường sách” hay “phố sách”; “đường sách Nguyễn Văn Bình” hay “đường sách TP.HCM”; thiết kế như thế nào cho hợp lý (nhà tiền chế hay kiên cố, nên có mô hình cà phê sách không?); có nên làm bãi giữ xe ngầm?...
Ông Hoài Bắc (NXB Văn hóa nghệ thuật TP.HCM) góp ý: “Tôi nhất trí với tên gọi Đường sách Nguyễn Văn Bình. Đề án này đã được sự nhất trí, ủng hộ của các cơ quan nhà nước, vậy đề nghị Hội Xuất bản chỉ nên quản lý về mặt hình thức (cách bài trí) và nội dung (tuyển chọn sách), còn phần quản lý cứng thì nên để cho nhà nước (thu phí, quy hoạch bãi giữ xe). Chúng ta không nên làm bãi giữ xe ngầm vì kinh phí quá lớn. Đường sách này của TP.HCM thì nên ưu tiên cho những đơn vị thuộc thành phố này”.
Ông Nguyễn Huy Hải (Giám đốc chi nhánh phía nam Công ty CP văn hóa Huy Hoàng) đề nghị Hội Xuất bản nên tinh chọn sách hay, độc đáo của các NXB có uy tín để giới thiệu ở đường sách này vì diện tích mặt bằng không cho phép trưng bày tràn lan. Đồng thời cũng nên chọn những doanh nghiệp có thực lực về tài chính, đủ khả năng đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động của đường sách. Ông Nguyễn Hữu Cứ (Giám đốc Công ty văn hóa Hương Trang) đề nghị mỗi đơn vị tham gia đường sách nên giới thiệu ở đây loại sách tạo nên “thương hiệu” của đơn vị mình. Ông Cứ cũng đề nghị thành lập Công ty CP đường sách Sài Gòn.
Bà Quách Thu Nguyệt, người chấp bút cho đề án, sôi nổi: “Đường sách Nguyễn Văn Bình là bộ mặt văn hóa của thành phố. Phải làm sao để đường sách mang được diện mạo, bản sắc của người Sài Gòn. Nó phải khác với các phố sách Đinh Lễ, Phạm Văn Đồng, Láng... ở Hà Nội. Giải được bài toán này sẽ giải quyết được đơn vị nào sẽ tham gia vào dự án này, và như thế cũng giải quyết được vấn đề diện tích mặt bằng. Tôi cho rằng đường sách là một nhu cầu có thật ở TP.HCM cho nên cần thiết, rất cần thiết phải có. Nhiệm vụ của chúng ta là kiến tạo con đường sách này ra sao để người Sài Gòn đi đâu cũng nhớ về con đường này, người ngoại quốc đến Sài Gòn phải tìm đến con đường này”.
Đường chưa đủ lớn...
Ông Lê Thanh Hà (Giám đốc NXB Sư phạm TP.HCM) cho rằng: “Chúng ta có chợ cá, chợ chim nhưng chợ sách thì chưa có. Muốn buôn bán được sách phải hình thành một tổ hợp. Một gia đình đi chợ sách thì phải có chỗ cho con chơi, có chỗ cho mẹ mua sắm hoặc giải trí, có chỗ cho bố vừa uống cà phê vừa đọc sách... Điều băn khoăn là đường Nguyễn Văn Bình chưa đủ lớn (so với mặt bằng cả nước), nếu tất cả các đơn vị ngành xuất bản tham gia thì e rằng không đủ chỗ. Về đầu tư, chúng ta đang tham khảo, thăm dò nên đơn vị chúng tôi chưa dám, chỉ khi nào thấy kinh doanh có hiệu quả mới dám đầu tư lớn...”.
|
Còn theo ông Đỗ Thành (Công ty sách Nhân Trí Việt): “Chúng ta quá nặng nề về mặt chủ trương mà không có mô hình. Phải quy hoạch cả không gian, thời gian và cả con người, rồi phân tích lợi nhuận trong 10, 20 năm sau. Nhiệm vụ của chúng ta là phục vụ thế hệ kế tiếp nên phải có kế hoạch lâu dài: cố định (đầu tư, xây dựng kiên cố) hoặc không cố định (hình thức chợ phiên)...”.
Ông Lê Hoàng gút lại, việc hình thành đường sách chỉ còn ở vấn đề thời gian. Đây không phải là cơ hội để kinh doanh mà là cơ hội tốt nhất nhằm phục vụ văn hóa đọc cho người dân thành phố. Đường sách không chỉ bán sách mà còn là một “không gian văn hóa sách”. Ở đây sẽ luôn có những hoạt động giao lưu, trao đổi, giới thiệu tác giả - tác phẩm, thư giãn... thậm chí còn hướng tới việc phục vụ cho các cháu thiếu nhi đọc sách miễn phí... “Chúng tôi rất mong muốn có sự tham mưu của các ban ngành liên quan về quy hoạch, kiến trúc. Lộ trình còn rất dài nhưng sự đồng thuận của các đối tác hôm nay đã là tiền đề cho Đường sách Nguyễn Văn Bình nay mai” - ông nói.
Bình luận (0)