Thời đó, Tây y do người Pháp đưa qua chưa phổ biến rộng khắp vì chi phí cao, thường dành cho người Pháp và một số người Việt tầng lớp trên. Đa số dân chúng dùng thuốc đông y. Nhà thuốc Ông Tiên, với đầu óc nhạy bén của những người quản lý rất chú trọng đến việc quảng cáo tên tuổi và sản phẩm, đã chiếm vị trí lớn về thuốc chữa bệnh bằng đông y trong xã hội VN lúc đó.
Họ đăng báo quảng cáo thuốc rất nhiều, từ báo Công Luận trong Nam đến Hà Thành Ngọ Báo ngoài Bắc. Họ tham gia hội chợ để mở gian hàng giới thiệu sản phẩm. Để thu hút người đến xem, họ thuê người đến diễn hoạt cảnh hài hước, diễn xiếc tại gian hàng. Thuốc ở hội chợ bán rẻ hơn ở tiệm. Nhà thuốc còn tặng sách để quảng cáo cao đơn hoàn tán, kèm thêm bài vè để chơi “lô tô”.
Ngoài Sài Gòn - Gia Định, nhà thuốc Ông Tiên mở ra các chi nhánh khắp nơi, từ Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Bắc Giang, Nam Định, Đáp Cầu, Bắc Ninh, Yên Bái, Cần Thơ, Bạc Liêu, Châu Đốc, Phnom Penh (Campuchia)... và có tới 850 đại lý trên khắp mọi miền đất nước, con số không nhỏ !
|
Năm 1936, trên báo Công Luận số xuân quảng cáo nhà thuốc Ông Tiên ghi rõ địa chỉ là số 82 đến 92 đường Paul Blanchy nối dài (Rue Paul Blanchy prolongée) ở Phú Nhuận, nay là đường Phan Đình Phùng. Hình nhà thuốc chiếm hết bề ngang trang báo, đó là một dãy nhà dài, gồm tất cả sáu gian. Nếu tính trung bình một gian là 3 m thì mặt tiền nhà thuốc là 18 m, rất bề thế.
Tiệm chia thành nhiều bộ phận (gọi là “sở”), bao gồm: gửi thuốc, bút toán, thơ tín, phòng khách, bào chế và khám bệnh. Thầy thợ và nhân công trên 400 người. Các sở đều có người kiểm soát kỹ lưỡng do hai ông “học sĩ y khoa” là Tống Văn Viết và Nguyễn Ngọc Châu làm giám chế. Ông Nguyễn Hoàng Hoanh chủ trương.
tin liên quan
Những bức ảnh kể chuyện Sài Gòn xưaKhông chỉ mở các đại lý rộng khắp, nhà thuốc Ông Tiên còn có xe quảng cáo chạy đến các làng xóm và bán thuốc. Một chiếc xe chạy vào khu An Nhơn, nay thuộc Q.Gò Vấp, được mô tả như sau: “Đó là một chiếc xe hơi kiểu chở đồ, bít bùng, mở cửa phía sau, hai bên hông có sơn “Nhà thuốc Ông Tiên” và hình nhãn hiệu ông Tiên cầm phất trần. Trên mui xe có gắn một cái loa lớn.
Đàng sau xe có để một cái bàn, trên đó bày đầy hộp thuốc đủ thứ” (Tiền Vĩnh Lạc - Làng cũ người xưa). Xe chưa đến, đã phát từ xa các bài vọng cổ thịnh hành thuở đó. Bài vọng cổ để gây chú ý trước, sau đó người bán sẽ giới thiệu các loại thuốc hiệu Ông Tiên. Hết lô tô lại đến ca vọng cổ cho đến khi vãn người đến xem, xe mới chạy đi bán nơi khác.
Khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế, từ 1929 đến 1933, nhà thuốc Ông Tiên tổ chức một đoàn ra tới tận Hà Nội để quảng bá thuốc. Hà Thành Ngọ Báo, số 2409 ra ngày 22.9.1935 đánh giá: “Đối với năm kinh tế quẫn bách này mà nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận, Sài Gòn dám tổ chức một đoàn quảng cáo rất lớn lao mà từ xưa đến nay chưa từng có để phô trương các thuốc hiệu “Ông Tiên” đã được trăm nghìn người dùng đều khen tặng.
Cuộc hành trình này tốn kém trên một vạn đồng bạc, nào xe ô tô, nào máy truyền thanh và trăm ngàn lộ phí khác”. Trên tấm hình đăng kèm, trong đó có đám đông người vây quanh một chiếc ô tô. Tờ báo rất lịch sự viết: “Vậy chúng ta xin cầu chúc cho đoàn quảng cáo Ông Tiên đi đường được bình yên và được kết quả mỹ mãn, như vậy là dám hy sinh với nghề nghiệp một cách mới mẻ”.
tin liên quan
Ông xe ôm có số lượm tiền bạc tỉ luôn 'sĩ diện' quyết tìm người trả lạiHai tháng sau sự kiện đó, tháng 11.1935, nhà thuốc này mở thêm chi nhánh tại Hà Nội ở số 68 phố Hàng Giấy, khu Đồng Xuân. Nhân sự kiện đó, nhà thuốc thông báo các đại lý ở Hà Nội sẽ bán một và biếu một sản phẩm của nhà thuốc.
Tất nhiên, khi một doanh nghiệp làm ăn được thì họ không chỉ nhận được lời khen tặng. Khi nhà thuốc đăng lời của một độc giả từ Marseille bên Pháp khen là thuốc dùng có công hiệu, nhà thuốc bị tố là bịa ra bức thư đó. Nhà thuốc phải đăng trên báo Tân văn hình biên nhận của bưu điện khi gửi thuốc đi Pháp và tờ thanh toán của bên Pháp để chứng minh sự minh bạch của mình.
Hơn 80 năm trước, nhà thuốc Ông Tiên tại Phú Nhuận, ngoại ô Sài Gòn khi đó, đã tỏ rõ sự năng động trong làm ăn, phát triển và quảng bá thương hiệu có thể nói là bắt kịp thời đại. Đó là tấm gương đáng tự hào của một doanh nghiệp sản xuất thuốc chữa bệnh đất Sài Gòn - Gia Định trong thời Pháp thuộc.
Bình luận (0)