Swagatam Sen, người đàn ông 39 tuổi, làm việc tại một tổ chức tài chính ở Anh, thường bắt đầu một ngày theo cách mà hầu hết mọi người có thể cảm thấy kỳ lạ. "Điều đầu tiên tôi làm khi thức dậy vào buổi sáng là cố tình truy cập vào một trang web mà tôi không hề quan tâm", Sen cho biết. Suốt cả ngày, dù ở nơi làm việc hay trong thời gian riêng tư, Sen đều chuyển qua chuyển lại giữa những trang web anh thích và những trang anh không thích, tất cả việc này là để đánh lừa các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) đang theo dõi hoạt động trực tuyến của anh.
Theo Nikkei, các nền tảng truyền thông xã hội và các dịch vụ trực tuyến khác đã sử dụng AI để theo dõi hoạt động tìm kiếm và thói quen duyệt web hằng ngày của người dùng. Một trong những mục đích của việc này là để xác định quảng cáo, kết quả tìm kiếm hoặc nội dung phù hợp nhất với người dùng. Các công ty công nghệ cũng đang nỗ lực khai thác AI nhằm tận dụng hàng loạt dữ liệu.
Công ty nghiên cứu IDC ước tính đầu tư vào AI sẽ tăng gấp đôi từ 50,1 tỉ USD trong năm 2020 lên 110 tỉ USD vào năm 2024. Con số này sẽ gần bằng số tiền ngành công nghiệp ô tô chi cho nghiên cứu và phát triển. Tất cả những chi tiêu dự kiến cho ngành công nghiệp AI sẽ tạo ra tác động lớn. Theo nhóm chuyên gia của hãng kiểm toán PwC, vào giữa những năm 2030, AI sẽ khiến 30% công việc hiện nay trở nên dư thừa. Tuy nhiên, trước khi AI có thể hoàn toàn mở ra một kỷ nguyên mới, điều có vẻ rõ ràng nhất ngay bây giờ là nó đang gặp phải không ít hạn chế. Một báo cáo của công ty nghiên cứu toàn cầu Gartner cho thấy 47% dự án AI đang bị đình trệ và giới hạn trong giai đoạn nghiên cứu.
Một trong những đặc điểm lớn nhất của AI là khả năng học hỏi, nhưng ngay cả khi công nghệ này đã được sử dụng rộng rãi hơn, người ta vẫn dễ dàng tìm thấy các lỗi. Tháng 8.2020, hàng trăm học sinh trung học ở London đã biểu tình bên ngoài Bộ Giáo dục Vương quốc Anh để phản đối kết quả được tính bằng AI. Vì dịch Covid-19, chính phủ đã hủy kỳ thi tuyển sinh đại học và sử dụng một công cụ AI để ước tính điểm số. Công cụ này dựa trên đánh giá của chính nó về kết quả kỳ thi trước đó, lịch sử phân bố điểm của các trường và các yếu tố khác. Gần 40% học sinh đã nhận được kết quả điểm số thấp hơn so với những gì giáo viên của họ đã ước tính, và một phần không cân xứng trong nhóm này là các học sinh có hoàn cảnh gia đình ở tầng lớp lao động.
Còn ở Mỹ, có trường hợp AI đã mắc phải những lỗi lầm làm thay đổi cả một cuộc đời. Ví dụ, một người đàn ông đã bị bắt sau khi phần mềm nhận dạng khuôn mặt xác định nhầm. Trước áp lực từ các nhóm nhân quyền, HireVue, công ty cung cấp nền tảng cho phỏng vấn trực tuyến, hồi đầu năm nay đã loại bỏ tính năng sàng lọc phân tích khuôn mặt ra khỏi dịch vụ của mình. Nick Bostrom, Giáo sư tại Đại học Oxford, đã cảnh báo AI là công nghệ có khả năng hủy diệt nền văn minh. Bị lóa mắt bởi khả năng thuật toán xử lý một lượng lớn dữ liệu trong khi không kiểm soát được các khía cạnh tiêu cực của AI có thể là điều vô cùng nguy hiểm.
Ngày càng có nhiều lo ngại nếu các công ty và quốc gia chỉ tập trung ưu tiên lợi ích của chính họ, thì việc AI có thể đưa ra quyết định công bằng, không thiên vị sẽ là viễn cảnh xa vời. Theo Nikkei, nhà nghiên cứu đạo đức AI Timnit Gebru đã bị buộc phải rời khỏi Google vào cuối năm ngoái vì cảnh báo nguy cơ sai lệch trong các mô hình ngôn ngữ. Động thái này gây tâm lý lo ngại cho những tiếng nói chia sẻ khác liên quan đến AI. Năm ngoái, gã khổng lồ dịch vụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc đã rút khỏi Đối tác về AI, một liên minh quốc tế giải quyết các vấn đề phát triển AI có các thành viên khác bao gồm Apple, Intel, IBM và Sony.
AI là một công cụ sắc bén được sinh ra từ thời kỳ hiện đại, nhưng nó không thể tự sửa chữa sai lầm mà chỉ có con người mới có khả năng thực hiện nhiệm vụ đó. Tháng 4.2021, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố đề xuất dự thảo đầu tiên trên thế giới về quy định quản lý sử dụng AI. EU cũng kêu gọi việc cấm các cơ quan chính phủ dùng công nghệ AI để gắn điểm tín dụng xã hội cho các cá nhân. Ngoài ra, còn có những nỗ lực khác đang được ra để kiểm soát sự tiếp cận AI quá mức. Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton (Mỹ) đã phát triển công cụ xác định sự sai lệch có thể có trong bộ hình ảnh được dùng để đào tạo các chương trình AI. Nhóm nghiên cứu đã tạo nguồn mở và cung cấp công cụ này để thúc đẩy hợp tác nâng cấp.
Năm 2018, doanh nhân Mỹ Tim Kendall đã đồng sáng lập Moment để cung cấp ứng dụng giảm việc truy cập mạng xã hội quá mức. Trước khi theo đuổi dự án mới, Kendall đã từng hỗ trợ sự phát triển của Facebook với tư cách giám đốc về chiến lược kiếm tiền. Dưới sự theo dõi và quản lý của Kendall, thuật toán của Facebook đã đẩy mạnh các bài đăng và quảng cáo phù hợp với sở thích của người dùng. Tuy nhiên, Kendall đã thay đổi sau khi nhận ra bản thân bị nghiện mạng xã hội. Ông thường dán mắt vào điện thoại thông minh ngay trước khi đi ngủ.
“Những sản phẩm cạnh tranh với cả giấc ngủ vì lợi nhuận là không bền vững và nguy hiểm. Tôi hy vọng chúng ta sẽ nhìn thấy một sự thay đổi với những mô hình dịch vụ lấy con người làm trung tâm, được thiết kế để mang lại lợi ích cho người dùng chứ không phải để khai thác họ”, ông Kendall nói.
Bình luận (0)